Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, 6 tháng qua, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, số doanh nghiệp (DN) tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 29.200 đơn vị, tăng 38,2% so với cùng kỳ năm trước; 19.600 DN ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, giảm 10,2%; 7.400 DN hoàn tất thủ tục giải thể, giảm 5%, trong đó có 6.600 DN có quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng, giảm 6,4%; 108 DN có quy mô vốn trên 100 tỷ đồng, tăng 0,9%. Trong đó, DN vừa, nhỏ và siêu nhỏ chủ yếu kinh doanh dịch vụ lưu trú, ăn uống, đại lý du lịch, giáo dục và đào tạo, thương mại… - đều là những lĩnh vực bị tác động nặng nề nhất, khi có 94% - 97% số DN gặp khó khăn (kết quả khảo sát của Tổng cục Thống kê)...
Trong bối cảnh đó, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ DN bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, trong đó có gói hỗ trợ vốn vay ưu đãi. Đó là gói tín dụng 300.000 tỷ đồng và gói hỗ trợ người lao động và DN khó khăn trị giá 61.580 tỷ đồng đang được triển khai. Ngoài ra, còn có các gói hỗ trợ khác về thuế, phí như giảm 15% tiền thuê đất phải nộp của năm 2020 đối với DN, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đang được nhà nước cho thuê đất trực tiếp dưới hình thức trả tiền thuê đất hàng năm phải ngừng sản xuất kinh doanh do ảnh hưởng của dịch Covid-19; Giảm 2% lãi suất cho vay trực tiếp, cho vay gián tiếp đối với DN nhỏ và vừa từ Quỹ Phát triển DN nhỏ và vừa.
Những giải pháp mạnh mẽ này đã tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, giúp DN, nhất là DN nhỏ và vừa, hồi phục sau dịch bệnh. Tuy nhiên, việc tiếp cận nguồn vốn đối với các DN nhỏ và vừa rất khó khăn. Hiện nay, nhiều ngân hàng vẫn thẩm định, đánh giá phần lớn các khoản vay bằng tài sản thế chấp, chứ chưa chú trọng nhiều vào việc thẩm định dựa trên hiệu quả từ phương án kinh doanh. Điều này sẽ giúp các ngân hàng hạn chế được nhiều rủi ro, trong khi DN, nhất là các DN nhỏ và vừa, sẽ không dễ tiếp cận nguồn vốn do không đủ các điều kiện vay vốn thế chấp. Thậm chí, nhiều DN phản ánh rằng các điều kiện vay vốn còn khắt khe, chặt chẽ hơn; thủ tục thẩm định, chứng minh thiệt hại còn phức tạp, rườm rà; đối tượng áp dụng còn chưa rõ ràng. Trong khi DN vừa, nhỏ và siêu nhỏ khó tiếp cận chính sách ưu đãi; còn các chính sách hỗ trợ hiện cũng rất khác nhau giữa các ngân hàng. Hiện không ít đơn vị cho thuê tài chính có hướng tiếp cận vốn đơn giản hơn, dù lãi suất cao hơn của các ngân hàng. DN có thể được cho vay bằng chính tài sản dự kiến đầu tư. Nếu các kênh hỗ trợ chính thống của nhà nước đơn giản hóa thủ tục và tạo điều kiện thuận lợi như vậy, DN sẽ dễ tiếp cận với nguồn vốn dồi dào của ngân hàng.
Theo các chuyên gia, các ngân hàng cần tháo gỡ một số rào cản về thẩm định, chứng minh thiệt hại do Covid-19 gây ra, chứng minh tài sản thế chấp và chứng minh khả năng trả nợ… bởi đây đang được xem là nút thắt lớn nhất để DN tiếp cận được nguồn vốn vay. Đặc biệt, cần tập trung hỗ trợ DN chủ động hơn nguồn cung ứng nguyên liệu, sản xuất linh kiện, sản phẩm trung gian trong nước; nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo và phát triển thị trường, thúc đẩy kết nối giữa các nhà sản xuất và phân phối, ngân hàng với DN; khai thác tốt các cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do mới; tăng cường xúc tiến thương mại để DN đẩy mạnh sản xuất trong tình hình mới, vừa khôi phục sản xuất vừa chống dịch hiệu quả!