
Trong 3 năm trở lại đây, sức khỏe của Anh hùng Lao động, Thầy thuốc nhân dân, Giáo sư Nguyễn Thiện Thành đã giảm sút nhiều. Dẫu biết rằng quy luật của tạo hóa: sinh - lão - bệnh - tử, nhưng sáng 8-10-2013 đối với cán bộ, viên chức Bệnh viện Thống Nhất là một buổi sáng của niềm tiếc thương vô hạn khi nhận được tin Giáo sư đã trút hơi thở cuối cùng tại nhà riêng.
Giáo sư Nguyễn Thiện Thành là giám đốc đầu tiên của Bệnh viện Thống Nhất, người có công rất lớn trong việc xây dựng và định hướng cho sự phát triển của Bệnh viện Thống Nhất hôm nay. Là một người con Nam bộ, sinh ra trong một gia đình nhà giáo, GS Nguyễn Thiện Thành đã may mắn có được nền tảng giáo dục rất cơ bản và sớm có ý thức giác ngộ cách mạng. Tháng 10 năm 1945 sau khi tốt nghiệp bác sĩ nội trú Đại học Y khoa Đông Dương ở miền Bắc, BS Nguyễn Thiện Thành đã tình nguyện gia nhập quân đội vào Nam chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Trải qua nhiều chiến trường trên nhiều cương vị khác nhau như phụ trách Quân y khu 5, Trưởng đoàn phẫu thuật đặc trách phía Bắc mặt trận Thừa Thiên (Khu 4), Vụ trưởng Quân y vụ Khu 9 kiêm Hiệu trưởng Trường Hộ sinh Nam bộ miền Tây… Dù ở cương vị nào, BS Nguyễn Thiện Thành luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải thăm Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Thiện Thành nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11-2012. Ảnh: Mai Hải
Tháng 8 năm 1952, GS được vinh dự kết nạp vào Đảng Lao động Việt Nam; năm 1954, GS được cử đi làm nghiên cứu sinh tại Viện Thần kinh cao cấp thuộc viện Hàn lâm khoa học Liên Xô; năm 1960 được giao nhiệm vụ Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu y học quân sự. Đến năm 1964, BS Nguyễn Thiện Thành tiếp tục xung phong vào chiến trường B2 chống Mỹ, giữ chức vụ Phó Chủ nhiệm Quân y B2 kiêm Viện trưởng Quân Y viện K71, đặc trách sức khỏe Quân ủy, Thường vụ Trung ương Cục miền Nam.
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng tiếp nhận Bệnh viện Vì Dân, BS Nguyễn Thiện Thành được cử làm Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất kiêm Chủ tịch Hội đồng sức khỏe Trung ương. Đất nước vừa bước ra khỏi chiến tranh, buổi đầu xây dựng bệnh viện gặp vô vàn khó khăn, song với bản lĩnh và nghị lực của người lính đã được tôi luyện qua nhiều chiến trường ác liệt cùng với nền tảng kiến thức được đào tạo bài bản trong môi trường xã hội chủ nghĩa, trên cương vị là giám đốc, GS Nguyễn Thiện Thành đã xây dựng Bệnh viện Thống Nhất ngày càng phát triển đi lên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ khám, điều trị và bảo vệ chăm sóc sức khỏe cho cán bộ quân đội và sau này là cán bộ trung, cao cấp của Đảng, Nhà nước.
Với nhãn quan và tư duy chiều sâu của người làm công tác quản lý từng trải, cùng với kiến thức uyên bác của người thầy thuốc được đào tạo bài bản GS Nguyễn Thiện Thành nhận thấy tầm quan trọng của chuyên ngành Lão khoa trong tương lai và nhất là đối với bệnh viện điều trị cho đối tượng cán bộ như Bệnh viện Thống Nhất. Chính GS Nguyễn Thiện Thành là người đặt nền móng đầu tiên cho việc hình thành và phát triển chuyên ngành Lão khoa ngày nay, trong đó có bộ môn Lão khoa và Trung tâm Lão khoa đặt tại Bệnh viện Thống Nhất do GS làm Chủ nhiệm bộ môn và Giám đốc Trung tâm.
Là người quản lý năng động, trách nhiệm và có tầm nhìn xa, người bác sĩ có trình độ chuyên môn sâu, tâm huyết với nghề và hết lòng vì bệnh nhân. GS Nguyễn Thiện Thành còn là một nhà giáo mẫu mực hết lòng vì học trò, một nhà khoa học nghiêm túc với nhiều công trình có tầm cỡ được ứng dụng thiết thực và hiệu quả trong công tác phòng và chữa bệnh cho nhân dân. GS Nguyễn Thiện Thành bắt đầu tham gia công tác giảng dạy năm 1945 từ những lớp bồi dưỡng ngắn hạn phục vụ cho yêu cầu của chiến trường, đến các lớp y tá, y sĩ, bác sĩ, sau đại học và tiến sĩ trong những điều kiện và môi trường khác nhau, từ rừng sâu đến giảng đường đại học.
Đối với GS Nguyễn Thiện Thành việc giáo dục, đào tạo con người nhất là các thầy thuốc cho thế hệ mai sau không chỉ là trách nhiệm mà còn là một niềm đam mê. Bởi vậy sau khi thôi làm công tác quản lý tháng 1 năm 1989, GS Nguyễn Thiện Thành tiếp tục đảm nhiệm cương vị Giám đốc Trung tâm tích tuổi học và điều trị học tuổi cao; Chủ nhiệm bộ môn Lão khoa Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh cho đến năm 1996.
Trong công tác nghiên cứu khoa học, GS Nguyễn Thiện Thành có rất nhiều công trình nổi bật, trong đó có công trình nghiên cứu năm 1951 về Phương pháp Filatov một ứng dụng huyền diệu của luật mâu thuẫn và Phương pháp Filatov sử dụng sinh động tố trong điều trị học, cùng nhiều công trình, nhiều bộ sách giáo khoa và đề tài nghiên cứu khoa học khác trở thành cẩm nang và giáo trình giảng dạy cho các trường đại học y hiện nay. Với uy tín và sự nghiêm túc trong công tác nghiên cứu khoa học của mình, trong thời gian là đại biểu Quốc hội khóa VI và khóa VII, GS Nguyễn Thiện Thành được phân công đảm nhiệm chức vụ Phó Chủ nhiệm Ủy ban khoa học - Kỹ thuật của Quốc hội.
Cuộc đời và sự nghiệp của GS Nguyễn Thiện Thành là một quá trình phấn đấu, cống hiến không biết mệt mỏi cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc, cho sự phát triển của ngành y tế và của Bệnh viện Thống Nhất hôm nay. Với những thành tích, sự cống hiến của mình GS Nguyễn Thiện Thành đã được Đảng, Nhà nước, quân đội tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý trong đó bao gồm 17 huân chương các loại và danh hiệu Anh hùng Lao động năm 1985. Ngày 15-8-2009, Hội nghị quản lý Bệnh viện Châu Á gồm 721 đại biểu của 288 bệnh viện đại diện cho 25 quốc gia đã tôn vinh trao tặng giải thưởng: Thành tựu trọn đời cho GS Nguyễn Thiện Thành.
PGS - TS NGUYỄN ĐỨC CÔNG
(Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất TPHCM)
| |