Cả nước đang cùng chung tay, dồn sức phòng chống dịch Covid-19, phải tạm thực hiện cách ly xã hội, đình trệ nhiều hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và đời sống, để bảo vệ sức khỏe nhân dân. Vậy mà trong lúc căng thẳng và gian nan này, lại có những người rất vô tâm, ích kỷ, thiếu ý thức trách nhiệm công dân, xem thường pháp luật, có những hành vi vi phạm rất đáng trách, có thể gây hiểm họa cho cộng đồng. Nhiều hành vi vi phạm đã bị phát hiện, bị dư luận lên án, và bị xử phạt hành chính, thậm chí bị khởi tố điều tra, xử lý theo pháp luật.
Trong lúc chống dịch như chống giặc, không thể nào biện hộ, bao che, dung túng cho những hành vi trốn cách ly, khai báo y tế gian dối, không tuân thủ các quy định phòng dịch, cố ý làm lây lan dịch bệnh, gây khó khăn cản trở, thậm chí là hủy hoại hiệu quả công tác phòng chống dịch. Những kẻ có hành vi ngang ngược, côn đồ như vậy đã bị bắt, điều tra và xử lý theo pháp luật.
Cụ thể, Nguyễn Văn Thắng (ở huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định) tụ tập với các bạn tại công viên, không đeo khẩu trang, khi Tổ công tác phòng chống dịch của địa phương đến nhắc nhở, Thắng đã chửi bới và hành hung công an. Tương tự, Đào Xuân Anh Doanh (ở huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh) cùng các bạn đi mô tô ra đường không đội nón bảo hiểm và không đeo khẩu trang, khi Tổ công tác phòng chống dịch của địa phương đến nhắc nhở, Doanh đã chửi bới và hành hung các thành viên tổ công tác. Nguyễn Văn Thiện (ở huyện Vân Canh, tỉnh Bình Định) vẫn mở quán bán cà phê trong lúc đang thực hiện cách ly xã hội, khi Tổ công tác phòng chống dịch của địa phương đến yêu cầu quán tạm ngưng bán, Thiện không chấp hành mà còn lăng mạ, lấy mã tấu đuổi đánh các thành viên trong đoàn. Bùi Anh Huân (ở quận Tân Bình, TPHCM) ra đường không đeo khẩu trang, được nhân viên bảo vệ nhắc nhở, Huân còn hành hung gây thương tích nặng cho nhân viên bảo vệ. Việc xử lý pháp luật các vụ án này là bài học cảnh tỉnh đối với những ai không chấp hành nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về công tác phòng chống dịch.
Cũng trong những ngày cả nước phòng chống dịch, lại có những người rất vô tâm, vô trách nhiệm đến mức “hồn nhiên” như người ngoài cuộc, không biết gì về hiểm họa dịch Covid-19. Một nhóm khoảng 30 người từ Lào về đang trong khu cách ly tập trung tại huyện Minh Hóa (tỉnh Quảng Bình) đã tổ chức tiệc ăn nhậu ngay trong khu cách ly để ăn mừng... sắp hết hạn cách ly. Lý Quất Hùng (ở huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông) đã khai báo y tế gian dối; sau khi sang Campuchia làm thuê, trở về Việt Nam, vừa hoàn thành cách ly y tế tập trung, được trở về nhà, Hùng lại không về mà đến TP Đồng Xoài (tỉnh Bình Phước) khai báo gian dối để được... đưa đi cách ly tập trung một lần nữa (do khi cách ly thì được nuôi ăn ở, chăm sóc miễn phí). Một vài trường hợp bỏ trốn khỏi khu cách ly tập trung vì... nhớ nhà, làm địa phương phải vất vả truy tìm vì có nguy cơ lây nhiễm cho cộng đồng, rồi khiến cả nhà của họ cũng phải cách ly. Cùng với những kẻ nhẫn tâm lợi dụng tình hình dịch bệnh để đầu cơ, lừa đảo, trục lợi trái phép còn có những kẻ tung tin giả trên mạng xã hội bịa đặt, xuyên tạc liên quan việc phòng chống dịch để câu view, thu hút sự chú ý của cộng đồng. Đã có rất nhiều trường hợp có các hành vi vi phạm như vậy bị xử phạt hành chính.
Trong những ngày đầu chống dịch, nhiều địa phương đã lúng túng vì chưa nắm rõ cơ sở pháp lý để xử lý đối với những hành vi vi phạm các quy định phòng chống dịch Covid-19. Thực ra hệ thống pháp luật nước ta đã có những quy định liên quan trong Bộ luật Hình sự, Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm. Ngoài ra còn có Nghị định 176/2013/NĐ-CP của Chính phủ (quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế), Hướng dẫn 45/TANDTC-PC của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao (về việc xét xử tội phạm liên quan đến phòng chống dịch Covid-19), Chỉ thị 15/CT-TTg (về thực hiện đợt cao điểm phòng chống dịch Covid-19) và Chỉ thị 16/CT-TTg (về các biện pháp cấp bách phòng chống dịch Covid-19) của Thủ tướng Chính phủ. Đó là các quy phạm pháp luật, quy tắc xử sự chung, đồng thời là mệnh lệnh chỉ đạo trong thời điểm đặc biệt của lịch sử mà mọi tổ chức, cá nhân trên lãnh thổ Việt Nam đều phải tuân thủ. Theo đó, tùy vào tính chất, mức độ vi phạm, tùy vào hậu quả của hành vi vi phạm mà người vi phạm các quy định phòng chống dịch có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội danh: vi phạm quy tắc an toàn nơi đông người; làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm truyền nhiễm cho người; đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông...
Việc tổ chức thực thi pháp luật, áp dụng các chế tài hành chính, thậm chí các chế tài hình sự đối với các hành vi vi phạm là cần thiết để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật cũng như để đảm bảo an toàn cho cả cộng đồng xã hội trong việc phòng chống dịch Covid-19.