Gương mẫu để dân tin, dân ủng hộ

Gương mẫu để dân tin, dân ủng hộ

Là thành phố năng động, có dân số đông và đa dạng nhất cả nước, nhiều năm qua, công tác tuyên giáo trên địa bàn TPHCM luôn được Thành ủy TPHCM và cấp ủy các cấp đặc biệt chú trọng, xem đây là một mũi nhọn xung kích, phát huy sức mạnh toàn hệ thống để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ đề ra.

Đa dạng, thiết thực

Rụt rè ngồi một góc tham dự một buổi tuyên truyền của Ban Tuyên giáo Quận ủy quận 1 về việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và về biển Đông, bác Ngọc, bán đồ ăn sáng quanh khu vực UBND quận 1, nói nhỏ: “Thấy cái này hay nên tôi đi nghe. Mấy rày chuyện biển Đông nghe nhiều mà thấy khó chịu quá, giờ đi cho biết cụ thể nhà nước mình xử sự sao về chuyện này”.

Triển lãm về biển đảo của Báo SGGP thu hút nhiều bạn trẻ tham quan. Ảnh: MINH ĐỨC

Là quận trung tâm, có vai trò đặc biệt quan trọng của TPHCM, Quận ủy quận 1 luôn có nhiều hình thức tuyên truyền, vận động người dân một cách sáng tạo, thiết thực. Hiểu được tâm trạng của các cô, các bác cũng như các học sinh sinh viên nên đối với các chủ đề như thế này, Quận ủy quận 1 đặc biệt xem trọng hình thức, nội dung tuyên truyền và lo cả bồi dưỡng buổi làm việc cho người tham gia. Trưởng Ban Tuyên giáo Quận ủy quận 1 Hồ Thị Vinh chia sẻ, trước khi tổ chức tuyên truyền một vấn đề nào đó, chúng tôi tìm hiểu kỹ nhóm người đó để xem họ cần cái gì ở chủ đề ấy để lựa chọn nội dung. Khi tuyên truyền về văn minh đô thị thì hướng dẫn việc cần làm cụ thể để khu phố sạch đẹp; tuyên truyền về học và làm theo Bác thì chỉ ra những việc đơn giản, cụ thể thường ngày cần làm như kính trọng người trên, giúp đỡ láng giềng, người cơ nhỡ…

Còn ở quận Gò Vấp, với dân số đông nhất nhì thành phố (gần 600.000 người) mà người nhập cư chiếm gần 50%, công tác tuyên truyền, nắm bắt thông tin tình hình tư tưởng cũng như đẩy mạnh tuyên truyền miệng được Quận ủy đặc biệt chú trọng. Theo đại diện Ban Tuyên giáo Quận ủy, quận luôn chủ trương công tác tư tưởng phải hướng về cơ sở, gắn với thực tiễn đơn vị, nắm bắt nhanh các vấn đề bức xúc dân sinh. Đặc biệt, quận luôn chú trọng mở rộng hình thức đối thoại trong hoạt động tuyên truyền, giáo dục, giải quyết kịp thời các bức xúc của người dân. Đưa ra thông tin chính thống và chính xác đến mọi người bằng nhiều hình thức đa dạng.

Quận Thủ Đức là địa bàn có nhiều dự án đang triển khai  nên số lượng hộ dân bị ảnh hưởng rất lớn. Dự án mở rộng xa lộ Hà Nội và tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên có 288 hộ, trong đó 20 - 30 hộ chưa đồng tình, thắc mắc, khiếu nại; dự án Khu Đại học Quốc gia có 1.096 hộ bị ảnh hưởng, trong đó có 40% - 50% số hộ không đồng tình về chính sách; dự án tuyến Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài (nay là tuyến đường Phạm Văn Đồng) có 1.354 hộ dân bị ảnh hưởng, trong đó có khoảng 100 hộ khiếu nại về chính sách giá…

Trước tình hình trên, Quận ủy quận Thủ Đức chỉ đạo các phường và đoàn thể trên địa bàn đẩy mạnh tuyên truyền, vận động và nắm bắt tình hình dư luận xã hội thật sát. Định kỳ hàng tháng, Đảng ủy 12 phường họp giao ban dư luận xã hội để nắm tình hình, nghe các kiến nghị, đề xuất và tâm tư người dân ghi nhận được. Các ngành chức năng quận phối hợp họp thường xuyên với Ban chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) nữ chủ nhà trọ (11 CLB với 298 thành viên), Ban chủ nhiệm CLB nữ thanh nhà trọ (23 CLB với 2.690 thành viên) và thường xuyên họp đột xuất để nắm tình hình dư luận xã hội trong công nhân, người lao động để tham mưu cho cấp ủy, chính quyền cơ sở xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh. Nhờ đó tình hình an ninh trật tự trên địa bàn quận luôn ổn định.

Làm được để dân tin

Nguyên Chủ tịch HĐND TP Phạm Phương Thảo cho rằng công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, nhất là công tác tuyên truyền miệng là loại hình đặc biệt, kênh thông tin hiệu quả, “một khâu quan trọng, trực tiếp nối liền Đảng, Nhà nước với nhân dân”, do đó đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên giữ một vai trò rất quan trọng. Tuy nhiên, theo bà, đội ngũ này của thành phố và cơ sở vẫn chưa mạnh, chưa phục vụ tốt cho cơ sở. Cách làm chủ yếu là thông tin, truyền đạt. Việc tổ chức tiếp xúc, đối thoại chưa nhiều, chưa đủ sức thuyết phục người nghe với trình độ đa dạng và ngày càng cao của thành phố.

Để tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, theo đồng chí Phạm Phương Thảo, các cấp ủy cần quan tâm chỉ đạo, nhất là tổ chức và nội dung hoạt động của báo cáo viên, tạo điều kiện cung cấp thông tin chính thống, lắng nghe phản hồi và kịp thời giải đáp những vấn đề đặt ra. Xây dựng lực lượng tuyên truyền viên rộng khắp, đủ sức làm công tác tuyên truyền miệng và nắm bắt dư luận xã hội.

Đánh giá về công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động người dân, theo Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Thân Thị Thư, để tạo được sự đồng thuận cao trong nhân dân là việc làm không đơn giản nhưng cũng là khâu then chốt và có tính quyết định nhất. Bởi vậy, ngoài những cách làm sáng tạo, thiết thực, theo đồng chí Thân Thị Thư, mỗi cán bộ tuyên giáo của Đảng phải gương mẫu, nói được, làm được để dân thấy, dân hiểu, dân tin, dân ủng hộ. Như thế công tác tuyên truyền, giáo dục mới thực sự thành công.

HỒNG HIỆP

Tin cùng chuyên mục