Giáo trình kém chất lượng - hại sinh viên!

GS-TSKH LÊ NGỌC TRÀ
Giáo trình kém chất lượng - hại sinh viên!
Giáo trình kém chất lượng - hại sinh viên! ảnh 1

Giờ học trên lớp. (Ảnh minh họa)

Muốn sinh viên tự học được, cần nhất là phải có sách, có thư viện. Tôi nói sách và thư viện, chứ không nói giáo trình. Nhiều trường nghĩ rằng muốn nâng cao chất lượng đào tạo phải có giáo trình và thế là dốc hết sức để biên soạn giáo trình. Trình độ cán bộ bộ môn ở nhiều trường còn yếu nhưng cũng viết giáo trình và sinh viên cứ thế ôm giáo trình của thầy mà học thuộc. Tôi cho đây là nguyên nhân dẫn đến tình trạng chất lượng giáo dục đại học kém hiện nay.
 
Biên soạn giáo trình là một công việc hết sức khó khăn. Trường ĐH M. Lomonoxop có lịch sử gần 300 năm và mãi đến 60 năm sau Cách mạng tháng 10 - năm 1978 - mới xuất bản được bộ giáo trình chính thức về “Lý luận văn học”, trong khi bộ môn này thành lập từ năm 1960, và chủ nhiệm bộ môn đã có học hàm Phó GS cách đó 30 năm. Công việc của trường ĐH là phải xây dựng được những thư viện lớn, mua thật nhiều sách, tổ chức dịch thuật nhiều tài liệu cho các ngành chuyên môn.

Công việc của thầy giáo là giới thiệu cho sinh viên những tài liệu bắt buộc hoặc cần phải đọc, chứ không phải là yêu cầu sinh viên đọc hay học thuộc giáo trình của mình. Báo chí đã nêu lên một số trường hợp các thầy dịch copy giáo trình của nước ngoài rồi để tên mình. Đúng là chuyện bậy nhưng như vậy vẫn còn có cái may. Tôi đã có xem qua một số giáo trình về văn hóa, văn học do một số thầy giáo ở đại học hay cao đẳng biên soạn được bày bán ở hiệu sách. Tôi nghĩ, giá mà sinh viên không phải học hay đọc những giáo trình như vậy thì biết đâu trình độ sẽ khá hơn…?  

GS-TSKH LÊ NGỌC TRÀ
 Viện trưởng Viện Nghiên cứu Giáo dục

Tin cùng chuyên mục