Kế hoạch này là một trong những bước đi nhằm thực hiện mục tiêu loại bỏ xe chạy bằng xăng và dầu diesel từ nay đến năm 2035 và chuyển hẳn sang “vận tải xanh” năm 2050 ở Anh.
Bộ trưởng Giao thông Anh Grant Schapps cho biết, trước khi ô tô điện trở thành phương tiện chính, Anh muốn giảm tối đa lượng khí thải CO2. Việc chuyển đổi sang xăng chứa ethanol sinh học ở mức 10% sẽ giúp lái xe trên toàn quốc giảm tác động môi trường trong mọi hành trình. Được bao quanh bởi đại dương, Vương quốc Anh có một nguồn khả dĩ khác để cung cấp cho sự phát triển nhiên liệu xanh, đó là rong biển. Trồng rong biển vừa không yêu cầu đất, nước ngọt hoặc phân bón góp phần làm giảm thiểu tác động môi trường tiềm tàng, lại có thể dễ dàng lên men để làm nhiên liệu sinh học. Hiệp hội Khoa học hàng hải Scotland hiện đang nghiên cứu khả năng sử dụng rong biển làm nguồn nhiên liệu xanh. Trong khi đó, xăng sinh học là loại nhiên liệu được tạo ra bằng cách pha trộn cồn sinh học ethanol khan với xăng thông thường theo tỷ lệ nhất định. Xăng E5 có 5% ethanol và 95% xăng thông thường, còn xăng E10 có 10% ethanol. Xăng sinh học có các tỷ lệ từ E5 đến E85 - hỗn hợp ethanol cao. Theo Hiệp hội Nhiên liệu tái tạo châu Âu (ePure), các loại xe thông thường có thể sử dụng xăng từ E0 đến E10. Với xăng có hàm lượng ethanol cao thì động cơ xe phải được thiết kế phù hợp.
Theo số liệu của ePure, xăng sinh học E10 hiện khá thông dụng tại các nước phát triển như Mỹ, Australia, New Zealand, Đức, Bỉ, Phần Lan, Pháp... Thị phần của xăng E10 tại Phần Lan năm 2016 lên tới 63%. Còn tại Pháp, con số này ở mức 32%. Theo Cục Thông tin năng lượng Mỹ, 95% lượng xăng tiêu thụ tại Mỹ là E10. Liên minh châu Âu (EU) đang mong muốn 100% quốc gia thành viên sẽ sử dụng xăng E10 và tiến tới là E20.
Theo báo cáo của Grand View Research có trụ sở tại San Francisco, Mỹ, nhiều nước tiêu thụ lượng lớn xăng đã đưa xăng pha ethanol vào thay thế xăng khoáng thông thường, điển hình như Trung Quốc hay Mexico đều đã phổ biến xăng E10 bằng luật. Tổ chức này dự đoán việc các chính phủ ưu tiên hơn cho phát triển bền vững sẽ khiến thị phần của xăng sinh học ngày càng mở rộng, đặc biệt là ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.