Giành lại vỉa hè cho người đi bộ ở Hà Nội: “Bài toán” khó

Sau gần 1 tháng TP Hà Nội thực hiện chiến dịch “giành lại vỉa hè cho người đi bộ”, trật tự đô thị tại thủ đô tuy có chuyển biến, nhưng nạn lấn chiếm vỉa hè vẫn rất phức tạp.
Một đoạn vỉa hè phố Quang Trung (TP Hà Nội) bị chiếm dụng làm nơi giữ xe. Ảnh: QUANG PHÚC
Một đoạn vỉa hè phố Quang Trung (TP Hà Nội) bị chiếm dụng làm nơi giữ xe. Ảnh: QUANG PHÚC

Lòng đường thành nơi đi bộ

Ghi nhận của phóng viên tại nhiều tuyến phố lớn của Hà Nội như Ô Chợ Dừa, Xã Đàn, phố Huế, Đại Cồ Việt, Hàng Bài, Láng Hạ, Giảng Võ… sau khi Ban Chỉ đạo 197 TP Hà Nội triển khai kế hoạch tổng kiểm tra, xử lý, giải quyết vi phạm về trật tự, an toàn giao thông, trật tự đô thị, trật tự công cộng trên địa bàn thì vỉa hè đã “được trả” cho người đi bộ, rộng rãi hơn. Trên các tuyến phố này, chính quyền địa phương đã kẻ sơn chia vỉa hè làm 2 phần, một phần để xe máy cho các hộ dân ở mặt phố, phần còn lại cho người đi bộ.

Tuy nhiên, nhiều tuyến đường khác, nhất là ở khu phố cổ, hay những tuyến đường có vỉa hè nhỏ hẹp, tình trạng biến vỉa hè thành nơi kinh doanh buôn bán hàng ăn, cà phê, trà đá và chỗ trông giữ xe vẫn rất phức tạp, buộc người đi bộ phải đi xuống lòng đường, gây mất an toàn giao thông.

Tại khu vực phố Phan Chu Trinh, Hàm Long, Lò Đúc, Trần Xuân Soạn… có một số quán bia hơi, cà phê luôn tấp nập vào buổi sáng. Khi lực lượng chức năng có mặt nhắc nhở thì bàn ghế được xếp gọn, nhưng tới trưa và chiều tối lại bày hết ra vỉa hè đón khách vì đây là thời điểm lực lượng chức năng ít đi kiểm tra.

Lộ trình từng bước

Theo Ban Chỉ đạo 197 TP Hà Nội, sau gần 1 tháng ra quân, các địa phương đã xử lý gần 6.000 trường hợp vi phạm trật tự đô thị, phạt tiền 2,65 tỷ đồng. Lỗi vi phạm chủ yếu là chiếm dụng lòng đường, hè phố trái phép để kinh doanh ăn uống, buôn bán hàng hóa. Đại tá Dương Đức Hải, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội, cho biết, để từng bước giành lại vỉa hè cho người đi bộ, Công an TP Hà Nội đã tham mưu giải pháp chia lộ trình thực hiện. “Chúng tôi sẽ tham mưu để thành phố quy hoạch lại hệ thống chợ dân sinh, điều chỉnh quy hoạch các điểm đỗ xe”, Đại tá Dương Đức Hải chia sẻ. Đồng thời cũng cho rằng, việc “đòi” vỉa hè sẽ ảnh hưởng đến mưu sinh của nhiều người nên lực lượng chức năng cần khảo sát, đánh giá. “Với các hàng trà đá vỉa hè, từ thực tế từng địa phương, mỗi khu dân cư, tổ dân phố sẽ xem xét bố trí, đưa các hàng này vào ngõ sao cho gọn gàng, nhất là ở các tuyến phố chính”, đại diện Công an TP Hà Nội gợi mở.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn, Trưởng Ban Chỉ đạo 197 TP Hà Nội, cho biết, để tránh tình trạng “bắt cóc bỏ dĩa” và không để tái diễn vi phạm, lãnh đạo TP Hà Nội yêu cầu các lực lượng chức năng thường xuyên kiểm tra, giám sát, tập trung xử lý vi phạm theo hình thức “cuốn chiếu” làm từng tuyến phố, từng khu vực để không bỏ sót vi phạm. Đối với lãnh đạo các quận huyện phải đánh giá thực trạng trật tự đô thị trên địa bàn, phân tích mối tương quan giữa duy trì trật tự đô thị và phát triển kinh tế để kịp thời tham mưu cho thành phố chính sách vừa đảm bảo được mỹ quan, trật tự đô thị nhưng vẫn bảo đảm quyền kinh doanh, quyền mưu sinh của người dân, dưới sự quản lý một cách trật tự, bảo đảm công bằng.

Ông Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Kiến trúc sư Trưởng TP Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam, cho rằng, vỉa hè dành cho người đi bộ là một vấn đề quan trọng, nhưng cũng cần chú ý đến vấn đề kinh tế, đặc biệt là kinh tế nhỏ lẻ, kinh tế vỉa hè của người mua gánh bán bưng. Để giải được bài toán vỉa hè cho người đi bộ, cần có chính sách đồng bộ, trong đó cần quy hoạch xây dựng các khu vực đậu xe, đồng thời có phương án giải quyết việc làm cho những người lâu nay vẫn mưu sinh từ vỉa hè.

Tin cùng chuyên mục