*Sử là môn độc lập, bắt buộc xuyên suốt từ THCS, THPT
Liên quan đến “số phận” môn lịch sử trong chương trình giáo dục phổ thông mới, Ban Tuyên giáo Trung ương vừa có buổi làm việc với Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam và Bộ GD-ĐT. Các bên đã có sự thống nhất bước đầu về vị trí môn sử. Chiều 8-12, SGGP có trao đổi với GS Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam về vấn đề này.
Giáo sư Phan Huy Lê
* Phóng viên: Vừa qua dư luận đã xảy ra một cuộc tranh luận nảy lửa về vị trí của môn sử. Theo đó, Bộ GD-ĐT dự kiến thiết kế tích hợp môn sử vào môn học Công dân với Tổ quốc trong chương trình giáo dục phổ thông mới, nghĩa là môn sử sẽ không còn là môn học độc lập, không còn tên môn sử. Dự kiến này bị các nhà sử học và nhiều ý kiến phản ứng gay gắt khi cho rằng, không thể bỏ tên môn sử, môn sử phải là môn học độc lập. Đến nay, Hội và Bộ GD-ĐT đã ngồi lại với nhau và thống nhất được ra sao?
* GS Phan Huy Lê: Chúng ta đều biết, kết thúc kỳ họp, tại Nghị quyết về hoạt động chất vấn và giám sát chuyên đề, Quốc hội nhấn mạnh ngành GD-ĐT phải tiếp tục giữ môn học lịch sử trong chương trình sách giáo khoa mới.
Môn sử trong giáo dục Việt Nam luôn là môn cơ bản và bắt buộc ngay từ sau Cách mạng Tháng 8 thành công, qua mấy lần cải cách. Không phải chúng tôi muốn tách môn sử ra khỏi các môn khác nhưng muốn đối xử với môn sử một cách thật xứng đáng với vị trí và yêu cầu của nó trong nền giáo dục phổ thông. Bộ GD-ĐT có đưa ra kinh nghiệm của nhiều nước, có nước thì để nguyên môn sử, có nước tích hợp, có nước thì bỏ, hoặc bắt buộc ở cả cấp 2, cấp 3. Tôi rất buồn là tình hình giáo dục của ta cho đến bây giờ chưa xây dựng được nền giáo dục độc lập. Trước đây ta theo mô hình Trung Quốc (Nho giáo), tất nhiên ông cha ta cũng rất sáng tạo; thời Pháp thuộc là theo mô hình của Pháp do chủ nghĩa thực dân áp đặt; sau Cách mạng tháng 8, chủ yếu sau hiệp định Giơnever chúng ta mới xây dựng và phát triển mạnh giáo dục Việt Nam, nhưng kể cả trung học và đại học bị ảnh hưởng của mô hình Xô Viết. Bây giờ tôi muốn nền giáo dục Việt Nam phải thực sự là nền giáo dục độc lập của Việt Nam. Tôi cho rằng, học tập kinh nghiệm các nước là rất quan trọng, nhưng không nên bê nguyên mô hình của nước nào vào giáo dục Việt Nam.
Tôi và các chuyên gia đều thống nhất là môn lịch sử, trong đó có Lịch sử Việt Nam (quốc sử) vô cùng quan trọng. Nó phải đặt ngang vị trí với môn tiếng Việt (quốc ngữ) và Văn học Việt Nam (quốc văn). Quốc sử, quốc ngữ, quốc văn đứng về khoa học xã hội là 3 môn. Thực tế 2 môn lịch sử và ngữ văn là những môn cơ bản, bắt buộc suốt trong nền giáo dục phổ thông; ở khoa học tự nhiên là toán học. Như vậy ba môn quốc sử, quốc ngữ, quốc văn cùng với toán học là những môn bắt buộc. Lịch sử là môn cơ bản nền tảng của toàn bộ môn khoa học xã hội nhân văn. Ở bất cứ quốc gia nào, sử học cũng là môn nền tảng, tri thức loài người xuất phát đầu tiên là từ sử học. Sử học trong đó có quan điểm sử học, phép biện chứng của sử học được vận dụng vào tất cả các ngành của xã hội cũng như của tự nhiên. Quan điểm sử học đó chi phối toàn bộ các nền khoa học không riêng gì khoa học xã hội mà còn thâm nhập vào mọi ngành khoa học khác kể cả khoa học tự nhiên. Tương tự như vậy, toán học không chỉ là môn nền tảng của khoa học tự nhiên, công nghệ mà còn thâm nhập vào mọi ngành khoa học. Hai môn này có vị trí ngang nhau. Dĩ nhiên quốc ngữ, quốc văn không phải thảo luận nhiều vì nó là tiếng mẹ đẻ...
