Giới thiệu bộ sách giải thưởng

Sáng nay (16-12), Hội Nhà văn TPHCM tổ chức giới thiệu bộ sách được trao giải thưởng 5 năm qua của hội, gồm 5 tác phẩm mới tái bản của các tác giả: Trần Luân Tín, Phan Hoàng, PrékiMalamak, Trần Minh Hợp và Tiểu Quyên.
Giới thiệu bộ sách giải thưởng

Sáng nay (16-12), Hội Nhà văn TPHCM tổ chức giới thiệu bộ sách được trao giải thưởng 5 năm qua của hội, gồm 5 tác phẩm mới tái bản của các tác giả: Trần Luân Tín, Phan Hoàng, PrékiMalamak, Trần Minh Hợp và Tiểu Quyên.

Dù có nhiều ý kiến khác nhau về quy trình bầu chọn, trao giải thưởng thường niên của hai hội tiêu biểu là Hội Nhà văn Việt Nam và Hội Nhà văn TPHCM, nhưng với việc mỗi năm có gần hàng trăm tác phẩm gửi về dự giải và chỉ xét trao cho vài tác phẩm ít ỏi, cho thấy sự khắt khe và phần nào giá trị của các giải thưởng này. Có thể vẫn còn có những tác phẩm xuất sắc mà tác giả không tham dự giải hoặc bị loại vì lý do khác nhau, nhưng không thể phủ nhận chất lượng nhất định của những tác phẩm được trao giải chính thức từ hai hội nghề nghiệp trên.

Hội Nhà văn TPHCM trao tặng bộ sách giải thưởng cho Khoa Văn học và Ngôn ngữ - ĐH KHXH-NV TPHCM

Tuy vậy, có thực tế là sức lan tỏa đến người đọc của đa số tác phẩm được trao giải thưởng chưa lớn, chủ yếu ở khâu ấn hành, quảng bá. Vì lẽ đó, sau khi nhận được sự tài trợ của UBND TPHCM, Hội Nhà văn TPHCM đã phối hợp với NXB Văn hóa Văn nghệ tổ chức in tái bản và quảng bá bộ sách được trao giải thưởng hàng năm của hội nhiệm kỳ 2010 - 2015 vừa qua. Trong đó, có 3 tác phẩm được trao giải thưởng chính thức: Được sống và kể lại - tập truyện dài của Trần Luân Tín (năm 2010), Chất vấn thói quen - tập thơ của Phan Hoàng (2012), Hát đi em - tập thơ của PrékiMalamak (2014); cùng 2 tác phẩm được trao giải thưởng nhà văn trẻ: Cô gái bán ô màu đỏ - truyện ngắn của Trần Minh Hợp (2011) và Cỏ đồi phương Đông - truyện ngắn của Tiểu Quyên (2014).

Có thể nói, tác phẩm mang tính tự truyện Được sống và kể lại của Trần Luân Tín được viết bằng máu và nước mắt của chính ông và đồng đội về những ngày chiến đấu ác liệt trên chiến trường Quảng Trị thời chống Mỹ. Là một nhà điêu khắc, không có ý thức trở thành cây bút chuyên nghiệp, nhưng những gì Trần Luân Tín viết ra lại có sức lôi cuốn bạn đọc từ trang đầu đến trang cuối nhờ tính trung thực đến từng chi tiết, sự kiện. Tập thơ Chất vấn thói quen của nhà thơ Phan Hoàng được trao phần thưởng của cả Hội Nhà văn TPHCM và Hội Nhà văn Việt Nam năm 2012, ngoài đổi mới về thi pháp, điều đáng chú ý ở tập thơ này là tác giả đã phản ánh trực diện những vấn đề nóng bỏng của đời sống bằng góc nhìn của cảm xúc thi ca. Tác phẩm được trao giải chính thức thứ ba là tập thơ Hát đi em của nhà thơ PrékiMalamak (Trần Vĩnh) người Châu Ro. Đây là giọng thơ lạ của một trí thức người dân tộc thiểu số đi theo cách mạng, thể hiện tình yêu sông núi, niềm tin lãnh tụ, nỗi đau và sự đổi đời của số phận mình, buôn làng mình, dân tộc mình. Bên cạnh đó, hai tập truyện của hai cây bút trẻ Trần Minh Hợp và Tiểu Quyên cũng rất đáng đọc, khi thể hiện tâm thức, cảm nhận, cách nhìn đa chiều của người trẻ trước bộn bề đời sống phức tạp hôm nay.

Ngay sau khi xuất bản, đại diện ban lãnh đạo hội đã lên kế hoạch trao tặng sách cho hệ thống thư viện ở TPHCM và một số tỉnh thành, đặc biệt ưu tiên tặng cho các trường đại học và trung học có giảng dạy bộ môn văn học. Các tác phẩm này sẽ giúp ích cho các thầy cô và sinh viên, học sinh thêm tư liệu để đọc, học tập, nghiên cứu và có thể làm đề tài luận văn tốt nghiệp.

TƯỜNG MINH

Tin cùng chuyên mục