Gương sáng từ những tấm lòng thiện nguyện
“Sinh ra trong gia đình nghèo, bữa đói nhiều hơn bữa no, nhiều năm bươn chải ở đợ, làm mướn, đạp xích lô... Giờ đây, khi đã đủ ăn và có dư chút đỉnh, tôi lại càng đồng cảm và muốn chia sẻ với những mảnh đời cơ cực” - anh Nguyễn Văn Phúc (40 tuổi, thường gọi Phúc Mập, quê ở vùng sông nước Tiền Giang) chân tình nói như vậy.
Nhìn tấm bảng ghi đậm hàng chữ tặng cơm cho người khuyết tật (NKT) và người nghèo, nhận dạy nghề cho NKT, sửa xe miễn phí cho NKT, trà đá miễn phí… được treo trước tiệm sửa xe trên đường Phạm Hùng (phường 5, quận 8 TPHCM) của anh Phúc, ai cũng ấm lòng. 16 năm gắn bó công việc tặng cơm người nghèo, NKT nên bà con đã quen với hộp cơm mang tên Phúc Mập vào các buổi trưa từ thứ hai đến thứ sáu, từ 30 hộp nay tăng lên 80 hộp cơm mỗi ngày (do không có điều kiện tự tay nấu cơm, nên anh Phúc đặt cơm của một tiệm uy tín và khá sạch sẽ mang về phát cho bà con nghèo).
Bà Lê Thị Lệ (61 tuổi, quê Bình Định) chia sẻ: “Tui vào TPHCM bán cốm, đậu phộng hơn 20 năm thì đã có 16 năm ăn cơm trưa của anh Phúc tặng. Nhờ vậy có thêm sức bươn chải và tằn tiện lo tiền ăn học cho con trai út đang học đại học ở quận 9. Tui chỉ biết nói lời cảm ơn tới vợ chồng anh Phúc”. Bác Phạm Văn Môn (72 tuổi, bán vé số, có 7 năm ăn cơm ở đây) bày tỏ: “Uống ly trà đá và được ăn suất cơm nóng sốt đầy tình nghĩa, chúng tôi cũng đỡ tủi phận nghèo”.
Hàng ngày, anh Phúc làm việc tại tiệm sửa xe, nơi không chỉ nuôi sống gia đình, có thu nhập để làm từ thiện và cũng là nơi dạy nghề sửa xe miễn phí và cả chỗ ăn ở miễn phí cho hàng trăm người, trong đó đa số là NKT, đến nay khoảng 120 học trò đã thành nghề. Em Lê Văn Nhiều (22 tuổi, quê An Giang) xúc động nói: “Cháu biết ơn vợ chồng chú Phúc nhiều lắm. Không biết tương lai của NKT như cháu sẽ ra sao nếu không được chú nhận dạy nghề. Đã lo chỗ ăn chỗ ở, hàng tháng chú cho mỗi đứa gần 3 triệu đồng để chi tiêu cá nhân và phụ giúp gia đình”. Cũng ở nơi này, tất cả xe của NKT đều được anh sửa miễn phí.
Gần đây, anh Phúc còn tổ chức hàng tháng 2 chuyến từ thiện về các tỉnh, mang theo 100 phần quà/chuyến gồm gạo, mì gói và chút tiền thuốc men tặng dân nghèo. Vợ chồng anh Phúc còn dự định sẽ tặng mỗi tháng 8 thẻ BHYT cho một số người nghèo tại TPHCM và các tỉnh lân cận. Không ồn ào, mọi việc làm của anh lặng lẽ mà thiết thực và ấm lòng người. Xã hội đang cần lắm những tấm lòng thiện nguyện như gia đình anh Nguyễn Văn Phúc.
THU HƯỜNG
Buổi trưa cuối tuần, điểm phát cơm chay từ thiện của ông Nguyễn Đăng Hoàng (tại 174/30 Chu Văn An, quận Bình Thạnh, TPHCM) rộng chưa đầy 50m2, nhưng có gần cả trăm lượt người nườm nượp ra vào. Từ 400 - 500 suất cháo những năm đầu tiên đến nay đã lên đến 1.200 suất mỗi ngày với chi phí hơn 2 triệu đồng do ông Hoàng tự lo chi phí. MAI NGUYỄN |