Lịch sử Việt Nam vô cùng quan trọng
Cần nhớ, đặc điểm nổi bật của lịch sử Việt Nam là trong quá trình xây dựng đất nước, luôn luôn bị cắt ra bởi những cuộc kháng chiến chống ngoại xâm. Nguy cơ đe dọa nền độc lập dân tộc thường xuyên, nên chúng ta luôn luôn coi trọng tư tưởng, tình cảm với đất nước. Hiện nay cũng vậy, phải luôn luôn bảo vệ chủ quyền đất nước, bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam.
*Vì vậy, giới sử học phản đổi tích hợp môn sử?
*Một số người, không chỉ là những người trong ban soạn thảo cho rằng giới sử học không muốn tích hợp, quay lưng với tích hợp trong khi tích hợp đang là xu thế của giáo dục hiện nay. Tôi rất bất bình vì cách nói này, nói vậy là không hiểu gì, hoặc là gán cho giới sử học tình trạng quá non kém. Tôi khẳng định, bản thân môn lịch sử là môn học đi đầu trong quá trình tích hợp. Tích hợp không phải bây giờ mới đặt ra mà đặt ra từ nửa sau thế kỷ 20, sau chiến tranh thế giới thứ 2, tức là trong cuộc cách mạng khoa học công nghệ thì vấn đề tích hợp đã được đặt ra rồi. Trong đó sử học ở Việt Nam là một trong những ngành đi đầu. Những năm 80, GS Hoàng Phương đã viết cuốn sách "Tích hợp Đông Tây", sử học từ những năm 80 cũng đã được đẩy mạnh tích hợp, giảng dạy tích hợp. Sử học trước đây (cổ đại) chỉ dựa trên những nguồn tư liệu chính, dựa vào nguồn sử liệu duy nhất để viết. Còn sử học hiện đại không chỉ có sử liệu là tài liệu duy nhất, tất cả những gì chứa đựng thông tin về quá khứ đều là tư liệu: nghiên cứu về khảo cổ, khoa học tự nhiên, địa lý, ngôn ngữ sinh thái, vận dụng của thành tựu của toán, lý trong thẩm định niên đại của sử, không phải chỉ là lịch sử của các triều đại mà còn là lịch sử của con người... Sử học là kiến thức tổng hợp, nên đi vào tích hợp rộng. Trong khoa học xã hội nhân văn, sử học là môn đi đầu trong tích hợp, nên nếu nói rằng sử học chỉ biết riêng về lịch sử là không hiểu gì về sử học Việt Nam.
Tích hợp sử với môn khác là xu thế của giáo dục Việt Nam, Hội chúng tôi không những phản đối mà còn ủng hộ, vì sử học có mối quan hệ với các môn khác, nhưng phải hiểu tích hợp là gì?. Đó không phải là gán ghép một cách cơ học một bộ phận của môn này với bộ phận của môn khác. Cách làm của Bộ GD-ĐT là sự cắt xén và gán ghép hữu cơ chứ không phải là tích hợp.
*Qua thảo luận ngày 7-12, Hội và Bộ GD-ĐT đã đi đến thống nhất nào thưa GS?
* Hai bên đã thống nhất hoàn toàn ở cấp tiểu học sẽ tích hợp môn sử vì chưa có sự phân hóa. Các môn mà Bộ GD-ĐT đưa ra có thể chấp nhận được như môn cuộc sống quanh ta, tìm hiểu xã hội, tìm hiểu tự nhiên...
Còn ở THCS, Bộ GD-ĐT dự kiến có môn khoa học xã hội (KHXH). Từ đầu tôi đã phản đối môn này, vì không đúng ngay tên gọi. Sau khi thảo luận, cả hai bên thống nhất bỏ môn KHXH, trả về 2 môn độc lập là sử-địa riêng biệt. Tôi yêu cầu riêng sử, từ THCS phải là môn độc lập và bắt buộc, ý kiến này cũng gần như thống nhất. Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển vẫn còn băn khoăn khi tách ra độc lập thì giữa sử và địa có những cái tương đồng có thể tích hợp thì làm thế nào, bởi có những nội dung tích hợp tốt hơn tách riêng. Ví dụ, nói về chủ quyền Trường Sa, Hoàng Sa thì tích hợp sử-địa lại cho hiệu quả tốt hơn (trên nền tảng địa lý, chúng ta sẽ lồng vào đó lịch sử về chủ quyền biển Đông của Việt Nam). Điều này khiến Bộ GD-ĐT băn khoăn nếu tách ra thì SGK viết thế nào: có một sách về sử, 1 sách về địa, 1 SGK về sử-địa? Tôi cho rằng, cái đó thuộc về kỹ thuật, bộ GD-ĐT phải nghiên cứu. Chỉ cần thống nhất nguyên tắc: từ THCS phải tách riêng môn sử, địa, lịch sử, là môn độc lập, bắt buộc. Tuy vẫn còn băn khoăn của Bộ GD-ĐT nhưng về cơ bản, tôi cho thành công lớn nhất là đã bỏ được môn tích hợp chung chung là KHXH, trả về vị trí độc lập cho môn sử.
