Theo quy định, người sau cai nghiện đang được quản lý tại các trung tâm chữa bệnh - giáo dục - lao động xã hội (gọi tắt là trung tâm) khi làm việc tại các doanh nghiệp phải được ký kết hợp đồng làm việc và hưởng các chế độ, chính sách về tiền lương, bảo hiểm… Thực tế, thời gian qua, chưa có người sau cai nào được doanh nghiệp ký hợp đồng làm việc và đảm bảo quyền lợi như quy định. Doanh nghiệp không mặn mà, người sau cai tại các trung tâm vẫn thiếu việc làm.
“Ế” việc
Trước đây, có 30 người sau cai được Sở LĐTB-XH TP gửi gắm sang Trung tâm Giáo dục - dạy nghề - giải quyết việc làm Nhị Xuân (Lực lượng Thanh niên xung phong) với mong muốn họ sẽ được các doanh nghiệp trong Cụm công nghiệp Nhị Xuân để ý tới, tuyển vào làm việc. Rốt cục, không ai được tuyển dụng. Công tác giải quyết việc làm cho người sau cai vẫn lận đận, phụ thuộc chủ yếu vào sự tự thân vận động của các trung tâm. Trước khi được tái hòa nhập cộng đồng, học viên cai nghiện (từ 16 tháng trở đi) và người sau cai (từ 42 tháng), của các trung tâm sẽ được gửi sang Trung tâm Phước Bình để học nghề và giới thiệu việc làm. Được coi là đầu mối dạy nghề, giới thiệu việc làm cho học viên và người sau cai của TP, thế nhưng 43 người sau cai đang được quản lý tại đây lại thiếu việc làm do không còn doanh nghiệp nào hợp tác với trung tâm để tuyển người sau cai vào làm việc. Tình trạng ế ẩm trên cũng xảy ra tại các trung tâm khác và mỗi trung tâm phải tự tạo việc làm cho người sau cai bằng các công việc nội bộ, có gì làm nấy.
Rất hiếm trung tâm may mắn được doanh nghiệp để mắt tới, tạo được việc làm bài bản. Trung tâm Phú Nghĩa (chuyên quản lý đối tượng nữ) may mắn duy trì được việc may đồng phục cho học viên các trung tâm nên những người sau cai ở đây ít nhiều còn có việc để làm. Hoành tráng nhất là Trung tâm Phú Văn, liên kết với Công ty TNHH Ba Huân lập trại chăn nuôi gà lấy trứng với quy mô 70.000 con nên 30 người sau cai tại trung tâm được làm việc với mức lương 500.000 đồng/tháng. Tuy nhiên, người sau cai không được doanh nghiệp trực tiếp ký hợp đồng làm việc. Để đảm bảo quyền lợi cho người lao động, trung tâm phải đứng ra ký hợp đồng thời vụ 3-6 tháng với người sau cai.
Đẩy mạnh dạy nghề
Theo ông Nguyễn Ngọc Thạch, Chi cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội TP, dù có thế mạnh về mặt bằng nhưng các trung tâm đều nằm rải rác ở các tỉnh, thành xa TP hàng trăm kilômét. Người sau cai còn nhiều hạn chế về trình độ, sức khỏe, kỷ luật lao động.
Trong khi đó, doanh nghiệp muốn nhận được các chế độ ưu đãi phải đáp ứng được các yêu cầu khá ngặt nghèo như phải đặt cơ sở sản xuất tại trung tâm, tuyển tỷ lệ lớn lao động là người sau cai… Chưa có chế độ đãi ngộ phù hợp với doanh nghiệp tuyển dụng người sau cai nên các doanh nghiệp còn ngần ngại tuyển dụng người sau cai vào làm việc. Những người sau cai hay người tái hòa nhập cộng đồng là những phận người khá đặc biệt. Tạo việc làm ổn định, góp phần giúp đỡ, giành giật lại từng con người thoát khỏi sự cám dỗ của ma túy là rất khó, tại sao không quy định một hệ số ưu đãi để áp dụng cho linh động, phù hợp với cả những doanh nghiệp chỉ nhận 5-7 người, thậm chí là 1-2 người sau cai? Chưa được các doanh nghiệp chia sẻ trách nhiệm tạo việc làm cho người sau cai, để tạo cơ hội cho người sau cai sau này tái hòa nhập cộng đồng bền vững, Sở LĐTB-XH đẩy mạnh dạy nghề, rèn luyện kỹ năng mềm cho những đối tượng này. Mỗi năm, có khoảng 650 học viên và người sau cai sẽ được dạy và cấp chứng chỉ (sơ cấp) các nghề: may công nghiệp, vi tính văn phòng, sửa xe gắn máy, điện công nghiệp, gò hàn…
Ông Lê Hoàng Đáo, Giám đốc Trung tâm Phước Bình, cho biết, sắp tới, trung tâm sẽ phối hợp chặt chẽ với các trung tâm giới thiệu việc làm ở quận, huyện. Khi người sau cai được hồi gia, thông tin và nhu cầu việc làm của họ sẽ được trung tâm gửi tới các trung tâm giới thiệu việc làm để nhanh chóng giới thiệu việc làm phù hợp. Ông Nguyễn Văn Minh, Phó Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM, cho hay, sở đang xem xét lên kế hoạch kiến nghị TP sắp xếp lại Cụm công nghiệp Nhị Xuân, đề xuất các chính sách phù hợp để tăng năng lực tiếp nhận người sau cai cũng như người tái hòa nhập cộng đồng vào làm việc.
| |
Đường Loan