Hàn Quốc thúc đẩy xuất khẩu nội dung

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hàn Quốc vừa công bố Chiến lược xuất khẩu nội dung Hàn Quốc (K-Contents) tại hội nghị chiến lược xuất khẩu lần thứ 4 do Tổng thống Yoon Suk-yeol chủ trì.
Các sản phẩm âm nhạc Hàn Quốc xuất hiện trên nền tảng phát nhạc trực tuyến Spotify
Các sản phẩm âm nhạc Hàn Quốc xuất hiện trên nền tảng phát nhạc trực tuyến Spotify

Theo báo cáo được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hàn Quốc công bố hồi đầu năm nay, trong năm 2021, bất chấp dịch Covid-19 kéo dài, nền kinh tế toàn cầu tăng trưởng thấp, ngành công nghiệp nội dung của Hàn Quốc vẫn tăng trưởng cao. Theo đó, kim ngạch xuất khẩu K-Contents đạt kỷ lục 12,45 tỷ USD, tăng 4,4% so với năm 2020 (11,92 tỷ USD). Cộng đồng người hâm mộ làn sóng văn hóa Hàn Quốc Hallyu trên toàn thế giới cũng đạt mức cao nhất từ trước đến nay với tổng cộng trên 150 triệu người. Xuất khẩu K-Contents đang vượt qua nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ chốt khác của Hàn Quốc như điện tử gia dụng (8,67 tỷ USD), pin thứ cấp (8,67 tỷ USD), ô tô điện (6,99 tỷ USD), màn hình (3,6 tỷ USD) để trở thành một lĩnh vực xuất khẩu tiêu biểu của Hàn Quốc.

Vì vậy, Chính phủ Hàn Quốc muốn thúc đẩy xuất khẩu mạnh hơn nữa với chiến lược gồm 3 nội dung chính: mở rộng thị trường xuất khẩu (expansion), mở rộng lĩnh vực ngành công nghiệp nội dung (extension) và tận dụng hiệu quả (effect) chất lượng K-Contents. Trước mắt, Seoul sẽ tấn công mạnh vào các thị trường mà nội dung Hàn Quốc vẫn chưa sôi nổi như khu vực Trung Đông, châu Âu và Bắc Mỹ. Hiện xuất khẩu K-Contents sang Trung Quốc, lãnh thổ Đài Loan và Đặc khu hành chính Hồng Công (Trung Quốc) đang chiếm 36%; sang Nhật Bản đạt khoảng 15,4%; sang khu vực Bắc Mỹ và châu Âu chỉ chiếm lần lượt 13,3% và 10,9%; các khu vực khác bao gồm cả Trung Đông chỉ dừng lại ở mức 5,8%.

Hàn Quốc có kế hoạch mở rộng cơ hội để các sản phẩm văn hóa bước ra thị trường nước ngoài như tổ chức triển lãm K-Contents tại Mỹ và Anh trong năm nay; có kế hoạch lập mới trung tâm nội dung văn hóa ở nước ngoài tại New York (Mỹ), London (Anh), Frankfurt (Đức), New Delhi (Ấn Độ), Mexico City (Mexico). Như vậy, số lượng trung tâm sẽ tăng từ 10 trung tâm tại 9 nước lên 15 trung tâm tại 13 nước. Ngoài ra, Chính phủ Hàn Quốc sẽ xúc tiến chiến lược hỗ trợ khoảng 6,94 triệu USD cho 30 công ty trong năm nay nhằm bồi dưỡng lĩnh vực máy trò chơi điện tử (console game) vốn thịnh hành ở các thị trường Bắc Mỹ và châu Âu.

Đối với các quốc gia Trung Đông hiện đang bắt đầu để mắt tới các công nghệ tiên tiến và nội dung văn hóa, Hàn Quốc có kế hoạch sẽ phổ cập các nội dung phù hợp với ngôn ngữ và văn hóa bản địa hay tổ chức các sự kiện văn hóa như biểu diễn K-pop. Chính phủ nước này cũng sẽ nỗ lực mở rộng ngành công nghiệp nội dung, hỗ trợ lĩnh vực ngành công nghiệp nền tảng như dịch vụ video trực tuyến (OTT) và các lĩnh vực đi kèm. Hàn Quốc còn dự kiến thúc đẩy để các doanh nghiệp nền tảng về truyện tranh mạng trong nước tiến bước ra thị trường quốc tế, góp phần gia tăng nhu cầu quốc tế thông qua các nền tảng mà truyện tranh mạng Hàn Quốc đã xây dựng được.

Với các chính sách trên, Hàn Quốc đặt kế hoạch nâng kim ngạch xuất khẩu K-Contents từ 12,45 tỷ USD năm 2021 lên 25 tỷ USD trong năm 2027, bình quân mỗi năm tăng 12,3%.

Tin cùng chuyên mục