Kể từ SEA Games 22 năm 2003, chưa lần nào chỉ tiêu của đoàn thể thao Việt Nam được đưa ra thấp như tại SEA Games 28 lần này. Chưa kể còn có độ vênh khá lớn, từ 70 HCV còn 56 HCV.
Tuy nhiên, theo các nhà chuyên môn, cách đặt chỉ tiêu nói trên cho thấy có những chuyển biến mạnh mẽ trong tầm nhìn và định hướng chiến lược của các nhà quản lý thể thao Việt Nam. Nó cho thấy những người làm thể thao Việt Nam đã nhìn đúng bản chất của SEA Games, nơi mà số huy chương cũng như các môn thi đấu lệ thuộc khá nhiều vào nước đăng cai, nên sự biến động huy chương giữa các kỳ đại hội luôn rất lớn. Ví dụ, cũng với số môn thi đấu ấy, nhưng nếu Việt Nam là nước tổ chức, số lượng HCV có thể tăng gấp đôi, thậm chí gấp 3 lần nếu đưa thêm các nội dung sở trường của mình vào thi đấu.
Thế nên, việc hạ chỉ tiêu so với kỳ SEA Games 27 cho thấy thể thao Việt Nam đã chuẩn bị cho tình huống xấu nhất. Ngay cả dự báo về thứ hạng cũng chỉ dừng ở mức “vào tốp đầu” thay vì phải cố gắng duy trì thành tích trong tốp 3 như từ năm 2003 đến nay. Tuy hạ chỉ tiêu nhưng áp lực dành cho các VĐV lại nhiều hơn khi lần đầu tiên Tổng cục TDTT quy định khá rõ chỉ tiêu cho từng nhóm môn với trọng tâm đặt lần lượt là Olympic, Asiad và SEA Games. Theo đó, các môn được đầu tư trọng điểm cho Olympic hay Asiad phải đạt thành tích thi đấu tốt hơn dù có giành được huy chương hay không. Theo ông Trần Đức Phấn, Phó Tổng cục trưởng, Trưởng đoàn SEA Games 28 thì SEA Games 28 sẽ là bàn đạp cho Olympic 2016, nên các quy chuẩn về thành tích cũng khác những kỳ đại hội trước.
Với cách “ra đề bài” mới mẻ nói trên, thể thao Việt Nam muốn xóa bỏ các trường hợp vì áp lực thành tích nên thi đấu tại SEA Games thì tốt, nhưng lại thất bại ở các đợt tuyển chọn suất dự Olympic vì chọn sai điểm rơi phong độ. Các VĐV trong các nhóm Olympic, Asiad đã đạt đến một đẳng cấp nào đó sẽ chỉ hướng đến việc gia tăng thành tích, thay vì phải cố gắng hoàn thành chỉ tiêu HCV - trách nhiệm đó sẽ do các môn được đầu tư cho SEA Games đảm nhiệm nhằm tránh sự dàn trải về ngân sách cũng như nhân lực.
Vấn đề đặt ra: Chủ trương là một chuyện nhưng liệu quá trình thực hiện có tương ứng khi mà “bệnh thành tích” đã ăn sâu vào suy nghĩ của đại bộ phận những người làm thể thao, mà tiêu biểu là các vụ lùm xùm gần đây liên quan đến đại hội TDTT toàn quốc lần 7 hồi cuối năm ngoái. Nói cách khác, giữa việc hô hào “bỏ ngắn, nuôi dài” thì các biện pháp đầu tư, giám sát hay kể cả công tác tâm lý cho VĐV cũng cần được tiến hành đồng bộ. Trên thực tế, chế độ khen thưởng dành cho SEA Games là giống nhau, dù tính chất của từng môn thi đấu khác nhau nên bản thân VĐV hoặc HLV cũng sẽ tìm cách để “săn” huy chương mà bỏ qua các kế hoạch huấn luyện vốn đã thống nhất từ trước.
Đấy là chưa kể, mỗi địa phương có VĐV tham gia vào đoàn thể thao Việt Nam dự SEA Games cũng có mục đích riêng của mình, do thành tích tại đại hội cũng được tính vào hoạt động thi đua trong năm của ngành. Sự việc “lệch pha” chỉ tiêu đối với đội tuyển bóng đá U.23 giữa Tổng cục và VFF là một ví dụ cụ thể.
Dù sao, việc hạ chỉ tiêu nhưng tăng khát vọng trong thi đấu tại SEA Games 28 là một sự chuyển biến cần thiết của thể thao Việt Nam trong quá trình hội nhập với thế giới. Hạ chỉ tiêu SEA Games không phải là xem nhẹ tính chất của đại hội Đông Nam Á mà là cách làm tiến bộ trong công tác định hướng chiến lược và xây dựng kế hoạch tập luyện có tính dài hạn. Trên cơ sở đó mới tính đến chuyện nâng dần đẳng cấp thi đấu cho VĐV để đạt hiệu quả đầu tư cao nhất.
VIỆT QUANG