Góp ý sửa đổi hiến pháp: Thành lập Tòa bảo hiến

Theo tin từ Trung tâm Thông tin, Thư viện và Nghiên cứu khoa học của Văn phòng Quốc hội, trang web http://duthaoonline.quochoi.vn nhằm thu thập ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 đã có gần 1,5 triệu lượt truy cập, trong đó có hàng trăm lượt ý kiến góp ý, dù bản dự thảo chính thức mới được công bố từ ngày 2-1-2013.

(SGGP). – Theo tin từ Trung tâm Thông tin, Thư viện và Nghiên cứu khoa học của Văn phòng Quốc hội, trang web http://duthaoonline.quochoi.vn nhằm thu thập ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 đã có gần 1,5 triệu lượt truy cập, trong đó có hàng trăm lượt ý kiến góp ý, dù bản dự thảo chính thức mới được công bố từ ngày 2-1-2013.

Bên cạnh ý kiến của các chuyên gia, đại biểu Quốc hội, nhiều người dân đã tích cực đóng góp ý kiến về dự thảo, có người truy cập, góp ý nhiều lần trong nhiều ngày, đề nghị sửa đổi, bổ sung hàng chục điều khoản thuộc nhiều lĩnh vực, từ lời nói đầu, quốc hiệu, quốc huy cho đến quyền con người, chế độ kinh tế. Một số ý kiến cũng đã thẳng thắn đóng góp cho điều 4 về vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam…

Đáng lưu ý, quy định hoàn toàn mới trong dự thảo Hiến pháp sửa đổi về Hội đồng Hiến pháp đã được nhiều người dân quan tâm góp ý khá sâu sắc. Bà Hoàng Thị Vân thẳng thắn: “Theo tôi, cơ chế bảo hiến dự thảo đưa ra khó có thể phát huy được hiệu quả. Hội đồng Hiến pháp vẫn trực thuộc Quốc hội, do Quốc hội bầu ra và chỉ có quyền kiến nghị sửa đổi những văn bản có dấu hiệu vi hiến. Khi Hội đồng kiến nghị bãi bỏ một văn bản luật vi hiến, song lại không được Quốc hội thông qua hoặc bỏ qua kiến nghị đó không xem xét, thì hiệu quả của Hội đồng bảo hiến có thể được phát huy hay không? Các vấn đề liên quan như nhiệm vụ chức năng, nhân sự, kinh phí... cho hoạt động của Hội đồng Hiến pháp sẽ được quy định cụ thể thế nào để đảm bảo tính độc lập, tránh sự ảnh hưởng của Quốc hội”? Độc giả Nguyễn Vân Nam (được khá nhiều ý kiến khác bày tỏ đồng tình) cho rằng: “Việc quan trọng nhất là cần hình thành Tòa bảo hiến và phải đảm bảo tính độc lập của Tòa bảo hiến, vì nếu không độc lập sẽ không phát huy được hiệu quả. Một khi có Tòa bảo hiến mà không hoạt động hiệu quả sẽ làm xã hội xem thường tác dụng của nó; giá trị của hiến pháp vì vậy cũng bị ảnh hưởng”.

Từ một góc nhìn khác, độc giả Lê Trọng Minh bình luận: “Theo tôi nên mở rộng quy mô hoạt động của Hội đồng Hiến pháp xuống địa phương, trước hết là các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Vì ở tầm này, người dân mới chịu trực tiếp hậu quả nếu văn bản vi hiến, và thực trạng này xảy ra nhiều hơn ở địa phương chứ không phải ở trung ương”…

Liên quan đến vấn đề quyền con người, những ý kiến đóng góp vào việc sửa đổi Hiến pháp cũng rất đa dạng, thậm chí tạo nên những cuộc tranh luận thú vị. Độc giả Lê Trọng Minh hoan nghênh việc Điều 21 dự thảo Hiến pháp sửa đổi có nêu: “Mọi người có quyền sống”, vì cho rằng điều này liên quan đến quyền được bảo vệ tính mạng trong pháp luật hình sự, dân sự... Nhưng ông thắc mắc: “Đọc toàn văn Hiến pháp, tôi lại chưa thấy quy định quyền được lựa chọn cái chết hay quyền được chết. Điều này thực sự quan trọng trong việc xác định phạm tội hay không phạm tội trong các trường hợp giết người (theo ý chí của người bị giết), hay các trường hợp họ không còn muốn sống nhưng không thể tự chết được”.

Có quan điểm khác, độc giả Trần Đình Khuyến cho rằng: “Hiến pháp không nên quy định mọi người có quyền sống, vì quyền sống là một quyền tự nhiên của con người. Từ ngàn xưa không có chuyện luật pháp quy định người dân sinh ra có quyền sống hay không”. Độc giả Phạm Thị Trang có cùng đề nghị như ông Trần Đình Khuyến, nhưng từ một góc nhìn khác: “Nếu như ai cũng có quyền được sống thì những kẻ giết người khi chịu án phạt tù xong sẽ lại tiếp tục giết người. Như thế chẳng công bằng. Tôi hiểu rằng Đảng và Nhà nước muốn nâng cao tinh thần nhân đạo nhưng thiết nghĩ việc đưa Điều 21 vào trong Hiến pháp là không cần thiết”.

Ông Phan Trung Lý, Trưởng ban Biên tập Dự thảo Hiến pháp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho biết, tất cả mọi ý kiến, dù có thể khác với quan điểm của ban biên tập, đều được tập hợp và nghiên cứu nghiêm túc. 

A.THƯ

Thông tin liên quan

>> Cần hiến định quyền trưng cầu ý dân

>> Dự thảo HIẾN PHÁP Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 (sửa đổi năm 2013)

>> NGHỊ QUYẾT số 38/2012/QH13 của Quốc hội về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992  

Tin cùng chuyên mục