Thành phố Hồ Chí Minh

Giảm áp lực kỳ thi tuyển sinh lớp 10

Ngày 12-6 là thời hạn cuối cùng thí sinh điều chỉnh nguyện vọng đăng ký vào lớp 10 các trường THPT công lập trên địa bàn TPHCM. Năm nay, tỷ lệ thí sinh điều chỉnh nguyện vọng không nhiều. Đặc biệt, số lượng học sinh tốt nghiệp THCS rẽ hướng qua trường nghề tăng nhẹ, góp phần thực hiện chủ trương phân luồng của TP.

Giữ ổn định nguyện vọng đã đăng ký

Theo ông Cao Đức Khoa, Hiệu trưởng Trường THCS Huỳnh Khương Ninh (quận 1), năm nay, tỷ lệ học sinh điều chỉnh 3 nguyện vọng đăng ký vào lớp 10 các trường THPT công lập chiếm khoảng 6-7% tổng hồ sơ đăng ký. Tỷ lệ này không biến động so với kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2019-2020.

Trong đó, thí sinh chủ yếu điều chỉnh nguyện vọng 1 (nguyện vọng có điểm chuẩn cao nhất) giữa các trường THPT thuộc tốp đầu của TP, như: Nguyễn Thượng Hiền, Nguyễn Thị Minh Khai, Bùi Thị Xuân, Gia Định… 

Lý giải tình trạng này, Hiệu trưởng Trường THCS Huỳnh Khương Ninh phân tích, do năm nay nhiều trường THPT ở tốp đầu biến động về tỷ lệ chọi, trong đó một số trường như THPT Nguyễn Thượng Hiền, THPT Gia Định tăng tỷ lệ chọi khá cao, khiến thí sinh e ngại, muốn thay đổi nguyện vọng vào các trường có tỷ lệ chọi thấp hơn.

Giảm áp lực kỳ thi tuyển sinh lớp 10 ảnh 1 Học sinh Trường THCS Lạc Hồng (quận 10) tham quan tìm hiểu các trường dạy nghề trên địa bàn TPHCM
Tương tự, tại Trường THCS Nguyễn Du (quận Gò Vấp), Hiệu trưởng Nguyễn Hồng Đức thông tin, trong tổng số 354 hồ sơ đăng ký dự thi lớp 10, chỉ có hơn 50 trường hợp điều chỉnh nguyện vọng đăng ký sau khi Sở GD-ĐT TP công bố số liệu ban đầu về hồ sơ đăng ký nguyện vọng 1.

Trong đó, học sinh chủ yếu điều chỉnh nguyện vọng giữa các trường trong cùng nhóm điểm chuẩn, không có trường hợp “hạ nguyện vọng” từ các trường ở nhóm điểm chuẩn cao xuống nhóm điểm chuẩn thấp. Như vậy về cơ bản, nguyện vọng đăng ký của học sinh không thay đổi giữa các nhóm trường, thí sinh căn cứ vào tỷ lệ chọi để điều chỉnh nguyện vọng nhằm có xác suất an toàn cao hơn. 

Tại Trường THCS Lạc Hồng (quận 10), ông Nguyễn Thành Phát, hiệu trưởng nhà trường cho biết, năm nay, hầu hết học sinh khối 9 giữ ổn định nguyện vọng đã đăng ký. Trong đó, dựa trên năng lực học tập 4 năm ở bậc THCS và mục tiêu phát triển nghề nghiệp trong tương lai, học sinh được hướng dẫn chọn nguyện vọng vừa sức, tránh tình trạng vì áp lực thành tích “nhắm mắt đăng ký” vào các trường THPT có điểm chuẩn quá cao.

Có được kết quả này, theo ông Nguyễn Thành Phát, do ngay từ đầu năm học lớp 9, giáo viên chủ nhiệm ở tất cả các lớp đã tư vấn kỹ cho học sinh, qua đó giúp các em sớm xác định mục tiêu học tập sau khi hoàn thành chương trình bậc THCS.

