Góp ý dự thảo Luật Báo chí: Xâm phạm đến nhà báo đang tác nghiệp là “chống người thi hành công vụ”

(SGGP). – Ngày 28-8, đoàn ĐBQH TPHCM đã tổ chức buổi họp góp ý dự thảo Luật Báo chí. Đến tham dự có đồng chí Phạm Phương Thảo, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM.

Phó Giám đốc Cơ quan đại diện TTXVN tại TPHCM Phạm Nhật Nam cho rằng, dự luật cần quy định cụ thể hơn những điều cấm báo chí thông tin trong các lĩnh vực như xuyên tạc lịch sử, bí mật đời tư…

Theo ông Nam, vừa qua có cơ quan báo chí đăng tải nhiều kỳ dưới dạng “một phát minh mới” phủ nhận những truyền thuyết về lịch sử của dân tộc, qua nghiên cứu của một thiền sư! Những “phát minh” kiểu này có bị cấm không và phải được xử lý như thế nào? Rồi việc cán bộ đã được bổ nhiệm rồi, nhưng báo chí phát hiện trong hồ sơ cá nhân trước đó có vấn đề, vậy thông tin này có bị cấm không?

Nhiều ý kiến các cơ quan báo chí cho rằng, về nguyên tắc báo chí có quyền được cung cấp thông tin, các cơ quan, tổ chức, cán bộ liên quan có nghĩa vụ phải cung cấp thông tin cho báo chí. Tuy nhiên, ông Nam cho biết, ngay phóng viên TTXVN cũng thường “được” các cơ quan chức năng tìm cách từ chối thông tin. Có lẽ do thận trọng, đây cũng là nguyên nhân làm cho thông tin chính thống, chính xác thường chậm hơn các báo khác. Do vậy, dự luật cần quy định rõ hình thức chế tài, nếu cơ quan chức năng không thực hiện nghĩa vụ này.

Đại diện Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM góp ý thêm, dự luật phải định nghĩa rõ ràng thế nào là “sách nhiễu” và trong luật cần quy định cụ thể hơn việc xử lý các hành vi xâm phạm đến nhà báo đang hành nghề. Bởi vì khi nhà báo tác nghiệp thì cũng như một người đang thi hành công vụ. Do vậy xâm phạm đến nhà báo trong trường hợp đó cũng giống như “chống người thi hành công vụ”.

Tr.Toàn

Tin cùng chuyên mục