Giải thưởng Tôn Đức Thắng năm 2022: Không thỏa hiệp với những khó khăn

Nhiệt huyết, không ngừng sáng tạo là những gì chúng tôi ghi nhận qua trò chuyện với những công nhân, kỹ sư được đề xuất trao Giải thưởng Tôn Đức Thắng năm 2022. Mỗi ngày, họ không chỉ làm hết phần việc của mình mà còn tìm tòi, sáng tạo, cải tiến để nâng cao chất lượng và năng suất sản xuất cho đơn vị.

Nâng cấp giá trị bản thân

Hơn 2 năm nay, khách hàng của hãng giày dép thuộc Công ty cổ phần Seedcom Fashion Group rất ấn tượng với những đôi giày, dép phom nhỏ nhưng tạo cảm giác êm ái cho bàn chân. Anh Lê Anh Tuấn, Tổ trưởng Tổ trung tỷ - đế thuộc công ty bật mí “bí quyết” nằm ở phần đế giữa của đôi giày. Bí quyết mà anh Tuấn nói đó là sáng kiến “Chuyển đổi trung tỷ (đế giữa) từ nhựa sang giấy”. Anh Tuấn chia sẻ, đầu năm 2020, khi dịch Covid-19 bắt đầu lây lan mạnh, chất liệu PP - nguồn nguyên liệu để sản xuất đế giữa giày dép mà công ty đang sử dụng ngày càng khó nhập khẩu. Trăn trở với cái khó của công ty, anh Tuấn đã đề xuất nghiên cứu chuyển đổi nguyên liệu cho phần đế giữa từ chất liệu PP sang chất liệu giấy. Anh Tuấn bảo, không phải đến khi nguồn nguyên liệu khan hiếm, anh mới nghĩ đến đổi sang chất liệu khác mà việc này đã được ấp ủ, nghiên cứu từ lâu. “Thực tế, có nhiều nguyên liệu để thay thế nhưng tôi chọn giấy, bởi đây là sản phẩm thân thiện với môi trường, dễ tái chế, trong khi đó nguồn nguyên liệu trong nước lại rất dồi dào, công ty sẽ không bị động khi thị trường có khó khăn. Chất liệu này còn sử dụng được trong tất cả các mẫu mã, từ xăng đan, giày cao gót, búp bê,... lại dễ xử lý theo phom của người dùng”, anh Tuấn chia sẻ.

Được sự ủng hộ của ban giám đốc, cứ hết giờ làm việc, anh Tuấn cùng một số đồng nghiệp tự tăng ca để mày mò từng khâu, từ lượng nguyên liệu, việc định vị các phần đinh đi qua đến điều chế keo phủ giúp tăng độ bền cho giày dép… Gần 6 tháng miệt mài nghiên cứu, sau khi thử nghiệm với rất nhiều lần “xé nháp”, sản phẩm đã được áp dụng sản xuất rộng rãi. Điều mà anh Tuấn hài lòng nhất khi dùng chất liệu giấy là bàn tay của công nhân sẽ bớt phồng rộp khi phải xử lý chất liệu cứng như PP. Bên cạnh đó, chất liệu mới còn giúp giảm thời gian xử lý đế giữa từ 1 phút xuống còn 15 giây, giảm giá thành 2.200 đồng/sản phẩm, làm lợi cho doanh nghiệp hơn 1 tỷ đồng/năm.

