Hạn chế thiệt hại thiên tai

Theo Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, chỉ trong một tuần xảy ra rét đậm rét hại, băng giá bao trùm diện rộng, đến ngày 31-1, tại miền Bắc và miền Trung đã có gần 13.000 gia súc và hơn 44.000 gia cầm chết rét, chưa kể hơn 38.000ha gồm lúa, mạ non và hoa màu chết lụi cùng gần 1.000ha thủy sản mất trắng… Tại các tỉnh như Sơn La, Điện Biên, Lào Cai, Nghệ An… giá trị mỗi con trâu từ 12 - 30 triệu đồng, hộ dân bị chết 2 - 3 con là “bay” luôn cả cơ nghiệp. Đáng buồn là vào những năm trước đây những nơi này cũng từng có rất nhiều gia súc, gia cầm chết vì rét, hàng ngàn gia đình xót xa mất tết.

Đáng tiếc là ở một vài nơi, chính quyền địa phương vẫn còn lơ là xem nhẹ, chưa thực sự sâu sát, hướng dẫn, thúc bách người dân nêu cao tinh thần tự bảo vệ tài sản, phòng tránh rét bất thường. Nếu chính quyền cơ sở thường xuyên mở lớp tập huấn, thành lập các tổ công tác địa bàn, tổ chức di dời sớm gia súc từ vùng cao lạnh giá xuống vùng thấp, cắt cử người trông coi, hướng dẫn khu vực tập kết, lập lán trại che chắn, đốt lửa bảo vệ gia súc…, chắc chắn sẽ không xảy ra thiệt hại nặng nề như đợt vừa qua.

Ngay từ đầu tháng 1-2016, tại hội nghị triển khai kế hoạch phòng chống thiên tai năm 2016 do Bộ NN-PTNT tổ chức, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhắc nhở, hiện nay thiên tai xảy ra nhiều hơn và ngày càng nguy hiểm. Vì vậy, cần bổ sung thêm cả kế hoạch ứng phó động đất và sóng thần. Sắp tới, phải rà soát lại chất lượng và tiêu chuẩn kỹ thuật của các công trình xây dựng ở những khu vực được dự báo có tần suất cao về động đất, xem có thể chống chịu được, nếu xảy ra động đất không? Theo Phó Thủ tướng, những năm gần đây lãnh đạo của các địa phương đã thể hiện trách nhiệm với nhân dân mỗi khi có thiên tai thảm họa, song cùng với việc nhà nước tăng cường đầu tư ngân sách cho chương trình giảm nhẹ thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu, các địa phương cần nỗ lực, thể hiện rõ trách nhiệm hơn trong việc đưa các tiêu chí về phòng chống thiên tai vào quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Còn Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, đề nghị, đưa hoạt động phòng chống thiên tai trở thành một tiêu chí để công nhận “nông thôn mới” trong thời gian sắp tới.

Thêm một điều không thể quên sót, đó là vai trò dự báo dài hạn của cơ quan khí tượng, cụ thể là hệ thống các đài và trung tâm khí tượng thuộc Bộ TN-MT. Đành rằng thiên tai ngày càng dị thường, khốc liệt do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu nên việc dự báo gặp khó khăn hơn, song những năm gần đây, ngân sách nhà nước đầu tư cho công tác quan trắc và dự báo khí tượng (gồm cả về cơ sở vật chất và nhân lực)… tăng lên đáng kể so với 10 năm trước. Do đó, cơ quan dự báo khí tượng phải thể hiện rõ hơn trách nhiệm, tính hiệu quả trong hoạt động của mình để tương xứng với mức đầu tư của ngân sách. Không chỉ nâng cao mức độ chính xác với dự báo bão mà cả hiện tượng mưa lớn dị thường, rét đậm rét hại hoặc khô hạn, nắng nóng kỷ lục… Nếu dự báo sai hoặc không kịp thời, chậm chạp thì hậu quả do thiên tai để lại là rất lớn. Đây là điều cần tiên liệu, cảnh báo cho nhân dân.

PHÚC HẬU

Tin cùng chuyên mục