Về chủ trương từ năm 2007, các trường ĐH bổ nhiệm GS, PGS

GS, PGS sẽ có chế độ đãi ngộ và nhiệm vụ rõ ràng

            Công nhận thêm 445 GS, PGS
GS, PGS sẽ có chế độ đãi ngộ và nhiệm vụ rõ ràng

Ngày 9-11, Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước (CDGSNN) công bố quyết định công nhận chức danh giáo sư (GS) và phó giáo sư (PGS) năm 2006 cho 445 nhà giáo. Đây có thể là đợt phong chức danh cuối cùng theo cách cũ. Từ năm 2007, chức danh GS-PGS sẽ do các trường đại học (ĐH), cơ sở giáo dục ĐH bổ nhiệm. PV Báo SGGP đã có cuộc trao đổi xung quanh vấn đề này với GS.TSKH Đỗ Trần Cát, Tổng thư ký Hội đồng CDGSNN.

° Phóng viên: Theo Luật Giáo dục, cơ sở giáo dục đại học sẽ là đơn vị bổ nhiệm GS-PGS. Vậy thời điểm nào chúng ta thực hiện quy định này, thưa GS?

GS. Đỗ Trần Cát

GS. Đỗ Trần Cát

- GS.TSKH ĐỖ TRẦN CÁT: Luật Giáo dục mới đã ghi rõ như vậy, GS, PGS phải là chức danh của trường ĐH, các cơ sở giáo dục ĐH và sau ĐH. Và như thế, phải bổ nhiệm họ với tư cách như một viên chức của cơ sở giáo dục ĐH. Việc đấy đã quy định nhưng chúng ta chưa làm được, nói đúng hơn là làm chưa thật triệt để. Hiện nay, chúng ta đã công nhận các GS - PGS mà không gắn với trường ĐH hoặc cơ sở giáo dục ĐH.

Từ năm 2007, Hội đồng CDGSNN sẽ chỉ xét tiêu chuẩn các ứng cử viên để đảm bảo mặt bằng, yêu cầu chất lượng chung. Thủ trưởng của các cơ sở giáo dục ĐH sẽ phải căn cứ vào tình hình cụ thể trường mình, cơ sở của mình bổ nhiệm những người đã đạt tiêu chuẩn do Hội đồng xem xét. Như vậy chức danh GS, PGS sẽ gắn với những cơ sở giáo dục ĐH, sẽ không có GS, PGS chung chung trong toàn quốc.

Dù thay đổi cách bổ nhiệm nhưng Hội đồng CDGSNN vẫn tồn tại và làm nhiệm vụ xét tiêu chuẩn để giữ được mặt bằng chung, nếu không, chất lượng các GS-PGS có thể sẽ rất khác nhau giữa các trường. Có thể sau một thời gian nữa, khi các trường của nước ta đủ mạnh và đồng đều hơn giống như các nước phát triển thì có thể sẽ giao toàn quyền cho các trường ĐH trong việc công nhận chức danh GS-PGS.

° Thưa GS, đang có nhiều ý kiến lo ngại rằng, khi giao về cho các trường và cơ sở giáo dục ĐH sẽ xảy ra tình trạng “lạm phát” GS-PGS?

- Việc giao này kèm theo điều kiện, là các trường phải có quy hoạch, tổ chức của trường, quy hoạch cán bộ, giáo viên, sinh viên, ngành nghề... phải được Bộ GD – ĐT phê duyệt. Việc bổ nhiệm phải trên cơ sở bản quy hoạch đấy, muốn bổ nhiệm thêm thì phải thay đổi, điều chỉnh lại quy hoạch. Và quy hoạch lại phải được Bộ GD - ĐT phê duyệt, căn cứ trên một quy định về quy hoạch khung, tức trường loại nào được bao nhiêu giáo viên trên 1 sinh viên, bao nhiêu GS trên 1 bộ môn, ngành.

Các trường dựa trên quy hoạch khung đấy để xây dựng quy hoạch phát triển cho mình. Theo chúng tôi tính, các trường còn thiếu, thiếu rất nhiều GS nên chắc chắn sẽ chưa thể có tình trạng lạm phát. Và về tương lai nếu chúng ta thực hiện nghiêm túc các quy định thì cũng không thể có lạm phát. Hiện nay chúng ta có 1.217 GS, 5.975 PGS.

Đây chỉ là con số, còn thực tế đang làm việc thì hiện nay, theo tôi vào khoảng 500 GS và 2.500 – 3.000 PGS. Số làm việc như vậy trong trường ĐH không phải là nhiều. Đa số những vị này đã nhiều tuổi nên phải tính thêm là trong vòng 1, 2 năm tới, nhiều nhất là 5 năm tới họ sẽ về hưu hết. Cho nên việc bổ sung số lượng GS là một việc rất là căng thẳng trong bối cảnh, tình trạng số sinh viên của nước ta phát triển một cách quá nhanh.

° Chúng ta thay đổi cách bổ nhiệm chức danh GS-PGS, vậy các tiêu chuẩn, tiêu chí về GS-PGS có thay đổi không?