Lên THPT thì vấn đề phức tạp hơn, vì liên quan đến môn Công dân và Tổ quốc mà Bộ GD-ĐT ban đầu dự kiến. Tôi rất mừng vì chính người thiết kế môn học này là PGS-TS Đỗ Ngọc Thống, Phó Vụ trưởng Vụ giáo dục Trung học, Bộ GD-ĐT đã chủ động đề xuất bỏ môn này: phần về an ninh quốc phòng, giáo dục công dân có thể tích hợp, nhưng sử thì tách ra. Như vậy hai bên đã thống nhất 1 điểm rất căn bản, đó là bỏ môn Công dân và Tổ quốc. Như vậy có nghĩa là trả môn sử về vị trí độc lập của nó. Bộ GD-ĐT vẫn còn băn khoăn với môn sử sẽ như thế nào khi tiến hành phân hóa, phân luồng ở THPT. Điều này, tôi không đặt ra mà chỉ đưa ra yêu cầu, lên THPT, phải có nền tảng kiến thức bắt buộc, phân luồng chỉ là lớp trên cùng; còn nền dưới phải là bắt buộc trong đó có sử. Không thể bỏ môn sử được, phải là độc lập, bắt buộc. Bộ GD-ĐT đang đề nghị đối với THPT, sẽ có Lịch sử 1 và Lịch sử 2, cả hai đều là chương trình nâng cao, sử là một môn riêng, độc lập. Lịch sử 1 là môn bắt buộc đối với khối của KHXH (theo phân luồng), sẽ nâng cao hơn, chuyên sâu hơn. Lịch sử 2 cũng là chương trình nâng cao, nhưng thấp hơn Lịch sử 1, Lịch sử 2 dành cho khối Khoa học tự nhiên.
Như vậy, sử là môn độc lập, bắt buộc xuyên suốt từ THCS, THPT. Còn xử lý môn sử thế nào thì các chuyên gia sẽ bàn tính.
*Như vậy, đến thời điểm này “số phận” môn sử trong chương trình giáo dục phổ thông mới đã cơ bản có sự thống nhất giữa Bộ GD-ĐT và Hội. Qua đây, GS đánh giá thế nào về việc này?
* Tôi vẫn khẳng định, đây là vấn đề của cả đất nước, xã hội. Giáo dục là quốc sách hàng đầu nhưng tại sao trong quá trình xây dựng chương trình giáo dục phổ thông, Bộ GD-ĐT cứ tự làm một mình rồi đưa ra công luận, khi xã hội phản ứng thì mới ngồi lại?. Tại sao cùng ở Hà Nội thôi mà chúng ta không thể ngồi lại với nhau cùng bàn, cùng làm?. Hãy cùng ngồi với nhau, miễn là vì lợi ích chung thì mọi việc đều có thể giải quyết được.
Đến nay, về môn sử, bước đầu đã đạt tới kết quả cơ bản để thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, đó là giữ môn sử trong chương trình giáo dục phổ thông mới xuyên suốt từ THCS đến THPT. Tuy nhiên, đi vào cụ thể, tiếp tục triển khai ra sao thì chúng tôi tiếp tục đấu tranh để duy trì môn sử, nhưng không phải là môn sử như hiện nay vì nó rất vô nghĩa. Thậm chí có ý kiến nói duy trì môn sử hiện nay thì bỏ luôn cũng được, vì nó sa sút đến mức gần như bắt học sinh học chỉ để đi thi lấy điểm, không có bất cứ ý nghĩa giáo dục lịch sử gì cả. Đó là điều đáng lo. Vì vậy, khi đổi mới giáo dục phổ thông, phải cải cách toàn diện, có hệ thống việc dạy và học môn sử, làm thế nào để biến môn sử thành môn học sinh yêu thích, đầy hứng thú, như một môn khoa học lịch sử. Đến nay, chúng ta vẫn chưa coi môn sử là một môn khoa học, vì vậy dạy sử một cách áp đặt, học sinh chán là phải.
PHAN THẢO