
Chiều 1-6, Thành Đoàn TNCS TPHCM đã họp báo giới thiệu chiến dịch tình nguyện Mùa hè xanh lần thứ 12 năm 2005. Mang câu hỏi “Thanh niên sinh viên sẽ “tìm” gì trong những đợt hoạt động tình nguyện này?”, phóng viên Báo SGGP đã gặp và trao đổi với anh Tăng Hữu Phong, Chủ tịch Hội sinh viên VN TPHCM, Chỉ huy trưởng chiến dịch Mùa hè xanh năm 2005.
- PV: Nét nổi bật trong chiến dịch tình nguyện Mùa hè xanh lần 12 năm 2005 là nhiều đoàn sinh viên quốc tế tham gia. Thưa anh lực hút từ đâu khiến các bạn quốc tế tham gia?

Thanh niên tham gia chiến dịch “Mùa hè xanh” dạy học cho trẻ em dân tộc tại Gia Lai. Ảnh: VIỆT DŨNG
- Anh TĂNG HỮU PHONG: Trong những năm qua Thành Đoàn đã đón và tổ chức cho nhiều đoàn thanh niên quốc tế và thanh niên Việt kiều đang sinh sống tại các nước tham gia hoạt động tình nguyện tại VN. Qua các cuộc gặp gỡ đó, chúng tôi giới thiệu về phong trào tình nguyện lớn của tuổi trẻ thành phố mỗi dịp hè đến, nhiều người rất ngạc nhiên bởi sức sống của một phong trào đã kéo dài được 11 năm.
Trong chiến dịch năm nay, chúng tôi đã chủ động thông tin trên Internet mời gọi họ tham gia và Thành Đoàn sẽ bố trí công việc theo nhu cầu của các bạn. Đến thời điểm này, đã có 74 sinh viên nước ngoài và Việt kiều từ các nước Pháp, Singapore, Nhật và Mỹ đăng ký tham gia chiến dịch. Nội dung hoạt động là dạy tiếng Anh, Pháp, vi tính, tuyên truyền giáo dục sức khỏe cộng đồng, vận động thanh niên sử dụng Internet ….
Đặc biệt, các thanh niên Việt kiều Pháp sẽ cùng với sinh viên Việt Nam xây dựng cầu bêtông tại tỉnh Trà Vinh. Tôi nghĩ lực hút để thanh niên trong và ngoài nước tham gia đó chính là sức sống và sự lan toả của phong trào.
- Như vậy, nội dung hoạt động kỳ này có gì mới hơn so với 11 lần trước?
- Điểm mới sẽ thể hiện ở những nội dung công việc cụ thể, ví dụ Hậu Giang là địa bàn mới của chiến dịch lần này, năm nay tập trung tối đa để phát huy khả năng chuyên môn của từng đối tượng tham gia. Thực ra, “tuổi thọ” của một phong trào kéo dài được 11 năm qua đã hàm chứa trong đó những nét mới đặc sắc ở mỗi năm.
Điều minh chứng rõ ràng nhất là số lượng chiến sĩ và địa bàn thực hiện năm sau nhiều hơn năm trước. Những sản phẩm, công trình Mùa hè xanh để lại đã đáp ứng được nhu cầu thực tế tại địa phương. Do vậy, cái mới của phong trào là phải biết bà con, người dân ở những địa bàn đang cần gì?
- Nghĩa là chúng ta phải xác định dân cần gì ở tình nguyện?
- Đúng! Trước hết phải xác định ở từng địa phương cần Mùa hè xanh “tình nguyện” vấn đề nào, từ đó chúng ta sẽ chọn chiến sĩ. Điểm phát huy của đội hình chuyên là chỗ này. Nếu như năm 2000, phương thức này chỉ thể hiện qua việc khuyến khích các chiến sĩ đi vào chuyên môn sâu của mình khi đến địa bàn công tác, thì năm 2004 vừa qua, Ban chỉ huy chiến dịch đã tổ chức thành đội hình rõ ràng, xác định trước công việc cũng như yêu cầu cụ thể.
Nhiều người vẫn thường nói vui Mùa hè xanh đã “đưa luật về rừng, đưa chợ về làng”. Đó là việc vận động làm giấy khai sinh, đăng ký kết hôn, tuyên truyền pháp luật, khám chữa bệnh, chuyển giao kỹ thuật nuôi trồng mới, hội thảo đầu bờ, xây cầu bêtông nông thôn, tổ chức các phiên chợ vòng quanh các khu công nghiệp, khu chế xuất… Hiệu quả hoạt động của đội hình chuyên đã rõ ràng, công việc hoàn thành trong chiến dịch và bàn giao ngay cho địa phương. Đây chính là phương thức hoạt động lâu dài mà chúng ta sẽ tiếp tục phát huy trong chiến dịch lần này để đảm bảo hiệu quả đi vào chiều sâu.
Chiến dịch tình nguyện Mùa hè xanh lần 12, năm 2005 diễn ra từ ngày 5-6 đến 14-8, tại TPHCM, các tỉnh Bến Tre, Trà Vinh, Hậu Giang, Gia Lai, Đắc Lắc, Đắc Nông và nước bạn Lào. Tổng số chiến sĩ tham gia hơn 100.000. Chiến dịch được chia làm 2 chặng: |
- Mùa hè xanh năm 2005 sẽ chú trọng vào vấn đề gì để thực hiện công tác tình nguyện tốt hơn?
- Chúng tôi chủ động làm việc cụ thể trước với các địa phương và đội hình chuyên của các trường. Về tổ chức là đội hình chuyên nhưng nội dung thực hiện thì đa dạng hóa. Thanh niên, SVHS luôn có nhu cầu cống hiến cho xã hội, cho cộng đồng.
Khi nào chúng ta hiểu sâu và xác định được trình độ, khả năng, kỹ năng, điều kiện tham gia… của thanh niên thì sẽ vận động được nhiều hơn thanh niên tham gia vào các hoạt động tình nguyện.
Bên cạnh đội hình chuyên đòi hỏi trình độ khoa học kỹ thuật cao như xây dựng cầu đường, khám chữa bệnh, hướng dẫn kỹ thuật nuôi trồng… chúng tôi còn thiết kế các đội hình phù hợp để phục vụ đời sống cộng đồng, chẳng hạn: đội sinh hoạt thiếu nhi, đội hớt tóc, đội sửa chữa nhà, chống dột… cho người dân.
- Thưa anh, các chiến sĩ tình nguyện sẽ “tìm” được gì trong những đợt hoạt động tình nguyện này?
- Đó là tố chất giúp bạn trưởng thành hơn, chín chắn hơn, bản lĩnh hơn trong cuộc sống và giúp bạn có kỹ năng khi hòa nhập với cộng đồng xã hội.
Đây mới chính là chiều sâu của chiến dịch những cái mà thanh niên sinh viên đang cần. Bởi lẽ trước sự năng động của một đô thị lớn nhất nước như TPHCM, sẽ không có “chỗ” cho những “chú gà công nghiệp” sống xa rời thực tế.
Do vậy, trước khi lên đường làm người chiến sĩ tình nguyện, các bạn cần thấy rằng, đây chính là môi trường tiếp cận cuộc sống, áp dụng phần nào kiến thức đã học vào công việc cụ thể. Và chính môi trường này sẽ xoá bớt khoảng cách giữa giảng đường và thực tế, giúp sinh viên có sức “đề kháng” trước nhiều thách thức của một xã hội đang phát triển.
- Xin cảm ơn anh.
TRẦN TOÀN