Gieo hạt giống tử tế, tăng “đề kháng” cho niềm tin

Buổi tọa đàm nhằm chia sẻ những kinh nghiệm quý trong tuyên truyền về những mặt tích cực, gương người tốt việc tốt, nhân rộng các phong trào thi đua yêu nước gắn với việc học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, để góp phần lan tỏa những giá trị tốt đẹp, tạo niềm tin, sự phấn khởi, lạc quan trong xã hội.
Quang cảnh buổi tọa đàm. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Quang cảnh buổi tọa đàm. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Sáng 3-8, Báo SGGP tổ chức tọa đàm “Báo chí góp phần lan tỏa những giá trị tích cực”, trong khuôn khổ chương trình họp mặt ba báo Đảng kết nghĩa năm 2019 (mở rộng).

Tham dự có các đồng chí: Lê Minh Trí, Phó Chánh văn phòng kiêm Trưởng đại diện Văn phòng Bộ TT-TT tại TPHCM; Cao Xuân Phách, nguyên Tổng biên tập (TBT) Báo SGGP; Trần Văn Tuấn, Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM; Nguyễn Tấn Phong, TBT Báo SGGP; Nguyễn Hoàng Long, TBT Báo Hà Nội mới; Nguyễn Thị Hồng Hạnh, TBT Báo Thừa Thiên - Huế và đại diện Ban biên tập 11 cơ quan báo chí khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam bộ.

Lấy cái đẹp để dẹp cái xấu

Sự kết nghĩa 3 đơn vị báo Đảng: Hà Nội Mới, Thừa Thiên - Huế và SGGP là bước tiếp nối tinh thần thắm thiết keo sơn Hà Nội – Huế - Sài Gòn có từ gần 60 năm về trước. Trong chương trình họp mặt ba báo Đảng kết nghĩa năm 2019 (mở rộng) tại TPHCM, các báo gặp nhau ở tư tưởng và cùng chung niềm mong mỏi là chia sẻ, lan tỏa các giá trị tốt đẹp.

Gieo hạt giống tử tế, tăng “đề kháng” cho niềm tin ảnh 1 TBT Báo SGGP Nguyễn Tấn Phong phát biểu tại buổi tọa đàm. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Phát biểu đề dẫn tọa đàm, TBT Báo SGGP Nguyễn Tấn Phong cho hay, các cơ quan báo Đảng các địa phương chia sẻ cách làm hay, kinh nghiệm quý trong tuyên truyền về những mặt tích cực, gương người tốt việc tốt, nhân rộng các phong trào thi đua yêu nước gắn với việc học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, để góp phần lan tỏa những giá trị tốt đẹp, tạo niềm tin, sự phấn khởi, lạc quan trong xã hội.

Chia sẻ kinh nghiệm tuyên tuyền những mặt tích cực, đồng chí Nguyễn Hoàng Long, TBT Báo Hà Nội Mới cho biết, Báo Hà Nội Mới thường xuyên có chuyên trang, chuyên mục về người tốt việc tốt, các gương điển hình. Tổng lượng tin, bài về giá trị tích cực chiếm khoảng 25%-30% lượng tin, bài trên mặt báo.

Gieo hạt giống tử tế, tăng “đề kháng” cho niềm tin ảnh 2 Đồng chí Nguyễn Hoàng Long, TBT Báo Hà Nội Mới  phát biểu tại buổi tọa đàm. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Theo đồng chí Nguyễn Hoàng Long, khi tuyên truyền về những cái tốt, cái tích cực không phải không có người đọc. Thực tế, các thông tin về cái tốt vẫn thu hút rất nhiều người đọc, vấn đề là viết sao cho hay và thuyết phục, tránh sáo mòn, thiếu cảm xúc, thiếu sẻ chia. Và đó cũng là một thách thức khi viết về những điều tốt, điều tích cực.

Để làm được nội dung tuyên truyền một cách phong phú, sinh động, Báo Hà Nội Mới phối hợp chặt chẽ với Ban Thi đua – Khen thưởng thành phố Hà Nội, kịp thời phát hiện, giới thiệu các gương điển hình tiên tiến trong mọi mặt đời sống xã hội.

