Một hiện tượng ghi nhận trong năm qua là giới siêu giàu đổ xô đến các cuộc đấu giá để mua mọi thứ, từ xe hơi cổ đến tranh thêu và tem, lập hàng loạt kỷ lục thế giới về đấu giá. Được xem là tài sản đầu tư, tác phẩm nghệ thuật vừa có thể để thưởng thức vừa đem lại lợi nhuận khủng.
Một con tem Guiana thuộc Anh cực hiếm, phát hành năm 1856, đã được bán với giá kỷ lục 5,6 triệu bảng Anh tại nhà Sotheby’s vào tháng 6, gần gấp 1 tỷ lần giá mặt 1 xu của nó. Đây là con tem duy nhất loại này được biết còn tồn tại, đã không xuất hiện từ năm 1986 và là con tem chính duy nhất vắng mặt trong Bộ sưu tập Tem Hoàng gia của Hoàng gia Anh.
Nhà Sotheby’s cũng lập kỷ lục thế giới lô rượu vang đắt tiền nhất tại một phiên đấu giá ở Hồng Công trong tháng 10. Lô 114 chai Romanee-Conti-Superlot được bán 1 triệu bảng, tương đương hơn 1.100 bảng/ly.
22,8 triệu bảng: Ferrari 250 GTO. Ảnh: Bonhams/SWNS
Tại phiên đấu giá ở Monterey của nhà Bonhams trong tháng 8, một chiếc Ferrari GTO 250 - loại chỉ được sản xuất 36 chiếc - đã được bán cho một nhà sưu tập người Anh với giá kỷ lục thế giới 22,8 triệu bảng. Trong cùng một tuần đó, Gooding and Co và RM Auctions cũng lập kỷ lục với một chiếc Ferrari cổ khác, Ferrari 275 GTB, xe của diễn viên Steve McQueen mua khi quay bộ phim cảnh sát Bullitt, được bán cho một người Anh với giá 6 triệu bảng. Năm qua là năm kỷ lục cho RM Auctions, nhà đấu giá đã bán các xe hơi cổ tổng cộng 300 triệu bảng, đứng đầu là Ferrari, loại xe cổ vượt mặt mọi tài sản khác trong 10 năm qua, với giá tăng hơn 400%.
John Collins, nhà điều hành môi giới xe hơi cổ Talacrest, người đã trả giá kỷ lục 518.000 bảng để mua biển số xe “25 O” trong tháng 11, dự đoán thị trường còn tiếp tục “điên” và Talacrest sẽ đưa 2 nguyên mẫu xe đua Ferrari thập niên 1960 ra bán đấu giá, giá khởi điểm 15 triệu bảng/chiếc.
Collins cho biết trên Mail Online: “Trước khủng hoảng năm 2008, bạn nhận 700.000 bảng lợi nhuận cho mỗi 10 triệu bảng trong ngân hàng, nhưng điều đó nhanh chóng biến mất. Bây giờ tất cả những gì mọi người muốn là tài sản. Thị trường xe cổ và tác phẩm nghệ thuật trở nên điên cuồng. Mọi người sợ các ngân hàng có thể sụp đổ làm mất tiền của họ nên đầu tư vào tài sản. Một xe cổ Ferrari 250 Lusso tay lái bên phải, đã từ 300.000 bảng năm 2007 lên 2,25 triệu bảng. Một chiếc Jaguar cổ có thể có một người quan tâm, nhưng một chiếc Ferrari cổ có đến 10 người quan tâm. Và họ đều siêu giàu”.
Một đồng hồ Patek Philippe, The Henry Graves Supercomplication, được xem là “Chén Thánh” của đồng hồ, được bán trong tháng 11 tại nhà Sotheby’s với giá kỷ lục thế giới 15,1 triệu bảng, từ giá 9,6 triệu bảng năm 1999, cũng là một kỷ lục thế giới lúc đó.
40 triệu bảng: Still Life, Vase with Daisies and Poppies, kỷ lục giá một bức tranh tĩnh vật của Vincent van Gogh. Ảnh: SWNS
Tác phẩm nghệ thuật cũng tiếp tục lập kỷ lục. Một trong số ít tranh Vincent van Gogh được đưa ra bán đấu giá trong nhiều thập niên qua là bức Still Life, Vase with Daisy and Poppies, được vẽ năm 1890, không lâu trước khi danh họa tự sát ở tuổi 37. Được ước tính ban đầu 19 triệu bảng, nhưng Still Life đã được bán 40 triệu bảng, lập kỷ lục giá một bức tranh tĩnh vật của van Gogh.
Poise, một tác phẩm của nghệ sĩ người Scotland John Duncan Fergusson, được phát hiện trong một căn gác ở Pháp, đã được bán 638.000 bảng tại nhà Christie’s, gấp 5 lần giá ước tính ban đầu.
638.000 bảng: Poise của John Duncan Ferguson, gấp 5 lần giá ước tính ban đầu.
Theo Sotheby’s, năm qua chứng kiến sự nổi lên bất ngờ tác phẩm của nghệ sĩ nữ trong thị trường nghệ thuật. Tại một phiên đấu giá ở New York trong tháng 11, bức Jimson Weed của Georgia O’Keeffe vẽ năm 1932 đã được nhà Sotheby’s bán 28,4 triệu bảng, gấp hơn 3 lần giá kỷ lục trước đó cho tác phẩm của một họa sĩ nữ.
Tại London đầu tháng 12, một bản vẽ của EH Shepard, Winnie the Pooh, đã được bán 314.500 bảng, gấp 3 lần giá ước tính ban đầu, lập kỷ lục thế giới cho một tranh minh họa.
Trong tháng 11, tại phiên đấu giá của nhà Christie’s ở Hồng Công, kỷ lục thế giới về giá một tác phẩm nghệ thuật Trung Quốc đã được lập khi một tỷ phú Trung Quốc trả 28 triệu bảng cho một tranh thêu lụa 600 tuổi từ thời nhà Minh, gấp hơn 4 lần giá dự kiến ban đầu 6,5 triệu bảng.
KHẢ HÂN