Hành trình còn mãi...

Liệt sĩ Ninh Xuân Trường nằm lại miền đất Tây Nguyên đã gần 42 năm nhưng người thân và đồng đội vẫn chưa khi nào nguôi ngoai nỗi nhớ về anh. Nấm mộ liệt sĩ vô danh mà gia đình tìm được cùng với ký ức về những giây phút cuối cùng của anh mà đồng đội vừa kể lại là một câu chuyện xúc động, khiến chúng ta tin rằng, tấm gương hy sinh ấy vẫn còn sáng mãi.

Thật tình cờ chúng tôi được gặp anh Đặng Quang Huấn, công tác tại Bộ Khoa học và Công nghệ, người đã có hàng chục năm lặn lội đi tìm mộ của cha vợ - liệt sĩ Ninh Xuân Trường (sinh năm 1940, quê quán xã Đào Mỹ, huyện Lạng Giang, tỉnh Hà Bắc). Ngoài 1 mảnh giấy báo tử nhận được năm 1969, gia đình liệt sĩ Trường chỉ biết người thân đã hy sinh tại mặt trận phía Nam vào tháng 1-1968. Anh Huấn đã kể lại câu chuyện tìm hài cốt liệt sĩ Ninh Xuân Trường.

Đầu tháng 1-2010, đoàn tìm hài cốt liệt sĩ Trường đến gặp nhân chứng đầu tiên là Đại tá Lâm Huế, nguyên Trung đoàn phó Trung đoàn 95 Đoàn Măng Yang đang sống tại phường Hoa Lư, TP Pleiku, tỉnh Đắc Lắc. Đại tá Lâm Huế đã bước sang tuổi 87 nhưng khi nhắc đến người đồng đội đã hy sinh, ông vẫn còn nhớ nguyên vẹn mọi chi tiết và sẵn lòng đưa đoàn về thăm lại chiến trường xưa.

Từ TP Pleiku, đoàn theo quốc lộ 19 xuôi hướng Đông đến Km 117, thuộc địa phận xã Hra huyện Măng Yang, nơi xảy ra cuộc chiến đấu ác liệt giữa Trung đoàn 95 và quân đội Mỹ - ngụy ngày 16-1-1968. Tại trận đánh này, chiến sĩ công binh Ninh Xuân Trường đã ôm bộc phá lao vào chặn đứng chiếc xe thiết giáp đi đầu của địch và đã hy sinh anh dũng để tạo điều kiện cho đồng đội tiêu diệt gọn đoàn xe.

Chiến trường xưa giờ chỉ là một ngôi đền liệt sĩ thờ 37 liệt sĩ mà trên mỗi ngôi mộ đều gắn tấm bia đá khắc dòng chữ “Mộ liêït sĩ chưa tìm thấy tên”.  Mãi đến năm 2001, ngôi mộ tập thể ấy mới được khai quật và 37 liệt sĩ được an táng.

Ngày 14-1-2010, đoàn đến gặp nhân chứng thứ hai, nhà văn Đại úy Thiên Lương ở phường Tân Lợi, TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắc Lắc, nguyên là Trưởng ban Tuyên huấn Trung đoàn 95. Trong buổi gặp, ông đã kể tỉ mỉ về buổi nói chuyện cuối cùng với liệt sĩ Trường trước ngày hy sinh và về sáng kiến đánh bộc phá để tiêu diệt địch trên Quốc lộ 19, góp phần làm tiêu hao sinh lực của địch. Ông vẫn nhớ như in ánh mắt đầy quyết tâm của người đồng đội trẻ tuổi trước trận đánh cam go năm ấy.

Cuối cuộc hành trình, đoàn về Trung đoàn 95, nơi đang lưu giữ những tài liệu về liệt sĩ Ninh Xuân Trường. Theo cuốn sách lịch sử Trung đoàn 75 ghi lại, trong trận đánh giao thông đầu tiên của Trung đoàn 95 trên Quốc lộ 19 ở gần đèo Măng Yang, Ninh Xuân Trường đã ôm quả bộc phá lao vào chặn đứng đoàn xe cơ giới của địch đang hành quân lên Tây Nguyên. Trung đoàn trưởng Lê Khắc Cần đã ra lệnh cho toàn trung đoàn xuất kích tiêu diệt gọn đoàn xe 69 chiếc, trong đó có 3 chiếc xe tăng, diệt 120 tên địch.

Cuộc sống vẫn tiếp diễn. Nhiều người tin rằng, những liệt sĩ đã ngã xuống như đồng chí Ninh Xuân Trường và 36 đồng đội năm ấy vẫn sống trong lòng của tất cả mọi người. Chúng ta nhớ về họ để thấy được sự hy sinh của họ cho cuộc sống hôm nay. Và những câu chuyện như thế sẽ còn được kể mãi, dù chiến tranh đã qua lâu lắm rồi.

BÍCH QUYÊN – MINH HẢI

Tin cùng chuyên mục