“Bài viết về điển hình tích cực phải chặt chẽ, sinh động và thuyết phục. Ví dụ: viết về ông A làm việc tốt thì đơn thuần ông A chỉ kể về cách làm của mình, còn phần đánh giá thế nào, phóng viên phải gặp người khác để lấy ý kiến thẩm định, nhận xét. Không tự làm tự khen”, TBT Báo Hà Nội Mới chia sẻ về một tiêu chí quan trọng khi viết gương người tốt.
Gieo hạt giống tử tế, tăng “đề kháng” cho niềm tin ảnh 3 Đồng chí Trương Diên Thống, Phó TBT Báo Thừa Thiên- Huế. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Phân tích về tâm lý số đông, đồng chí Trương Diên Thống, Phó TBT Báo Thừa Thiên- Huế cho rằng, nhiều người thường đọc tin xấu, tin giật gân vì đó là bản chất tò mò của con người. Tuy nhiên, truyền thông nếu thiên về tiêu cực sẽ khiến bạn đọc, người dân sút giảm niềm tin; mạng xã hội nếu chia sẻ tin xấu chẳng khác nào đi nhân lên những mảng tối trong cộng đồng.
Trong bối cảnh mạng xã hội phát triển bùng nổ với nhiều thông tin “khiến người ta thấy cuộc sống bây giờ thật phức tạp”, đồng chí Trương Diên Thống xác định: “lấy cái đẹp để dẹp cái xấu; hay làm thế nào để bảo vệ cái tốt, loại bỏ cái xấu còn đặt một trọng trách nặng nề đối với người cầm bút”.
Theo đồng chí Trương Diên Thống, đây là một thách thức không nhỏ nhắc nhở báo chí phải luôn tiên phong, chủ động, có định hướng với tiêu chí truyền thông một cách có văn hóa, có đạo đức, có trách nhiệm. Và muốn tìm thấy cái hay, cái tốt, thì báo chí phải “đời” hơn, phải gần gũi hơn với cuộc sống, phải “tinh tường”, nhạy bén hơn để làm tốt sứ mệnh truyền thông và định hướng dư luận.

Với trách nhiệm của mình, Báo Thừa Thiên - Huế đã có chuyên mục “Người tốt – Việc tốt”, “Hoa đời thường”…; các ấn phẩm của báo đều chú trọng đăng tải những nhân vật, những tấm gương sống đẹp làm lay động lòng người, kể cả những hành động nhỏ. Khi phản ánh, điều tra các mặt trái của cuộc sống, Báo Thừa Thiên - Huế đều đặt ra trách nhiệm, kêu gọi sự vào cuộc  của cơ quan chức năng để sớm giải quyết vấn đề.

Phó TBT Báo Thừa Thiên Huế nhìn nhận, thông tin những giá trị tích cực, những tấm gương điển hình sẽ tạo thêm những hạt giống tử tế, tạo sức đề kháng cho niềm tin trong xã hội vốn đang bị lung lay.

Báo không chỉ nói, mà còn hành động

Tại TPHCM – đầu tàu kinh tế của cả nước, Báo SGGP thời gian qua đã chủ động tăng cường thông tin, lan tỏa về những giá trị tích cực. Báo SGGP ý thức song song với việc “chống” thì phải tăng cường “xây”, và “chống” cũng trên tinh thần xây dựng, “chống” là để “xây”.

Gieo hạt giống tử tế, tăng “đề kháng” cho niềm tin ảnh 4 Đồng chí Phạm Trường, Phó TBT Báo SGGP phát biểu tại buổi tọa đàm. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Về cách làm của Báo SGGP, đồng chí Phạm Trường, Phó TBT Báo SGGP cho hay, báo bám sát các chủ trương, chính sách, định hướng của Đảng, Nhà nước, của Thành ủy TPHCM. Trên cơ sở đó, phóng viên của báo kịp thời đi sâu, đi sát vào cơ sở, phát hiện các đề tài, gương người tốt việc tốt, các mô hình, sáng kiến trong cộng đồng và thông tin một cách nhanh chóng.

Bên cạnh đó, Báo SGGP thiết lập các vệt, đợt tuyên truyền; mở chuyên trang, chuyên mục đáp ứng yêu cầu thực tế.

