Gìn giữ giá trị văn hóa và sức sống tết cổ truyền

Những ngày này, trong niềm hân hoan đón tết Nguyên đán, nhịp sống như nhanh hơn. Mọi người hối hả, tất bật lo hoàn thành công việc của năm cũ và chăm chút cho sự khởi đầu tốt đẹp, an lành của năm mới. Thế nhưng dù có rất nhiều mảng sáng, có những điểm tích cực trong bức tranh toàn cảnh đón tết Nguyên đán, vẫn tồn tại những mảng không đẹp. Thực tế những ngày này lại cũng là thời điểm rất phức tạp, có sự “lệch chuẩn giá trị” trong một bộ phận xã hội, thậm chí còn xuất hiện nhiều hiện tượng phản văn hóa gây lo lắng, bức xúc trong xã hội.

Nhiều người khi đi cúng bái đền chùa lại thả chim, thả cá phóng sinh, rải tiền lẻ lung tung, đốt vàng mã khói lửa mịt mù, nhưng không thành tâm, không thiện ý, mà chỉ để cầu danh, cầu lợi. Nhiều lễ hội được tổ chức đậm mê tín, lệch chuẩn, nhằm trục lợi. Nhiều người sửa sang, dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa cho thật đẹp ngày tết, nhưng lại mang rác, xà bần, ghế sô - pha, nệm cũ ra vứt lén ở vỉa hè. Nhiều người muốn có những ngày tết thư thả, vui vẻ, nhưng chọn cách gầy sòng cờ bạc, tụ tập nhậu nhẹt đến mức tiêu hao tiền bạc và sức khỏe. Nhiều người vội vàng về sum họp gia đình ngày tết, nhưng rồi phải mất mạng vì phóng nhanh, vượt ẩu. Có nhiều người yêu hoa, nhưng lại trơ tráo giành cướp các chậu hoa trưng bày tại các điểm vui xuân. Có người muốn có ngày tết tưng bừng, hứng khởi, nhưng chọn cách phạm pháp và nguy hiểm là tự chế hay mua pháo lậu về đốt. Lừa đảo, giật dọc, trộm cướp, lại táo tợn tung hoành.

Những chuyện như vậy lại phổ biến trong dịp tết đến mức tết năm nào cũng phải cảnh báo, nhắc nhở, nhưng rồi vẫn cứ diễn ra, phổ biến đến mức có nhiều người lại không thấy đó là chuyện sai trái, đáng trách, đáng lên án hay cần phải xử lý. Thí dụ như với vụ thiếu niên liều lĩnh tự chế pháo, gây nổ đến nỗi tử vong và khiến nhiều người khác bị thương nặng, nạn nhân đã nông nỗi tội nghiệp, nhưng thật khó hiểu khi có nhà báo lại vô tư viết bài thương tiếc như với một người hy sinh vì nghĩa lớn. Đó là sự lệch chuẩn trong nhận thức để xét đoán, xử lý các quan hệ, các vấn đề, vụ việc… dẫn đến việc không phân biệt giữa chuyện nên và chuyện không nên làm. Tương tự, đang có không ít sự bất thường đến mức phản văn hóa trong các sinh hoạt văn hóa - nghệ thuật và trong các mối quan hệ xã hội nhưng lại được cổ súy, quảng bá, công khai cổ vũ cho việc buông thả bản năng. Nhiều người khi mưu cầu hạnh phúc cá nhân đã có quan niệm và lối sống vụ lợi, thực dụng, đi ngược lại với những giá trị nhân văn của một xã hội có truyền thống lịch sử văn hóa lâu đời.

Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước đã xác định mục tiêu xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học. Để thực hiện được mục tiêu đó, cần phải hoàn thiện các chuẩn mực giá trị văn hóa và con người Việt Nam, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh; tạo môi trường và điều kiện để phát triển về nhân cách, đạo đức, trí tuệ, năng lực sáng tạo, thể chất, tâm hồn, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân. Ngay trong dịp đón tết Nguyên đán, vấn đề xây dựng một nền đạo đức Việt Nam trong sáng, lành mạnh, giàu tính dân tộc và hiện đại, mang đậm tính nhân văn càng phải được đề cao. Vấn đề này phải thể hiện rõ nét trong việc ăn tết như thế nào, vui tết như thế nào là lành mạnh, có văn hóa, hướng đến chân - thiện - mỹ.

Thực hiện yêu cầu đó, trước hết cần phải nhấn mạnh vai trò nêu gương của những người lãnh đạo, của cán bộ đảng viên. Từ đầu năm 2014, Ban Bí thư đã có văn bản nghiêm cấm việc biếu xén quà tết cho cấp trên; cấm sử dụng tiền, phương tiện, tài sản công vào các hoạt động trong dịp tết trái quy định. Các cấp ủy, chính quyền cần làm gương, tuân thủ nghiêm việc này, không để tục lệ đón tết bị vẩn đục, thành dịp để quà cáp hối lộ, tạo mối quan hệ chạy chức, chạy quyền, chạy giấy phép, chạy dự án..., dẫn đến tình trạng suy thoái đạo đức của không ít cán bộ, công chức, viên chức hiện nay với thói quen nhũng nhiễu, vòi vĩnh doanh nghiệp và cấp dưới. Việc đón tết văn hóa, vui tươi, lành mạnh, an toàn và tiết kiệm phải là phương châm được thể hiện nhuần nhuyễn ở tất cả các cấp, các ngành, địa phương, và từng cán bộ, đảng viên. Cùng với việc chăm lo cho người dân đón tết, cả hệ thống chính trị cần quan tâm tuyên truyền, vận động, chấn chỉnh những quan niệm và cách hành xử “lệch chuẩn giá trị” trong dịp tết cổ truyền của dân tộc.

Tin cùng chuyên mục