Hành trình về nguồn “Côn Đảo - Vùng đất thiêng liêng của Tổ quốc”

Tối 9-11, giữa Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu) linh thiêng, những câu vọng cổ, bài hát lời thơ… cất lên lắng đọng trong chương trình Hành trình về nguồn “Côn Đảo - Vùng đất thiêng liêng của Tổ quốc”. Chương trình do Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM tổ chức từ ngày 9 đến 11-11.
Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM Phan Nguyễn Như Khuê phát biểu trong chương trình tối 9-11. Ảnh: TIỂU TÂN
Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM Phan Nguyễn Như Khuê phát biểu trong chương trình tối 9-11. Ảnh: TIỂU TÂN

Bền bỉ sáng tác giữa ngục tù

“Côn Đảo ơi! Từng tên đất, tên người qua mấy cuộc bão dông đã đi vào huyền thoại/ Nay đứng nghiêng mình trước mộ phần chị Sáu nghe bài hát lê-ki-ma dào dạt giữa tâm hồn…”. Câu vọng cổ trong bài Khúc hát tri ân (soạn giả Hoàng Song Việt) do hai nghệ sĩ Minh Trường, Nhã Thi (Đoàn Văn nghệ sĩ TPHCM) ca chưa dứt thì phía dưới sân khấu trong khuôn viên Đền thờ Côn Đảo, đông đảo người dân vỗ tay không ngớt.

Giữa không gian ấy, soạn giả Trương Huyền (Cao Đức Trường), cựu tù chính trị Côn Đảo những năm 1971-1973 không giấu được nỗi xúc động. Ông nhớ lại khi đó, trong ngục tù, các anh em nghệ sĩ âm thầm sáng tác rất nhiều, vừa để tố cáo tội ác của giặc, vừa động viên tinh thần anh em chiến sĩ cách mạng, giáo dục tinh thần dũng cảm, sức chịu đựng gian khổ. Những ngày tháng lao tù khổ ải ấy, soạn giả Trương Huyền đã sáng tác 2 vở tuồng rất hay, ý nghĩa là Tiếng thét bên sông Chiếc áo bà ba. Mỗi tác phẩm ông viết chừng 4 tháng trời ròng rã.

“Thường từ 10 giờ đêm khi các anh em tù nhân khác đã ngủ, tôi trở mình dậy để viết dưới ngọn đèn leo lét. Tôi bị nhốt gần như hoàn toàn trong ngục. Các anh em cứ thấy giấy vụn ở đâu là giữ lại mang vào cho tôi để tôi viết tác phẩm vào. Sáng tác thì phải diễn phục vụ cho anh em ngay trong tù. Anh em chúng tôi không sợ hãi, vẫn tổ chức được những buổi diễn trọn vẹn. Thậm chí, bọn giặc còn leo lên cửa số để… coi ké”, soạn giả Trương Huyền kể lại.

"Chuyến hành trình về nguồn “Côn Đảo - Vùng đất thiêng liêng của Tổ quốc” năm 2023 là dịp để mỗi người chúng ta, đặc biệt văn nghệ sĩ, cảm nhận lại những bài học lịch sử trong từng thớ đất, con người, trong từng ngọn cỏ, cành cây nơi đây còn lưu giữ máu đào của bao thế hệ cha, anh đi trước đã ngã xuống. Qua chuyến hành trình, hy vọng các văn nghệ sĩ sẽ có thêm nhiều chất liệu, cảm xúc để sáng tác những tác phẩm có giá trị lịch sử cách mạng, nhằm tuyên truyền, nhằm giáo dục cho thế hệ hôm nay và mai sau biết ơn, ghi nhớ và tôn vinh những cống hiến, hy sinh to lớn của các thế hệ cha, anh đi trước “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, vì độc lập, tự do, phồn vinh của Tổ quốc" - Đồng chí PHAN NGUYỄN NHƯ KHUÊ Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM

Niềm tin vào thế hệ sáng tác trẻ

Đi giữa Nghĩa trang Liệt sĩ Hàng Dương - nơi yên nghỉ của hơn 6.000 chiến sĩ cách mạng từ khắp mọi miền đất nước, nghệ sĩ cải lương Bình Tinh và nhiều nghệ sĩ trẻ khác rưng rưng xúc động. Bình Tinh cho biết, cô lần đầu thắp nhiều nén hương trên những ngôi mộ có tên hay chưa biết tên trong một buổi tối thiêng liêng. Lần đầu nghe tim mình quặn thắt và nghẹn lại khi biết rằng chiến tranh qua đi còn lại rất nhiều những hệ lụy.

“Hôm nay tôi nhận thấy rõ ràng hơn sứ mệnh người nghệ sĩ. Rằng, làm nghệ thuật không chỉ để đem đến những giá trị giải trí mà còn cần thông qua tác phẩm nghệ thuật nhằm nhắc nhớ về lịch sử, về công lao của thế hệ đi trước để chúng ta không được quên những giá trị mà hôm nay chúng ta có được phải đổi bằng xương máu của bao người”, Bình Tinh tâm sự.

Các văn nghệ sĩ tham quan Trại giam Phú Tường

Các văn nghệ sĩ tham quan Trại giam Phú Tường

Ngay trước chuyến hành trình về nguồn “Côn Đảo - Vùng đất thiêng liêng của Tổ quốc” 2023, ca sĩ Nguyễn Phi Hùng đã sáng tác ca khúc Hồn thiêng bất tử. “Tôi đã rất nhiều lần đến với Côn Đảo để biểu diễn nhưng lần trở lại này, cảm xúc vẫn đong đầy. Được tham gia những chuyến về nguồn giúp văn nghệ sĩ hiểu rõ hơn giá trị của hòa bình, độc lập, tự do và khơi dậy lòng yêu nước, ý thức trách nhiệm, ý chí giữ gìn chủ quyền lãnh thổ, biển đảo quê hương. Là người con của thành phố, chúng tôi sẽ nỗ lực lan tỏa những điều tốt đẹp, những tác phẩm ý nghĩa đến công chúng”, Nguyễn Phi Hùng bày tỏ.

Soạn giả Trương Huyền tâm sự, ông rất tin tưởng vào lớp nghệ sĩ trẻ, những người sáng tác mới bởi họ rất tài năng, biết nắm bắt nhu cầu xem - nghe - đọc của khán giả hiện đại. Ông nói: “Hồi đó, tôi học lóm chớ có được học về nghệ thuật bài bản gì đâu. Các nghệ sĩ trẻ giờ có nhiều điều kiện học hành tới nơi tới chốn. Hy vọng các cháu, các em có thêm nhiều sáng tác ý nghĩa, cống hiến cho đất nước. Chuyến về nguồn năm nay đã hun đúc tinh thần nghệ sĩ để các bạn có thêm động lực sáng tác”.

Hành trình về nguồn “Côn Đảo - Vùng đất thiêng liêng của Tổ quốc” năm 2023 do Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM tổ chức từ ngày 9 đến 11-11 nhằm chào mừng kỷ niệm các ngày lễ lớn, các sự kiện lịch sử quan trọng của TPHCM và đất nước, hướng tới kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 - 30-4-2025). Nhân dịp này, đoàn đã trao 52 phần quà cho các gia đình chính sách, người dân khó khăn tại địa phương.

Tin cùng chuyên mục