Cụ thể, chuyên mục “Theo gương Bác” nêu các gương điển hình học tập và làm theo Bác; chuyên trang “Thành phố sáng tạo” phát huy sức sáng tạo trong mọi tầng lớp nhân dân để xây dựng TPHCM; chuyên trang “Nhịp cầu nhân ái”, kết nối các tấm lòng thảo thơm nhằm giúp đỡ những mảnh đời còn khó khăn.

Bài bản hơn, có tính lâu dài hơn, ngay từ năm 2000, Báo SGGP đã khởi xướng, xây dựng một loạt các chương trình giải thưởng khác nhau trên mọi lĩnh vực, để phát hiện, tôn vinh, lan tỏa các giá trị cống hiến của cộng đồng, góp phần phát triển TPHCM và cả nước.

Cụ thể: giải thưởng Võ Trường Toản tôn vinh các gương giáo viên dạy giỏi của TPHCM; giải thưởng Tôn Đức Thắng nhằm phát hiện, tôn vinh những gương lao động sáng tạo trong công nhân lao động TPHCM (hai giải thưởng này đã trở thành giải thưởng cấp thành phố); giải thưởng Quả bóng vàng tôn vinh cầu thủ giỏi, đã trở thành giải thưởng mang tầm quốc gia; học bổng Nguyễn Văn Hưởng hỗ trợ sinh viên nghèo ngành y học giỏi…

Nhiều trường hợp được học bổng của Báo SGGP tiếp sức, đã học hành thành danh, đóng góp cho cộng đồng và quay trở lại đóng góp cho quỹ học bổng. Quỹ tiếp tục được nhân lên, điều tốt đẹp tiếp tục được lan tỏa, hỗ trợ nhiều hơn đến người khác.

“Báo SGGP không chỉ tuyên truyền trên mặt báo, mà còn bằng hoạt động cụ thể, tạo giá trị thiết thực tới bạn đọc, cộng đồng”, đồng chí Phạm Trường chia sẻ.

Gieo hạt giống tử tế, tăng “đề kháng” cho niềm tin ảnh 5 Đồng chí Châu Hồng Khá, Phó TBT Báo Long An phát biểu tại buổi tọa đàm. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Bàn về vai trò của báo chí góp phần lan tỏa những giá trị tích cực, đồng chí Châu Hồng Khá, Phó TBT Báo Long An cũng khẳng định vai trò cầu nối của báo chí đối với bạn đọc, là công cụ để nhân rộng các giá trị nhân văn trong cuộc sống.
“Đó có thể chỉ là một tủ quần áo cũ tặng lại cho người cần, tủ bánh mỳ miễn phí nhưng lại có ý nghĩa rất lớn, tạo nên hình ảnh đẹp trong cuộc sống. Từ các bài viết trên Báo Long An, tại tỉnh nhà xuất hiện thêm nhiều mô hình hay được nhân rộng, được người dân tích cực hưởng ứng”, đồng chí Châu Hồng Khá cho hay.

Cần có giải thưởng ghi nhận đóng góp của nông dân

Tham gia thảo luận tại buổi tọa đàm, đồng chí Cao Xuân Phách, nguyên TBT Báo SGGP đánh giá cao nội dung buổi tọa đàm bởi đây là những thông tin mà xã hội hết sức quan tâm. Lan tỏa những giá trị tích cực không phải là nhiệm vụ mới mà là nó thuộc về chức năng của báo chí cách mạng, trước hết là báo Đảng. 30 năm trước, nhiều Nghị quyết của Đảng đều đề cập đến việc xây dựng giá trị bản sắc của con người Việt Nam, do đó, Báo SGGP phát động cuộc thi người tốt việc tốt là rất cần thiết.

Gieo hạt giống tử tế, tăng “đề kháng” cho niềm tin ảnh 6 Đồng chí Cao Xuân Phách, nguyên TBT Báo SGGP đánh giá cao nội dung buổi tọa đàm. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Theo đồng chí Cao Xuân Phách, với các giải thưởng mà Báo SGGP đang tổ chức, đã có các giải dành cho công nhân, giáo viên, bác sĩ…, qua đó đồng chí gợi ý cần phải có giải thưởng cho nông dân, không chỉ nông dân TPHCM, nông dân Đông Nam bộ, Đồng bằng Sông Cửu Long mà phải là nông dân cả nước hiện đang có rất nhiều đóng góp trong công cuộc nông nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Một băn khoăn mà đồng chí Cao Xuân Phách đề cập là hiện nay, nhiều người mất niềm tin vào Đảng vì trong Đảng, trong xã hội lan truyền rất nhiều cái xấu, cái ác.

