Số người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) tăng nhanh, nhưng vẫn còn nhiều nhóm đối tượng bắt buộc chưa tham gia BHYT. Cùng với đó, chất lượng khám chữa bệnh BHYT vẫn chưa đáp ứng nhu cầu, người dân vẫn gặp khó khăn phiền hà khi khám chữa bệnh BHYT. Quỹ BHYT vẫn có nguy cơ bội chi do tình trạng lạm dụng thuốc, xét nghiệm, kỹ thuật cao. Đây là đánh giá mới nhất của cơ quan chức năng về kết quả 2 năm thực hiện Luật BHYT do Bộ Y tế tổ chức tổng kết ngày 17-10, tại Hà Nội.
- Nhiều người lao động không có BHYT
Theo bà Tống Thị Song Hương, Vụ trưởng Vụ BHYT, Bộ Y tế, sau khi Luật BHYT đi vào đời sống, số người dân tham gia BHYT đã tăng lên nhanh chóng từ 39,749 triệu người có thẻ BHYT vào năm 2008 lên tới trên 53,5 triệu người có thẻ BHYT hiện nay, tỷ lệ bao phủ đạt 60% dân số. Tuy nhiên, đại diện Vụ BHYT cũng thẳng thắn nhìn nhận, tỷ lệ người tham gia BHYT hiện chưa đầy đủ, việc tuân thủ luật pháp chưa cao. Trong khoảng 40% dân số chưa có BHYT có cả đối tượng tham gia BHYT bắt buộc và đối tượng được ngân sách nhà nước hỗ trợ một phần mức đóng.
Đáng lưu ý là còn nhiều người lao động trong doanh nghiệp chưa có BHYT, thống kê cho thấy trong số hơn 11,9 triệu người lao động trong doanh nghiệp mới chỉ có trên 6,36 triệu người có thẻ BHYT. Lý giải cho tình trạng này, Vụ trưởng Vụ BHYT cho biết, việc nhiều doanh nghiệp không đóng hoặc trốn đóng BHYT cho người lao động do nhận thức của chủ sử dụng lao động về chính sách BHYT chưa đầy đủ, một bộ phận người lao động còn thiếu hiểu biết về chính sách BHYT.
Không chỉ có vậy, với nhóm đối tượng cận nghèo, mặc dù đã được Nhà nước hỗ trợ tới 50%, thậm chí có địa phương hỗ trợ tới 80% kinh phí để tham gia BHYT nhưng cũng chỉ có khoảng 800.000 người có BHYT, trong khi đó cả nước có hơn 6 triệu người cận nghèo. Thậm chí, ngay cả đối tượng trẻ em dưới 6 tuổi theo quy định đều phải được cấp thẻ BHYT, nhưng hiện cả nước vẫn còn hàng ngàn trẻ em không có thẻ BHYT.
- Vẫn phiền hà, khó khăn
Bảo hiểm y tế mở rộng độ bao phủ cũng kéo theo số cơ sở y tế tham gia khám chữa bệnh BHYT trong cả nước lên tới trên 2.303 cơ sở, trong đó trên 1.922 bệnh viện công lập. Đáng chú ý số trạm y tế xã thực hiện khám chữa bệnh BHYT cho nhân dân cũng đạt tới trên 8.656 trạm, chiếm khoảng 80% số trạm y tế xã của cả nước. Chỉ riêng trong năm 2010 đã có trên 106 triệu lượt người bệnh BHYT được khám chữa bệnh.
Tuy nhiên, Bộ Y tế cũng thẳng thắn đánh giá hiện nay chất lượng khám chữa bệnh BHYT vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của nhân dân, nhất là ở tuyến y tế cơ sở, các tỉnh miền núi, vùng sâu vùng xa. Trong khi đó, nhiều bệnh viện lại quá tải, đặc biệt ở tuyến tỉnh và trung ương khiến người dân gặp nhiều khó khăn, phiền hà khi đi khám chữa bệnh.
Đặc biệt, với quy định cùng chi trả chi phí khám chữa bệnh BHYT theo các mức 5% hoặc 20% tùy theo nhóm đối tượng đã ảnh hưởng rất lớn tới người bệnh, nhất là người bệnh nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, người bị bệnh mãn tính gặp rất nhiều khó khăn khi khám chữa bệnh.
Có rất ít bệnh viện thực hiện chương trình kiểm soát đảm bảo chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh BHYT dẫn tới tình trạng lạm dụng thuốc men, hóa chất, xét nghiệm, chiếu chụp cho người bệnh BHYT xảy ra tại nhiều nơi.
Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, mặc dù Quỹ BHYT đã đảm bảo cân đối thu chi, chỉ riêng trong năm 2010, số thu của Quỹ BHYT đã đạt trên 25.000 tỷ đồng, tăng hơn 70% so với năm 2009 và năm 2011 ước đạt số thu của Quỹ BHYT lên tới 27.000 tỷ đồng. Với số thu tăng, nhiều tỉnh có kết dư quỹ BHYT, nhưng hiện vẫn còn 13 tỉnh bội chi Quỹ BHYT lên tới 390 tỷ đồng.
Nguyễn Quốc