Giáo dục trẻ khuyết tật: Nỗ lực cho chặng đường dài

Mặc dù chất lượng giáo dục và chăm sóc trẻ khuyết tật tại TPHCM không ngừng tăng cao qua mỗi năm, quy mô tiếp nhận học sinh khuyết tật vào học hòa nhập tại các trường công lập trên địa bàn TPHCM ngày càng mở rộng, nhưng nhiều trường vẫn kêu “khó” trong tuyển dụng giáo viên, chế độ, quyền lợi của học sinh chưa được đảm bảo. Vì sao?
Giáo dục trẻ khuyết tật: Nỗ lực cho chặng đường dài

Mặc dù chất lượng giáo dục và chăm sóc trẻ khuyết tật tại TPHCM không ngừng tăng cao qua mỗi năm, quy mô tiếp nhận học sinh khuyết tật vào học hòa nhập tại các trường công lập trên địa bàn TPHCM ngày càng mở rộng, nhưng nhiều trường vẫn kêu “khó” trong tuyển dụng giáo viên, chế độ, quyền lợi của học sinh chưa được đảm bảo. Vì sao?

Lo nguồn tuyển giáo viên

Phát biểu tại hội nghị sơ kết học kỳ 1 công tác giáo dục đặc biệt năm học 2016-2017 do Sở Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) TPHCM tổ chức cuối tuần qua, ông Võ Tấn Khoa, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Bình Chánh (huyện Bình Chánh), cho biết trong tổng số 26 nhân sự đang làm việc tại đơn vị, chỉ có 16 người được ký hợp đồng trong định biên. 10 vị trí còn lại gồm 6 giáo viên và 4 nhân viên chỉ được ký hợp đồng lao động có thời hạn. Ông Khoa chia sẻ: “Để duy trì hoạt động của 12 lớp học như hiện tại, chúng tôi cần tuyển thêm giáo viên nhưng nguồn tuyển hiện nay không có do các thầy, cô đều có nguyện vọng muốn vào định biên”. Để chuẩn bị nhân sự cho học kỳ 2 năm học 2016-2017 và những năm sau đó, đơn vị bày tỏ mong muốn được tăng thêm định biên nhân sự. Đồng cảnh ngộ, lãnh đạo Trường Chuyên biệt Củ Chi (huyện Củ Chi) cho biết do tài chính eo hẹp, mọi hoạt động phải gói ghém từ nguồn tiền ngân sách nên yêu cầu tăng thêm thu nhập cho giáo viên gần như không thể thực hiện.

Thầy và trò trong giờ tập vận động tại Trường Chuyên biệt Rạng Đông, vừa chuyển đổi hoạt động thành Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Bình Chánh (huyện Bình Chánh)

Riêng ở quận Tân Phú, nhiều giáo viên dạy hòa nhập cho biết chưa nhận được tiền hỗ trợ theo quy định do thiếu giấy chứng nhận khuyết tật của học sinh. Lý giải thực tế này, bà Nguyễn Từ Dũ, Phó Trưởng phòng Giáo dục mầm non (Sở GD-ĐT), Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo Giáo dục trẻ khuyết tật và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn TPHCM, cho biết việc tiếp nhận, đánh giá dạng tật, mức độ khuyết tật của học sinh tại UBND phường, xã hiện nay còn nhiều bất cập. Trong đó, ở nhiều gia đình phụ huynh chưa quan tâm hoặc không chấp nhận tình trạng khuyết tật của con dẫn đến việc không đưa các em đến cơ quan chức năng xác định dạng tật, ảnh hưởng việc xây dựng kế hoạch giáo dục cá nhân cho trẻ và giải quyết chế độ, chính sách thu nhập tăng thêm cho giáo viên. Giải quyết khó khăn này, bà Bùi Thị Diễm Thu, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT, đề nghị phòng GD-ĐT ở 24 quận, huyện tăng cường vai trò quản lý của mình. “Phải xác định rõ học sinh chưa được xác định dạng tật là do nhận thức của phụ huynh hay trách nhiệm của UBND phường, xã. Nếu nguyên nhân xuất phát từ phụ huynh, phải mời họ đến trường tư vấn, giải thích và trao đổi cụ thể. Vì việc này liên quan đến quyền lợi của cả giáo viên lẫn học sinh nên phòng GD-ĐT phải chủ động hơn trong việc phối hợp chặt chẽ với các bên liên quan”, bà Thu bày tỏ.

Đảm bảo quyền lợi của học sinh khi chuyển cấp

Liên quan đến quyền lợi của học sinh khuyết tật khi chuyển cấp, một đại diện Phòng GD-ĐT quận 12 cho biết từ trước đến nay, việc chuyển cấp cho học sinh khuyết tật từ mầm non lên tiểu học hoặc tiểu học lên THCS không gặp khó khăn do đã có trong quy định phân tuyến. Tuy nhiên, mới đây địa phương đã “vướng” một trường hợp học sinh lớp 9, đang học tại Trường THCS An Phú Đông khi làm hồ sơ chuyển cấp lên lớp 10, do có giấy chứng nhận khuyết tật mức độ nhẹ nên không được miễn thi lớp 10 như quy định của Bộ GD-ĐT. Sau khi biết con vẫn phải tham gia kỳ thi tuyển sinh lớp 10 như các học sinh bình thường khác, gia đình đã quyết định chuyển em qua học nghề chứ không học tiếp lên bậc THPT.

Trao đổi về trường hợp này, ông Nguyễn Minh Hoàng, Phó phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Sở GD-ĐT TPHCM), cho biết theo quy định hiện nay của Bộ GD-ĐT, học sinh khuyết tật ở mọi mức độ, dạng tật đều được miễn kỳ thi tuyển sinh lớp 10. Để hưởng đặc cách, học sinh cần nộp hồ sơ có kèm giấy chứng nhận khuyết tật về phòng GD-ĐT quận, huyện. Sau khi tổng hợp danh sách, phòng GD-ĐT quận, huyện sẽ gửi hồ sơ về Sở GD-ĐT TP để làm thủ tục miễn thi cho các em. Trường hợp học sinh không muốn học tại trường THPT được chuyển theo phân tuyến, các em có thể nộp hồ sơ thi tuyển lớp 10 bình thường như các bạn với nguyện vọng là các trường có điều kiện xét tuyển cao hơn.

Tuy nhiên, Sở GD-ĐT cũng lưu ý, do hiện nay theo quy định của Bộ GD-ĐT, học sinh khuyết tật chỉ được miễn thi tuyển sinh lớp 10 nhưng không tiếp tục hưởng đặc cách trong kỳ thi THPT quốc gia nên nếu có học lực khá, giỏi, các em có thể học tiếp lên lớp 10, sau đó chấp nhận vượt qua kỳ thi “cân não” là THPT quốc gia như các bạn đồng trang lứa để tăng thêm cơ hội vào các trường đại học, cao đẳng. Trường hợp học lực chỉ ở mức trung bình, thầy cô nên tư vấn cho học sinh rẽ hướng qua học nghề, để đảm bảo có công việc ổn định trong tương lai với thời gian rút ngắn hơn. Sắp tới, Sở GD-ĐT TPHCM sẽ có văn bản chỉ đạo phòng GD-ĐT 24 quận, huyện tổ chức tốt công tác tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh, hướng dẫn phụ huynh có con là học sinh khuyết tật làm hồ sơ chuyển cấp theo quy định miễn thi lớp 10 của Bộ GD-ĐT.

MINH QUÂN

Tin cùng chuyên mục