“Trong Nghị quyết của Đảng cũng đã nói, một bộ phận không nhỏ đảng viên suy thoái đạo đức, nghĩa là có, vì vậy báo chí cần đẩy mạnh tuyên truyền những cái tốt đề điều chỉnh những cái lệch lạc trong xã hội”, đồng chí Cao Xuân Phách bày tỏ.

Theo đồng chí Cao Xuân Phách, với nhiệm vụ vừa “xây” vừa “chống” của báo chí, nếu trước đây “xây” là chủ yếu thì hiện nay “chống” là rất cần thiết.

“Dân gian nói “tiếng lành đồn gần, tiếng dữ đồn xa”, nay báo chí phải nỗ lực để tiếng lành đồn xa hơn, muốn vậy thì báo chí phải tích cực đánh cái ác, đánh cái tiêu cực, đánh tham nhũng, có như vậy thì ắt tiếng lành đồn xa gấp đôi tiếng dữ. Mỗi công cuộc đánh tham nhũng thành công trong bối cảnh hiện nay là giá trị nhân gấp đôi. Tựu trung lại, làm cho giá trị tốt đẹp lan tỏa hơn là rất cần thiết nhưng báo Đảng phải tham gia tích cực vào việc chống tiêu cực, chống suy thoái, có song hành 2 mặt như vậy thì giá trị mới lan tỏa”, đồng chí Cao Xuân Phách khẳng định.
Trong khi đó, TBT Báo Bình Phước Đoàn Như Viên trăn trở khi giới trẻ hiện nay thích tiếp cận thiên về các thông tin xấu, đặc biệt là những tin xuyên tạc chế độ. Do đó qua tọa đàm, đồng chí Đoàn Như Viên cũng hy vọng các cơ quan báo chí đẩy mạnh thông tin về các việc làm hay, các giá trị đẹp ở nhiều khía cạnh về chính trị, xã hội để đẩy lùi các thông tin xấu.

Phát biểu kết thúc buổi tọa đàm, đồng chí Nguyễn Tấn Phong đánh giá cao các tham luận và ý kiến trao đổi của các đại biểu tham dự, đồng thời tiếp thu những đề xuất, góp ý đối với Báo SGGP.

Theo đồng Nguyễn Tấn Phong, các tham luận đều rất thiết thực, khẳng định được sự cần thiết, cấp bách trong việc tuyên truyền để các gương người tốt việc tốt lan tỏa trong cuộc sống. Lâu nay, các báo đều tổ chức các chuyên trang, chuyên mục, tuyên truyền các nhân tố mới, gương điển hình. Song, Báo SGGP có làm nhưng làm còn hạn chế, bài viết còn đơn giản, sơ xài, chưa đủ thuyết phục dẫn đến sự lan tỏa chưa cao.

Đồng chí NGUYỄN TÔN HOÀN, TBT Báo Đồng Nai: Trách nhiệm của báo chí ngày càng lớn

Vai trò tuyên truyền về người tốt việc tốt ở các cấp, các ngành, các địa phương của các cơ quan báo chí là rất quan trọng. Lâu nay, các báo đều có các chuyên trang, chuyên mục thông tin về người tốt việc tốt. Song, trong bối cảnh truyền thông bùng nổ phức tạp như hiện nay, truyền thông xã hội ngày càng phát triển mạnh mẽ thì trách nhiệm của báo chí, nhất là báo chí trong hệ thống báo Đảng càng lớn.

Báo Đồng Nai cũng chung dòng chảy đó, không chỉ thực hiện nhiệm vụ thông tin các chính sách của Đảng và Nhà nước, Báo Đồng Nai cũng có những chuyên mục lan tỏa gương người tốt việc tốt như chuyên mục Nét đẹp đời thường đã duy trì và gìn giữ hơn 

Ngoài ra còn Báo Đồng Nai còn tổ chức nhiều cuộc thi như “Biên Hòa - Đồng Nai trong tôi” thu hút nhiều bài viết cảm xúc và được bạn đọc hưởng ứng; hay cuộc thi viết về những người làm công tác tại MTTQ các cấp; thực hiện chuyên trang thi đua yêu nước, nhất là các điển hình về phong trào xây dựng nông thôn mới… Qua đó tuyên truyền tích cực các chương trình, phong trào thi đua yêu nước, giới thiệu các tập thể, cá nhân điển hình.

