
…Không có lịch sử, quá khứ thì làm gì có cảnh làng quê Bình Hạ Đông thanh bình như hôm nay? Bởi thế nên góc truyền thống với những chiếc bảng ghi công là điều mà những người con xa xứ nhớ đến nhiều nhất, mỗi khi nghĩ về quê hương Bình Hạ Đông.
- Người “sướng” nhất

Ông Thịnh, người “sướng” nhất ấp Bình Hạ Đông vì có nhiều người thân xuất hiện tên, hình ảnh trên góc truyền thống của ấp. Ảnh: M.A.
Đó là ông Lê Văn Thịnh (ấp Bình Hạ Đông, xã Thái Mỹ, Củ Chi, TPHCM). Dẫn tôi đến sát tấm bảng “Những người con ưu tú và thành đạt” treo trang trọng nơi góc truyền thống của văn phòng ấp, ông Thịnh chỉ vào tấm ảnh 9x12 của một người đàn ông, nói: “Đây nè, ba tui đó, ổng tên Lê Văn Mừng. Do là cán bộ hưu trí, có công với xóm làng nên bây giờ cha tui được trưng ảnh lên bảng. Danh dự lắm à nghen, chỉ có những người con của ấp này mần ăn thành đạt, làm chức làm tước… thì mới được dán hình lên bảng thôi”.
Tôi đảo mắt khắp tấm bảng của ấp Bình Hạ Đông, thấy trên đó có 84 tấm hình chụp nào là bộ đội, công an, cán bộ huyện, thành phố…, ông Thịnh nói đó là những người con ưu tú của ấp. Trong số ảnh ấy, có khoảng 30 tấm chụp những thanh niên khá trẻ, ông Thịnh bảo đó là con em các gia đình trong ấp, đã và đang học đại học, được cho là thành đạt, được làng xóm công nhận…
Cạnh tấm bảng “Những người con ưu tú và thành đạt” màu trắng là tấm bảng màu đỏ “Tổ quốc ghi công” trên đó ghi tên các mẹ Việt Nam anh hùng và các liệt sĩ của ấp Bình Hạ Đông. Ông Thịnh cũng không giấu được sự hãnh diện, khoe: “Đây là mẹ tui, bà Phạm Thị Liền, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng đó nha. Còn đây là các anh em ruột của tui, họ đều là liệt sĩ nên được ghi tên trên bảng. Mỗi năm vào dịp tháng 4, tui là người “sướng” nhất vì bà con, làng xóm, anh em từ các nơi tụ về ấp rất đông. Họ thắp nhang cho các liệt sĩ, các mẹ Việt Nam anh hùng, hỏi thăm tui đến ngộp thở…”.
- Người “trên bảng” làm gì?
Bí thư Chi bộ ấp Bình Hạ Đông giở sổ ra, đọc (ngày 28-4-2007 là ngày họp mặt lần 3 của “Những người con ưu tú và thành đạt”): “Hôm nay, anh Tô Văn Lân, con trai của liệt sĩ Tô Văn Thợt đã về thăm ấp, đóng góp 1 con bò (3 triệu đồng) để mừng ngày ấp mình họp mặt, mừng ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng. Chúng tôi nhìn lên hai chiếc bảng treo trên tường, trong chiếc bảng trắng, hình ảnh thượng tá Tô Văn Lân mặc cảnh phục (hiện công tác tại Công an phường 16, quận 11 TPHCM). Bên tấm bảng màu đỏ, tên của liệt sĩ Tô Văn Thợt ở số thứ tự 66.
Mọi người lục tục thắp hương cho các liệt sĩ và ai cũng biết rằng từ ngày thành lập góc truyền thống, những người con của Bình Hạ Đông trở nên gắn bó hơn với quê hương, làm được nhiều việc hơn cho bà con lối xóm, dù cho “những người con ưu tú và thành đạt” đang ở rất xa nhưng tất thảy đều gặp lại nhau, bên cạnh góc truyền thống, vào tháng 4 hàng năm.
Liếc ngang danh sách “Những người con ưu tú và thành đạt” đóng góp, tôi nhận thấy con số ghi cụ thể là 10 triệu 2 trăm 30 ngàn đồng. Số tiền trên, Bí thư Chi bộ ấp Lê Hữu Vị cho biết sẽ dồn vào việc cất hai căn nhà tình thương vào cuối năm 2007.
- Ai sáng tác “Góc truyền thống”?
Đó là ông Lê Minh Tấn, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Thái Mỹ (hiện là Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Củ Chi). Bà con ở xã kể ông Tấn đã “phát minh” ra góc truyền thống, đồng thời ấp của ông Tấn (ấp Mỹ Khánh A) cũng là nơi có góc truyền thống đầu tiên của xã.
Hỏi thăm ngẫu nhiên 7 người ở 7 ấp của xã Thái Mỹ, cảm nhận của chúng tôi là ai cũng thích con cháu được “lên bảng” nhưng cũng sợ bị “tháo hình” xuống lắm, mấy cậu ơi, như lời bà con nói! Trả lời thắc mắc, chị Nguyễn Thị Đức, Phó Chủ tịch UBND xã, giải thích: “Ở nông thôn, chuyện gì dù nhỏ, cả làng đều biết, huống chi cái chuyện bị “tháo hình” xuống khỏi góc truyền thống”.
Có lẽ vì vậy mà lâu nay ít có gia đình nào (trong số được “lên bảng”) vi phạm pháp luật và quy định của xã, của ấp. Theo lời các đảng viên trong Chi bộ ấp Bình Hạ Đông thì chỉ cần thả bò chạy rông ra lộ làng, chạy xe đánh võng, nhậu say gây mất trật tự, vợ chồng không hòa thuận… là đã bị “ban ấp” mời lên “làm việc” rồi.
Từ mô hình đầu tiên của ông Lê Minh Tấn, đến nay 7/7 ấp của xã Thái Mỹ đều có góc truyền thống như vậy. Những ngày cuối tháng 4, về Thái Mỹ, tôi đã gặp rất nhiều “người quen” là cán bộ ở TPHCM. Họ bảo “không về sợ bị ấp… rầy” và cười hớn hở! Cờ đỏ tung bay trước hàng rào hoa giấy, hoa dâm bụt, hoa quỳnh anh… nở rộ khắp đường làng. Tôi nhủ thầm: “Phải rồi, không có lịch sử, quá khứ, thì làm gì có cảnh làng quê Bình Hạ Đông thanh bình như hôm nay? Bà con gọi đó là góc truyền thống của ấp. Còn tôi lại nghĩ đó là cái “gốc” nhỏ trong tim của mỗi người”.
Minh Anh