Nói đến sáng kiến, chàng kỹ sư cơ khí Nguyễn Hoàng Phương, Kỹ thuật viên cơ điện - Xưởng Cơ khí bảo trì, Công ty cổ phần Thực phẩm Cholimex, luôn miệng bảo, dân kỹ thuật mà chỉ tới công ty chờ máy móc hư đâu sửa đó thì chả mấy chốc “lụt nghề” nên hay cải tiến này nọ để dây chuyền sản xuất chạy trơn tru hơn, cũng là để mình không lỗi thời. Với suy nghĩ đó nên mỗi năm, anh Phương có đến hàng chục sáng kiến. Anh Phương cho biết, đầu năm 2017, máy chiết rót đơn với 7 line bán tự động và 1 line tự động “made in” Xưởng Cơ khí bảo trì, được đưa vào hoạt động thay thế hoàn toàn cách chiết rót thủ công trước đây. Dù vậy, năm 2020, đơn hàng tăng cao, máy chiết rót trên hoạt động hết công suất cũng không đáp ứng được nhu cầu sản xuất. Để nhập thêm một máy chiết mới, chi phí cũng trên dưới 5 tỷ đồng. Thấy số tiền đầu tư lớn, anh Phương cùng anh em trong xưởng lại xung phong chế tạo một chiếc máy đôi, với quy trình hoạt động tương tự như máy đã chế tạo năm 2017. Sau gần 4 tháng, máy hoàn thành cho công suất gấp đôi máy cũ, từ 3.000 chai/giờ tăng lên 6.000 chai/giờ; đồng thời giảm được 12 công nhân chuyên thực hiện công đoạn chiết rót.

Nguyễn Hoàng Phương và máy chiết rót đôi giúp doanh nghiệp đáp ứng được đơn hàng ngày càng cao. Ảnh: PHƯƠNG UYÊN

Anh Phương tự hào cho hay, 50%-60% máy móc ở xưởng do anh em kỹ thuật tự mày mò học hỏi và chế tạo ra. Anh Phương quan niệm, trách nhiệm của một người làm kỹ thuật không chỉ là sửa chữa, bảo trì máy móc mà còn nhiều hơn thế, bởi khi tự chế tạo, nâng cấp máy móc cũng là nâng cấp giá trị bản thân.

Giảm áp lực cho người lao động

Truyền tải điện TPHCM đang quản lý 14 trạm biến áp trên địa bàn TPHCM và tỉnh Long An. Mỗi trạm có hàng chục công tơ đo đếm điện năng, nên tổng số lượng công tơ cần theo dõi rất nhiều. Anh Bùi Văn Hoàng, Giám đốc Truyền tải điện TPHCM, cho biết, từ năm 2017 trở về trước, mỗi khi các trạm biến áp xảy ra sự cố, cán bộ kỹ thuật của đơn vị phải di chuyển từ trụ sở xuống trạm biến áp để kiểm tra nguyên nhân và xử lý, mất rất nhiều thời gian và luôn bị động trong công việc. “Nhìn anh em đi lại như vậy tôi cũng sốt ruột, nhiều khi chưa xong chỗ này, chỗ khác lại có sự cố. Lúc về tới trụ sở thì ai cũng bơ phờ. Không lẽ cứ mãi bị động như vậy, nhất là khi nước ta đã bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với sự tiến bộ rất lớn của khoa học công nghệ?”. Anh Hoàng tự đặt câu hỏi và tự nhủ mình phải cải tiến và khai thác sự tiến bộ đó. Từ đó, anh mày mò nhiều phần mềm, tính toán kỹ lưỡng khả năng thích ứng khi áp dụng vào thực tiễn và mạnh dạn triển khai. 

Với kinh nghiệm và sự nhạy bén của người có 32 năm công tác trong ngành, anh Hoàng và các cộng sự đã ứng dụng phần mềm Pinginfoview cài đặt trên máy nhúng tại trạm biến áp. Phần mềm trên đã hỗ trợ rất tích cực trong việc giám sát đường truyền kết nối hệ thống công tơ đo đếm từ xa, giúp ca trực phát hiện ngay nguyên nhân gây ra sự cố mất kết nối công tơ tại các trạm biến áp để khắc phục từ xa. Nhờ đó, đơn vị đảm bảo giám sát đường truyền trực tiếp và liên tục; chủ động trong xử lý cố sự cố, rút ngắn thời gian xác định nguyên nhân khi có sự cố mất kết nối đường truyền.