Ngoài ra, điểm mới của công tác tuyển sinh năm nay là nhiều trường tổ chức cho học sinh đăng ký nguyện vọng online bằng máy tính, do đó có thể điều chỉnh nguyện vọng nhiều lần trước khi trường tổng hợp hồ sơ đăng ký gửi về Sở GD-ĐT TP. 

Phát huy hiệu quả tư vấn hướng nghiệp

Đại diện Sở GD-ĐT TPHCM cho biết, nhiều năm trở lại đây, tỷ lệ học sinh nộp hồ sơ đăng ký dự thi lớp 10 chỉ chiếm khoảng 80% số lượng học sinh tốt nghiệp THCS. Nhiều em chủ động chọn các hình thức học tập khác phù hợp với năng lực bản thân và điều kiện kinh tế của gia đình như học nghề, học tại các trường THPT tư thục, dân lập và hệ giáo dục thường xuyên. Trong đó, lựa chọn học nghề với nhiều ưu điểm như được miễn học phí, có thể vừa học nghề vừa học văn hóa, sau khi ra trường học sinh sẽ có cùng lúc hai bằng tốt nghiệp THPT và trung cấp nghề, nhiều cơ hội liên thông lên các trường đại học, cao đẳng... nên đã thu hút số lượng lớn thí sinh.

Bà Trần Thúy An, Hiệu trưởng Trường THCS Minh Đức (quận 1) cho biết, năm nay tỷ lệ học sinh lựa chọn học nghề chiếm gần 10% tổng số học sinh khối 9 của trường. Đối tượng học sinh học nghề không còn giới hạn ở những học sinh học lực trung bình, yếu mà đã có nhiều trường hợp học sinh khá, giỏi quyết định rẽ hướng qua học nghề để rút ngắn thời gian đào tạo.

Mới đây, Trường THCS Minh Đức đã tổ chức các buổi tư vấn hướng nghiệp, giới thiệu hoạt động của các trường nghề, thu hút hơn 50% học sinh khối 9 tham gia. “Điểm mới của năm nay là học sinh không chỉ quan tâm chương trình, chi phí đào tạo của các trường nghề, mà tìm hiểu rất sâu về sự phân bổ ngành nghề, tỷ lệ có việc làm sau khi ra trường, cơ hội liên thông…”, bà Trần Thúy An cho biết. 

Theo lãnh đạo các đơn vị trường học, để thực hiện có hiệu quả công tác phân luồng và tư vấn hướng nghiệp cho học sinh THCS, cần thay đổi trước hết nhận thức của đội ngũ giáo viên. Trong đó, xuất phát từ những thay đổi về cơ cấu ngành nghề trong xã hội, tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ” xuất hiện ở nhiều ngành nghề lao động. Thầy cô giáo đóng vai trò quan trọng trong việc thay đổi suy nghĩ của nhiều phụ huynh, học sinh là “phải học hết cấp 3 để có bằng tốt nghiệp THPT rồi mới tính đến việc lựa chọn ngành nghề”. Thay vào đó, học sinh cần sớm xác định mục tiêu phát triển của bản thân để lựa chọn hình thức học tập phù hợp.

Theo nhà giáo Trần Mậu Minh, nguyên Hiệu trưởng Trường THCS Trần Văn Ơn (quận 1), năm nay số lượng thí sinh đăng ký nguyện vọng 1 lớp 10 là 85.015 em, tăng gần 5.000 học sinh so với kỳ thi tuyển sinh năm 2019. Trong khi tổng chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10 lại giảm nhẹ, dẫn đến tỷ lệ chọi tăng với mức dao động không lớn. Từ đó, sau khi so sánh tỷ lệ chọi của trường mình đăng ký tăng hay giảm so với năm 2019, học sinh có thể dự đoán điểm chuẩn, cân nhắc có nên điều chỉnh nguyện vọng hay không. Tuy nhiên, nếu đã đánh giá tương đối chính xác khả năng của mình tương ứng với điểm chuẩn của trường nào đó, cộng với tỷ lệ chọi năm nay của trường đó không biến động thì học sinh không cần điều chỉnh nguyện vọng. 

Tin cùng chuyên mục