Giữa chợ, giữa đời

Bữa má nói chú Tư vá dép ở chợ mình mất rồi. Thông tin chỉ mang tính chất thông báo, nhẹ tênh và loáng thoáng như bao câu chuyện má vẫn nói lúc bạn gọi về thăm. Loáng thoáng, nhưng lại khiến bạn thấy có cái gì đó âu sầu. Hình bóng bé mọn của một người ở khu chợ quê bé mọn, đủ cho bạn bóc lớp từng mảnh ký ức như người ta bóc vỏ củ hành, khiến bạn cay mắt.

Đó là chuyện của mấy mươi năm trước, thời bạn còn là cô nhóc nhỏ xíu xiu, theo má đi chợ và được má phân công ngồi chờ lấy mấy đôi dép mủ (dép nhựa) má mang đi vá lại. Bạn vẫn còn cái cảm giác hơi xấu hổ vì những đôi dép rách, được mấy ông anh xỏ dây chì nhíu đùm lại… nhìn nghèo hèn sao đâu. Bạn lấy tay sờ đường hằn dây chì cấn trên da bàn chân, lòng tự hỏi không biết lúc dép vá lại rồi, thì mang có bị cấn cứa như vậy nữa không.

CN4 tap but.jpg
Một góc chợ quê. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Chú Tư vá dép ngồi khuất trong cái góc nằm gần cuối chợ, đeo cái kính gãy mà một gọng buộc tạm bằng dây chì, tẩn mẩn đo cắt, tìm trong đống dép cũ chiếc mất quai, chiếc tét mũi xem loại nào phù hợp với chiếc dép cần vá. Cái rách nhiều đắp cho cái rách ít. Săm soi, lật giở, đốt nóng, dán lại, gõ búa cho dính sát, cạo lớp cháy quăn queo, thỉnh thoảng khuyến mãi thêm chiếc nơ bướm che vết vá, thở phào hài lòng vì giờ đôi dép te tua cũng đã “coi được”.

Cái thời cầm dép đem vá ấy qua lâu rồi. Nhưng chú Tư với những người làm những cái nghề mà giờ khó tìm lại nữa khiến bạn nhớ cái chợ quê mình. Chợ quê, nghề mọn nuôi nhau: thợ may, hớt tóc, thâu băng, chùi lư chân đèn, sạc bình điện, sửa đài la dô (radio). Những ngành nghề nhỏ nhỏ như vậy, trong những kiốt nho nhỏ, không cần để bảng hiệu gì mà ai cũng biết. Những chú Tư vá dép, chú Bảy văn nghệ thâu băng, Hùng đầu bạc hớt tóc, ông Ba búa chùi lư… trong thời hưng thịnh, trong những mùa như dịp tết, khách đến sắp hàng chờ đã lặng lẽ biến mất, nhường sân cho những thứ lóng lánh hơn từ lâu lắm rồi.

Thời nghề gì cũng bày ra chợ đã hết. Giống như cái chợ xứ bạn cũng đã tạm biệt những ghe xuồng bến bãi. Những bậc thềm xi măng phía bến sông đã đóng rêu xanh. Thời bạn và những đứa con nít ngồi chò hỏ ở mũi ghe, xuồng đợi ba má đi chợ, nhìn nhau hồi lâu rồi bắt chuyện làm quen cho qua thì giờ đã là hồi ức của thời xưa dội lại.

Nhưng chợ vẫn là cái chợ như vậy. Lâu lâu quay về, ghé qua, bắt gặp lại những người cũ trong cái tiệm giờ đã mới, vậy mà vẫn như thấy lại một khoảng đời mình bỏ quên lại nơi này. Cái góc hồi đó má với bạn trải tấm ni lông bày rau củ vườn nhà giờ là sạp hàng rổ thúng, thớt đũa mây tre. Bà cụ bán hàng ngồi trên ghế nhỏ, vắt cái khăn rằn qua đầu, nếu thêm miếng trầu trên môi, có khi bạn tưởng nội mình đó chớ còn đâu nữa.

Những sạp rau xanh tươi chờ bạn đi qua, để người bán nồng nhiệt mời bạn “mua đi, cái nào cũng “non nhớt” mới hái”. Phía dãy hàng cá, những con cá lóc, cá tra vẫn quẫy đuôi trong thau nước, tạt vào bắp chân bạn mùi rêu sông. Đã hết cái kiểu bán cá tươi, rộng cá sống trong mấy cái lồng tre ngập nước ngay bến chợ, bạn muốn con nào kéo cái lồng lên bắt lấy; nhưng cung cách bán - mua dường như không thay đổi gì mấy.

Bạn thấy bạn đâu đó trong chợ quê mình, trong cái dáng vừa ngơ ngác, vừa ngạc nhiên khi khám phá ra một điều gì đó mới mẻ, trong những điều vừa bận rộn vừa kỳ quặc, vừa xa cách vừa gần gũi. Thấy như bạn trẻ lại đâu đó trong tiếng chào hỏi, hoặc là cự nự nhau của những người qua kẻ lại, thân thuộc và dễ chịu.

Lúc ngồi lại để “ăn hàng” một dĩa bánh bò chan đầy nước cốt dừa ngọt béo, cô gái bán bánh bò chắc không thể nào biết được, người khách trước mặt mình đã là một người khách xa xưa.

Về chợ, bạn thấy những niềm nhớ bừng sáng lên trong ký ức. Bạn tự tin thầm nhủ, cái chợ quê chắc là khó mất lắm. Dù chuyện bán - mua, trao đổi mới mẻ khác cũng đã dần dà len vào đời sống vùng quê mình rồi. Nhưng bạn tin chợ vẫn sẽ ở lại, bởi mỗi cái chợ còn là văn hóa, lịch sử, là bản địa, hồn cốt, tập tục, là phép tắc, thói cách, cột mốc, là bản chỉ lối để ai đó thấy có điểm chung nhau khi nhắc về nơi mình sống.

Và để cho người mới đến dần dà sẽ đem lòng yêu vùng đất họ đi qua.

Tin cùng chuyên mục