Tương tự, trước năm 2019, nhân viên chi nhánh Dịch vụ Môi trường thuộc Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TPHCM (đơn vị cung cấp dịch vụ hỏa táng, địa táng và thu gom rác y tế) cũng mướt mồ hôi với hàng chục đơn hàng mỗi ngày. Anh Nguyễn Hữu Lộc, Giám đốc chi nhánh, cho biết, mỗi năm chi nhánh thực hiện hỏa táng trên 24.000 lượt, địa táng hơn 17.700 mộ; thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải y tế toàn địa bàn TPHCM nên việc cập nhật, quản lý, truy xuất, thống kê… bằng dữ liệu phần mềm Excel không đáp ứng được. Đó còn chưa kể các bước ký kết các hợp đồng, theo dõi quá trình thực hiện hoàn toàn thủ công theo quy trình cũ, rất mất thời gian. Vậy là anh lên ý tưởng viết chương trình “Hệ thống quản lý dịch vụ địa táng - hỏa táng và rác y tế” hoạt động kiểu website online để quản lý toàn bộ dịch vụ, khắc phục được các hạn chế trên. Sáng kiến này đã mang lại nhiều thuận lợi và tiện ích cho khách hàng cũng như chi nhánh. Nhân viên thực hiện mọi thao tác trên máy tính, còn khách hàng có thể sử dụng điện thoại thông minh hoặc máy tính có kết nối internet để truy cập hệ thống, đăng ký, thực hiện giao dịch trực tuyến, theo dõi mọi thông tin về tiến độ giải quyết dịch vụ mình yêu cầu. Chương trình cũng lưu trữ tất cả các thông tin phục vụ nhu cầu tìm kiếm của khách hàng và doanh nghiệp. Hệ thống còn giúp người quản lý thực hiện mọi nghiệp vụ quản trị, theo dõi được chi tiết tiến độ công việc của tất cả các bộ phận và nhân viên chi nhánh.

Không thể nhớ hết những sáng kiến đã đưa vào thực tiễn
Anh Huỳnh Thanh Vũ, nhân viên phân xưởng Cơ điện, Chi nhánh Tổng Công ty Liksin - Xí nghiệp Bao bì Liksin, không thể nhớ hết những sáng kiến của anh đã đưa vào áp dụng thực tiễn, bởi vướng đâu là anh cải tiến đó.
Có những cải tiến, anh chỉ mất 3-4 tuần nhưng cũng có những cải tiến vài tháng trời mày mò, thất bại mấy lần rồi mới cho trái ngọt.
Giải thưởng Tôn Đức Thắng năm 2022: Không thỏa hiệp với những khó khăn ảnh 2 Anh Huỳnh Thanh Vũ đã cải tiến máy giúp tăng năng suất, giảm giá thành sản phẩm bao bì của công ty. Ảnh: PHƯƠNG UYÊN
Ở xưởng nơi anh làm việc hầu hết là các thiết bị máy móc cũ. Để sản xuất, công ty phải thực hiện nhiều dây chuyền, có những công đoạn phải làm thủ công, từ đó dẫn đến phế phẩm nhiều, làm tăng chi phí, giảm năng suất và mất rất nhiều thời gian mà vẫn không đáp ứng được yêu cầu của khách hàng. Trước yêu cầu bức thiết đó, anh Vũ cùng cộng sự đã cải tiến nhiều máy móc trong xưởng. Trong đó có máy Đài Loan 1, thiết bị một lúc “cân” được cả 5 công đoạn trên một dây chuyền (trước đây chỉ 1-2 công đoạn/dây chuyền) bằng cách nối dài thành máy để đảm bảo lắp đủ các bộ phận cần thiết, thay thế dao hàn cơ bằng dao sử dụng ben hơi có đồng hồ hiển thị, giúp kiểm soát chất lượng đường hàn. Dao hàn có thể thay đổi và gắn thêm dao dập răng cưa, dao dập quai xách bằng nhiệt, giảm hao hụt, chất lượng ổn định, tăng năng suất, tiết kiệm được thời gian và chi phí. Những linh kiện, thiết bị để cải tiến, anh Vũ tận dụng từ máy này chuyển sang máy kia, không mấy khi phải mua sắm mà vẫn đảm bảo chất lượng sản phẩm.

Những cá nhân có nhiều sáng kiến trong sản xuất đều có điểm chung là không thỏa hiệp với những khó khăn trong công việc, sẵn sàng chia sẻ với doanh nghiệp. Bởi vậy mà nhiều sáng kiến được ra đời, góp phần cải thiện đáng kể trong quy trình sản xuất và tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp, giảm giá thành sản phẩm.

Tin cùng chuyên mục