Đó là cảm nhận của nhiều khán giả khi đi xem một số chương trình hài kịch trong những ngày đầu xuân Kỷ Sửu.
Ngay trong tối mùng 1, nhiều khán giả đã vào xem chương trình “Hoa hậu ba miền” diễn tại Nhà hát TPHCM, với giá vé 150.000 đồng và 200.000 đồng/vé. Trước nhà hát có treo băng rôn quảng cáo nội dung: chương trình “Hoa hậu ba miền” với sự tham gia của nghệ sĩ (NS) Hoài Linh, ca sĩ Cẩm Ly, NS Kim Ngọc, Hiếu Hiền…
Theo nhiều khán giả, chính vì có danh hài Hoài Linh và ca sĩ Cẩm Ly nên họ mới vào xem chương trình. Thế nhưng, đây lại là một chương trình ca nhạc tạp kỹ gồm ca nhạc, nhảy hip hop, biểu diễn thời trang xen kẽ với một vài tiểu phẩm hài.
Ngoại trừ vài phút xuất hiện ngắn ngủi của NS Hoài Linh trong tiết mục thi hoa hậu thì chương trình không hề có ca sĩ Cẩm Ly! Không chỉ thế, một vài tiết mục hài được dàn dựng ít công phu, cố lấy ngoại hình “mập – lùn” của người khác làm trò vui… nên khó tạo được tiếng cười từ phía khán giả. Một số người xem chán, ra về với cảm giác khó chịu.
Trong chương trình hài ở sân khấu Nụ Cười Mới, tiết mục hài Mơ làm ca sĩ của nhóm Thanh Long Trẻ, dường như cả 3 diễn viên đều rất thích thú khi đưa cả không khí chợ trời thiếu văn hóa lên sân khấu, họ nhại giọng vùng miền và lấy sự khác lạ của ngôn ngữ vùng miền ra làm trò hề… để cố “ép” vài tiếng cười gượng phát ra từ hàng ghế khán giả.
Tiết mục Nhà dột từ nóc của nhóm hài Nhật Trung tuy mang ý nghĩa khuyên răn chuyện học hành nhưng lại được dựng như màn cãi lộn, đánh lộn, rồi đố vui khá nhảm và kêu nhau bằng “mày – tao” giữa ba cha con.
Tiết mục Tình ảo của nhóm Hà Linh, màn diễn của nhóm hài Nụ Cười Mới… cũng diễn ra làng nhàng. Riêng tiết mục hài Thi hoa hậu của Hoài Linh và diễn viên trẻ Văn Long được nhiều khán giả xem là màn tung hứng vui nhất trong suốt chương trình, tạo được niềm vui, tiếng cười đầu năm cho khán giả.
Tuy nhiên, chắc do bận… chạy show ở các tụ điểm khác nên sau khi vừa hoàn thành vai diễn, NS Hoài Linh cũng biến mất sau cánh gà trên sân khấu chỉ còn Văn Long đứng một mình tự biên tự diễn kết thúc chương trình, trân trọng gửi lời chúc tết đến mọi người.
Trong làng hài cũng như với những khán giả mê hài kịch, không ai phủ nhận được cái duyên hài rất bén ngọt của NS Hoài Linh. Anh có thể lấy nước mắt của khán giả, sau đó lại làm họ cười sảng khoái với những câu chuyện, những số phận nhân vật.
Trong nhiều chương trình, chính vì có tên tuổi của Hoài Linh mới tạo được sức hút mạnh mẽ đối với khán giả, muốn tìm niềm vui, nụ cười trong những ngày đầu xuân.
Thế nhưng, so với năm trước, 2008, NS Hoài Linh diễn cố định trong những vở kịch dài chất lượng tại sân khấu Nụ Cười Mới, thì năm nay anh góp mặt ở hầu hết các sân khấu ca nhạc hài kịch, trong các tiểu phẩm hài ngắn.
Phải chăng vì thế mà chất lượng không đi đôi với số lượng (?!). Đành rằng, tết là mùa làm ăn của giới ca sĩ, nghệ sĩ, nhưng không thể vì được dịp mà “ráng” nhận nhiều show, quên đi chất lượng phục vụ khán giả.
Ngày nay, khán giả có sự hiểu biết nhiều hơn, sâu rộng hơn về nghệ thuật, nên họ luôn đòi hỏi chất lượng cao trong các chương trình. Ngoài ra, cách làm việc nghiêm túc, phong cách biểu diễn chuyên nghiệp của nghệ sĩ, diễn viên, ca sĩ cũng chính là sự trân trọng, đáp lại tấm thịnh tình, sự yêu mến của khán giả.
Trong tết này, cũng có một vài sân khấu như sân khấu kịch của bà bầu Hồng Vân, sân khấu Kịch 5B Võ Văn Tần vẫn giữ được chất lượng, được công chúng đánh giá khá tốt. Vở ca kịch – cải lương Lan và Điệp diễn ở Trung tâm ca nhạc Lan Anh của ca sĩ Minh Thuận, Cẩm Ly, Đàm Vĩnh Hưng, Phương Thanh, Thanh Thảo, Hồng Ngọc… cũng được khán giả nhận định có nét mới.
BẢO LÂM