Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” mà Bộ Chính trị vừa phát động được người dân nhìn nhận không hẳn là một khẩu hiệu trong phạm vi hẹp như nhiều cuộc vận động kêu gọi dùng hàng Việt Nam trước đây. Có thể xem đây là một cuộc vận động ý thức và sức sáng tạo trong mỗi công dân Việt Nam cho sự phát triển kinh tế đất nước. Do nội hàm rộng của cuộc vận động, nên không chỉ người tiêu dùng, mà quan trọng hơn là các doanh nghiệp có vai trò rất lớn trong cuộc vận động này.
Một đất nước muốn phát triển giàu có thì nền tảng là nội lực. Dù cho chúng ta có huy động được rất nhiều nguồn lực khác để tạo động lực phát triển, nhưng nội lực yếu thì nền kinh tế phát triển không vững chắc. Những “con rồng” châu Á trở thành rồng cũng đều dựa vào nội lực là chính. Khi ngoại lực là một trong những yếu tố giúp chúng ta thoát nghèo thì nội lực sẽ giúp chúng ta giàu có. Vì vậy, hưởng ứng cuộc vận động lần này là mọi người cùng chung tay xây dựng nội lực đủ mạnh để phát triển. Dĩ nhiên, trong kinh tế thị trường, nhu cầu tiêu dùng của người dân phụ thuộc khá nhiều vào chất lượng sản phẩm, dịch vụ và phương pháp tiếp thị. Để được người tiêu dùng ưu tiên chọn thì trước hết sản phẩm, dịch vụ đó phải vượt lên trên các sản phẩm, dịch vụ khác về chất lượng và cách tiếp cận.
Vì vậy, tự thân các doanh nghiệp, các tập đoàn kinh tế phải biết cách để cho sản phẩm của mình không giậm chân tại chỗ trước sự cạnh tranh khốc liệt của nền kinh tế thị trường.
Chúng ta đã có những thương hiệu Việt tạo được chỗ đứng tương đối ở người tiêu dùng trong nước cũng như vươn ra nước ngoài. Điều này cho thấy nội lực của doanh nghiệp trong nước luôn có, vấn đề là chiến lược xây dựng thương hiệu như thế nào. Có lẽ cũng đã đến lúc nên xem lại các “danh hiệu” sản phẩm từ những cuộc bình chọn của nhiều tổ chức, cơ quan với đầy đủ tên gọi rất kêu hiện nay. Không ít những cuộc bình chọn, doanh nghiệp chủ yếu chỉ cần nộp một số chi phí, được lấy một vài ý kiến người tiêu dùng là trở thành… thương hiệu nổi tiếng! Trong vô số các danh hiệu đã có và đang tiếp tục được trao, liệu có được bao nhiêu sản phẩm thực sự mang nội lực để phát triển, được người tiêu dùng… để mắt đến?
Một bài học của người Nhật rất đáng để chúng ta chiêm nghiệm. Hàng hóa tiêu dùng nội địa của họ có chất lượng luôn bằng hoặc cao hơn hàng hóa xuất khẩu. Trách nhiệm của nhà sản xuất thể hiện ở chỗ luôn đảm bảo chất lượng, điều này đồng thời cũng là một cách thể hiện sự tôn trọng người tiêu dùng nội địa. Ai cũng biết, chất lượng hàng xuất khẩu của Nhật thì cả thế giới đều công nhận, vậy nên, người tiêu dùng nội địa của họ khi dùng hàng nội đã luôn cảm thấy được sự tôn trọng mà không cần các doanh nghiệp phải… ra rả khẩu hiệu “khách hàng là thượng đế”.
Để xây dựng được một thị trường như người Nhật không phải khó nhưng cần có thời gian và tầm nhìn chiến lược. Chiến lược này còn phụ thuộc vào đạo đức kinh doanh, sức sáng tạo của các doanh nghiệp và khả năng chấp nhận của người tiêu dùng. Khi người tiêu dùng ưu tiên dùng hàng Việt thì nhà sản xuất cũng cần phải ưu tiên sản phẩm cho người Việt. Hai yếu tố này khi đã được cộng hưởng thì nội lực sẽ được phát huy.
HOÀNG MAI