- Trong vòng 3 năm tới, các tiêu chuẩn, tiêu chí cơ bản không thay đổi nhưng sẽ được làm chặt chẽ hơn để nâng cao chất lượng. Điều này hoàn toàn có thể làm được. Chẳng hạn như hiện nay có nhiều vấn đề chưa được thống nhất và khó khăn trong việc đánh giá như thế nào là đạt yêu cầu, đánh giá các quyển sách, đánh giá “chất” của nhà giáo.

Trong năm vừa rồi, chúng ta còn nặng về định lượng, cộng trừ nhân chia rồi đưa ra một con số và chúng ta gọi đó là tiêu chuẩn. Tiêu chuẩn đấy có thể trong vòng 3 năm tới chưa thay đổi, nhưng chúng ta sẽ làm cho “chất” của tiêu chuẩn đấy tăng lên. Tiêu chuẩn định lượng có thể sẽ thay đổi nhưng sẽ có lộ trình, đến năm 2009, 2010 sẽ thay đổi tiêu chuẩn.

Chẳng hạn về ngoại ngữ, sau khi bàn cãi rất nhiều đã đi đến thống nhất là phải đưa thêm tiếng Anh vào. Nhưng tiếng Anh đưa vào với mục đích không phải để đánh giá trình độ ngoại ngữ của GS, PGS, mà đưa vào với mục đích yêu cầu nhiệm vụ của GS, PGS phải có căn bản như vậy.

Đưa tiêu chuẩn này vào, nhưng cũng tính toán đến thực tế của mình. Vì vậy, GS-PGS hoặc là thành thạo tiếng Anh, hoặc là thành thạo 1 trong 5 thứ tiếng còn lại (Nga, Pháp, Đức, Trung Quốc và Tây Ban Nha). Nếu thành thạo được 1 trong 5 thứ tiếng kia thì phải thêm một yêu cầu nữa là tối thiểu phải giao tiếp được bằng tiếng Anh.

° Thưa GS, nhiều nhà khoa học cho rằng, phương thức phong tặng GS-PGS như một danh hiệu hiện không có tác dụng nâng cao chất lượng giảng dạy và nghiên cứu ở trường ĐH? Ông có kỳ vọng ở sự thay đổi phương thức bổ nhiệm GS-PGS trong năm tới?

- Tôi nghĩ rằng, cùng với việc chúng ta sẽ có những thay đổi về mặt đánh giá chất lượng, song song với việc định lượng như thế thì chất lượng của GS, PGS sẽ được nâng lên, nhưng cũng từng bước thôi, không làm quá vội vàng. Tôi nghĩ rằng, ngay với tiêu chuẩn như bây giờ thì số người có thể đạt được tiêu chuẩn hàng năm cũng chưa đáp ứng được nhu cầu về GS-PGS của các trường ĐH.

Lý do là vì trong những năm vừa rồi, chúng ta chưa quan tâm đến đội ngũ giáo viên của các trường ĐH. Khoảng 5 năm trở lại đây các trường mới tuyển thêm giảng viên trẻ, trước đó thì gần như đóng cửa. Nên đội ngũ mới này vào phải phấn đấu, học tập mới đạt được chuẩn. Mặt khác, việc bổ nhiệm GS-PGS như một viên chức nhà nước sẽ kèm theo chế độ đãi ngộ (thang bảng lương) và nhiệm vụ rõ ràng, gắn với các trường, cơ sở giáo dục ĐH.

° Xin cảm ơn GS!

            Công nhận thêm 445 GS, PGS
(SGGP). – Sáng 9-11, tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám (Hà Nội), GS.TSKH Phạm Minh Hạc, Chủ tịch Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước đã tổ chức lễ công nhận chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư (GS, PGS) năm 2006 cho 445 nhà giáo, nâng tổng số GS, PGS của cả nước lên 7.192 người (trong đó, có 1.217 GS và 5.975 PGS).

GS.TSKH Phạm Minh Hạc, cho biết: trong số 445 nhà giáo được xét công nhận năm 2006, khối ngành khoa học- xã hội và nhân văn có số GS, PGS nhiều nhất (11 GS và 76 PGS), tiếp đến là khối ngành khoa học tự nhiên (8 GS và 51 PGS), ngành y - dược có 8 GS và 73 PGS… Năm nay, GS trẻ tuổi nhất được công nhận là Nhà hóa học Châu Văn Minh, công tác tại Viện Hóa học các hợp chất thiên nhiên thuộc Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Theo thống kê mới nhất, đến tháng 11-2006 của Hội đồng Chức danh giáo sư Nhà nước, 80% các GS, PGS có độ tuổi trên 60. Ngoài dấu hiệu về tỷ lệ GS, PGS nhiều tuổi quá lớn, một con số đáng lưu tâm khác là tỷ lệ GS, PGS đang làm việc chỉ đạt khoảng 42% so với tổng số người được công nhận.

VIỆT LAN

ĐINH LAN

Tin cùng chuyên mục