Giảng dạy lý luận chính trị phải gắn với thực tiễn

Ngày 22-11, Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM phối hợp Học viện Cán bộ TPHCM tổ chức hội thảo khoa học “Nâng cao chất lượng giảng dạy lý luận chính trị của các trung tâm chính trị và Học viện cán bộ TPHCM”.

PGS.TS Nguyễn Tấn Phát, Giám đốc Học viện Cán bộ TPHCM; đồng chí Phạm Đức Hải, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM và PGS.TS Nguyễn Văn Y, Phó Giám đốc Học viện Cán bộ TPHCM, đồng chủ trì hội thảo.

Quang cảnh buổi hội thảo

Quang cảnh buổi hội thảo

Phát biểu đề dẫn, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM Phạm Đức Hải đề nghị các đại biểu phải đổi mới, nâng cao chất lượng giảng dạy lý luận chính trị trong tình hình hiện nay. Đồng thời, thảo luận, làm rõ những vấn đề thực tiễn đặt ra hiện nay trong công tác giảng dạy lý luận chính trị tại cơ sở, nhất là trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 phát triển mạnh mẽ.

Từ gợi ý đó, các đại biểu đã tập trung thảo luận về thực trạng công tác dạy và học lý luận chính trị tại các trung tâm chính trị trên địa bàn TPHCM và Học viện Cán bộ TPHCM; nêu những hạn chế, khó khăn và đề ra giải pháp để cải thiện, nâng cao chất lượng.

TS Bùi Thị Ngọc Trang, Phó Giám đốc Học viện Cán bộ TPHCM tại hội thảo

TS Bùi Thị Ngọc Trang, Phó Giám đốc Học viện Cán bộ TPHCM tại hội thảo

Với kinh nghiệm giảng dạy và công tác quản lý nhiều năm, TS Bùi Thị Ngọc Trang, Phó Giám đốc Học viện Cán bộ TPHCM chỉ ra một số hạn chế ảnh hưởng đến chất lượng giảng dạy lý luận chính trị tại các trung tâm chính trị. Chẳng hạn, hiện nay, mỗi trung tâm có 1 giảng viên chuyên trách và một số giảng viên kiêm nhiệm, sự bận rộn trong công tác chuyên môn đã ảnh hưởng đến việc duy trì và nâng cao hiệu quả công tác đào tạo ở các trung tâm.

Để nâng cao chất lượng học tập chính trị, theo TS Bùi Thị Ngọc Trang phải bắt đầu từ giải pháp tiếp tục tăng cường đội ngũ giảng viên. Trong đó, phải kiện toàn và nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên trên cơ sở nguồn nhân lực tại chỗ và tăng cường đội ngũ từ các nguồn khác, nhất là mời các công chức, viên chức có học vị, học hàm, có chuyên môn phù hợp, đặc biệt là có kinh nghiệm thực tiễn. Cùng với đó, rà soát lại kế hoạch đào tạo nội bộ để sớm đưa đi đào tạo, kể cả đào tạo ở nước ngoài những viên chức trẻ có khả năng và triển vọng thành đạt trong giảng dạy và nghiên cứu. Đặc biệt, phải tổ chức cho các giảng viên trẻ đi nghiên cứu thực tế ở các địa phương và cơ sở để thâm nhập thực tế, tham gia nghiên cứu giải quyết các vấn đề thiết thực, bức xúc, hữu ích ở địa phương.

TS Bùi Thị Ngọc Trang kiến nghị, phải quán triệt rõ việc học của học viên phải là học thật, tránh tình trạng học đối phó. Các cơ quan, đơn vị cử cán bộ đi học phải tạo điều kiện tối đa để học viên tập trung học tập.

Cũng nhấn mạnh đến đội ngũ giảng viên kiêm nhiệm, bà Nông Thị Hoài Hương, chuyên viên Phòng Lý luận Chính trị - Lịch sử Đảng, Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM thông tin, hiện đội ngũ giảng viên tại các trung tâm chính trị quận, huyện, TP Thủ Đức là 398 giảng viên, trong đó tới 368 giảng viên là kiêm nhiệm. Đội ngũ này có yếu tố thực tiễn, song phương pháp giảng dạy còn khô khan, chưa thu hút nên chất lượng giảng dạy chưa cao. Do đó, các giảng viên kiêm nhiệm cần đổi mới phương pháp giảng dạy với phương châm “lấy học viên làm trung tâm”, tăng cường tương tác hai chiều, giải đáp những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn công tác của học viên…

Trưởng Ban Tuyên giáo Quận ủy quận 7 Huỳnh Tiểu Phụng nêu ý kiến tại hội thảo

Trưởng Ban Tuyên giáo Quận ủy quận 7 Huỳnh Tiểu Phụng nêu ý kiến tại hội thảo

Ở góc độ địa phương, Trưởng Ban Tuyên giáo Quận ủy quận 7 Huỳnh Tiểu Phụng đánh giá chất lượng giảng dạy và học tập lý luận chính trị còn hạn chế do một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và một số cấp ủy chưa nhận thức, quan tâm đúng mức trong việc học lý luận chính trị.

Đồng thuận với nhận định trên, bà Vũ Tố Quyên, Ban Tuyên giáo Quận ủy quận 3 cũng nhìn nhận, hiện nay việc vừa học, vừa làm dẫn đến chất lượng học tập lý luận chính trị chưa cao, thậm chí có tình trạng học viên nhờ người đi học thay. Bà Vũ Tố Quyên cho rằng trong xây dựng các bài giảng, các chuyên đề phải gắn với thực tiễn và phù hợp với người nghe; phải đưa kết quả học tập lý luận chính trị vào gắn với đánh giá chất lượng cán bộ, đảng viên cuối năm.

Quận 10 cũng có nhiều giải pháp trong giảng dạy lý luận chính trị. Trong đó, ngoài đảm bảo đúng chủ trương, định hướng của Học viện Cán bộ; vận dụng linh hoạt các nội dung theo quy định vào thực tiễn của quận và lồng ghép các vấn đề nổi bật được học viên quan tâm, liên quan đến tình hình kinh tế, văn hóa, xã hội… của thành phố và quận, từ đó tăng tính thực tiễn, đáp ứng được nhu cầu của học viên.

Bà Vũ Tố Quyên, Ban Tuyên giáo Quận ủy quận 3 nói về chất lượng giảng dạy lý luận chính trị tại địa phương và giải pháp

Bà Vũ Tố Quyên, Ban Tuyên giáo Quận ủy quận 3 nói về chất lượng giảng dạy lý luận chính trị tại địa phương và giải pháp

Phát biểu tại hội thảo, PGS-TS Nguyễn Tấn Phát, Giám đốc Học viện Cán bộ TPHCM nhận xét, các đại biểu đã thảo luận, làm rõ hơn về nguyên nhân và giải pháp để nâng cao chất lượng dạy và học lý luận chính trị. Hội thảo cũng đã khẳng định vai trò, vị trí quan trọng của các trung tâm chính trị và trường chính trị đối với sự phát triển của các tỉnh, thành phố, đặc biệt trong giảng dạy lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, qua đó góp phần phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho các địa phương. Trong bối cảnh phát triển mới, chức năng, nhiệm vụ này đứng trước nhiều khó khăn, thách thức song cũng đầy vinh dự, tự hào và đóng góp nhiều vào tiến trình phát triển của các địa phương, đất nước khi các trung tâm chính trị và trường chính trị biết vượt qua các khó khăn, trở ngại để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao.

Tin cùng chuyên mục