Tọa đàm là dịp để Báo Đồng Nai học hỏi, tính toán, tổ chức lại các chuyên trang, chuyên mục nhằm tuyên truyền về các gương người tốt việc tốt sâu, đậm hơn nhằm lan tỏa các giá trị tốt đẹp.

Đồng chí LÊ TIỀN TUYẾN, nguyên Phó TBT Báo SGGP, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Hội nhà báo Việt Nam: Báo SGGP phải kết nối với báo chí các vùng, phát huy sức mạnh chung

Gieo hạt giống tử tế, tăng “đề kháng” cho niềm tin ảnh 7 Đồng chí Lê Tiền Tuyến, nguyên Phó TBT Báo SGGP (hàng đầu). Ảnh: HOÀNG HÙNG
Chưa bao giờ trên mặt báo lại nhiều thông tin "u ám" như hiện nay, mở báo ra là cướp, giết, ma túy, tai nạn giao thông. Nếu thông tin cứ như vậy thì bất an quá. Thực tế tỷ lệ tình trạng đó xảy ra không nhiều, song thông tin lan truyền quá nhiều khiến xã hội bất an, qua đó cho thấy, nội dung tọa đàm hôm nay là hết sức cấp bách.
Về hình thức và nội dung cuộc thi “Phóng sự - ký sự báo chí Người tốt – Việc tốt”, nên đặt lại tên cho cuộc thi để bao hàm hơn, rộng hơn và có sức hút hơn với bạn đọc.
Báo SGGP cũng cần có một kế hoạch xuất bản cụ thể, định kỳ; công tác kiểm tra, thẩm định bài vở phải thật thận trọng, thà ít nhưng chất lượng và đảm bảo tính xác thực. Đặc biệt, Báo SGGP phải kết nối với báo chí các vùng, các tỉnh thành, phát huy sức mạnh chung để sức lan tỏa mạnh mẽ hơn, nhằm góp phần xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn, xây dựng một xã hội có chiều sâu hơn.
* Cùng ngày, Báo SGGP phát động cuộc thi phóng sự - ký sự Người tốt - Việc tốt (2019-2020). Cuộc thi Nhằm khuyến khích các tác phẩm báo chí khắc họa các gương điển hình người tốt việc tốt, các nhân tố mới trên tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội, với những việc làm, hoạt động, nghĩa cử cao đẹp đóng góp tích cực và có nhiều ý nghĩa cho cộng đồng và trong sự nghiệp bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước.
Gieo hạt giống tử tế, tăng “đề kháng” cho niềm tin ảnh 8 TBT Báo SGGP Nguyễn Tấn Phong phát động cuộc thi phóng sự - ký sự Người tốt - Việc tốt (2019-2020). Ảnh: HOÀNG HÙNG
Đây là sân chơi cho các nhà báo, nhà văn, các cộng tác viên, các cây bút trên cả nước.
Các tác phẩm dự thi có độ dài khoảng 1.700 chữ, chưa đăng tải trên bất kỳ phương tiện thông tin đại chúng nào. Các thí sinh dự thi có cơ hội nhận giải thưởng lên đến 40 triệu đồng cùng 1 máy ảnh Canon trị giá 30 triệu đồng và 15 giải thưởng giá trị khác.
Nhiều năm nằm trong hội đồng giám khảo chấm giải báo chí quốc gia, đồng chí Nguyễn Tấn Phong cho biết năm nào ban tổ chức cũng than thở việc thiếu những bài viết về nhân tố mới, gương điển hình, tích cực tham gia giải báo chí quốc gia. Do đó, Báo SGGP phát động cuộc thi này với mong muốn các đồng nghiệp ở báo bạn hỗ trợ Báo SGGP tổ chức cuộc thi để có thêm nhiều bài về người tốt việc tốt có chất lượng hơn.

Tin cùng chuyên mục