Hãy để ảnh kỷ yếu là những thông điệp đẹp

“Trong bể bơi mà chụp vầy thì khác gì học sinh tiểu học đi phổ cập bơi lội anh ơi. Đám quỷ lớp em thống nhất rồi, riêng kỷ yếu phải gắn mác 18+ mới ngầu. Cả đời được mấy lần quậy tới bến, anh làm sao mà lên ý tưởng cho thật độc, lạ giúp tụi em nha”.
 Đó là những gì mà nhóm học sinh chốt lại với Hải Đăng - một thợ chụp hình tự do tại quận 4, TPHCM về bộ ảnh kỷ yếu đánh dấu tuổi học trò.

Nhức mắt với ảnh kỷ yếu phản cảm

Hàng loạt tình huống đúng chất 18+ được nhóm bạn trẻ vạch ra trong kế hoạch chụp hình chi tiết khiến anh chàng thợ chụp hình “đời cuối” 8X tỏ ra sốc về độ chịu chơi của các cô cậu học trò. Nhưng “khách hàng là thượng đế” nên Hải Đăng đành nhận lên ý tưởng, mặc dù trong lòng cũng thấy sượng sùng. 

Ảnh kỷ yếu không mới, nó xuất hiện từ rất lâu rồi. Nhưng một thời gian dài đó chỉ là những tấm hình kỷ niệm đúng nghĩa, ghi lại những khoảnh khắc ngây ngô của những bạn trẻ không quen diễn trước ống kính người lạ. Vài năm nay, ảnh kỷ yếu “lột xác”, thành những thước phim hay hàng loạt tấm hình ghi lại các biểu cảm, động tác vô cùng phản cảm, không phù hợp với lứa tuổi học trò. 

Cách đây không lâu, dân mạng đã dậy sóng với hàng loạt bộ ảnh kỷ yếu mang dáng dấp “chuyện người lớn”, với những đụng chạm cơ thể quá trớn, những kiểu ăn mặc phản cảm mà học sinh tự tin khoe trên các trang mạng xã hội. Có thể kể, bộ ảnh kỷ yếu của học sinh lớp 12 một trường THPT ở tỉnh Phú Thọ, ghi lại hình ảnh một bạn nam kéo rộng quần lưng thun để các nữ sinh khác nhìn vào trong, thậm chí có bạn nữ còn bạo dạn khi cho hẳn tay vào quần nam sinh này.
Hãy để ảnh kỷ yếu là những thông điệp đẹp ảnh 1
 
Hãy để ảnh kỷ yếu là những thông điệp đẹp ảnh 2 Những hình ảnh phản cảm trong một số bộ ảnh kỷ yếu được giới trẻ tung lên mạng xã hội
 Mới đây nhất, bộ ảnh của nhóm học sinh ở Bắc Giang lấy chủ đề “Chí Phèo gặp Thị Nở” ngoài bụi chuối, không thể dung tục hơn. Dân mạng sốc đến mức nhiều người thốt lên rằng: “Đây không phải là ảnh kỷ yếu mà là văn hóa phẩm đồi trụy thì đúng hơn”. Hay bộ ảnh của nhóm học sinh tại một trường THPT ở tỉnh Long An đem những biểu cảm dung tục, những hành động đầy ham muốn xác thịt vào bộ ảnh kỷ yếu, nhận được không ít “gạch đá” của cộng đồng mạng.

Dân mạng càng rần rần bình phẩm, các bạn trẻ lại càng có cớ để tự hào về những tấm ảnh kỷ yếu “gây thương nhớ” của mình. Rồi đó cũng là lý do để sinh ra những cuộc chạy đua ngầm giữa các trường, các lớp trong mùa kỷ yếu khi đầu tư hình ảnh, kịch bản với mong muốn phải độc, lạ, thu hút đã tạo ra sự tốn kém, lãng phí, mất thời gian. 

Nhiều năm chụp ảnh kỷ yếu, cũng không ít lần trải qua tình huống “ngượng chín mặt” bởi những khách hàng thích chơi trội, trên trang cá nhân, Trần Huy Anh, một thợ chụp ảnh tại Nam Định tâm sự: “Sao không quen mắt với kiểu chụp ảnh kỷ yếu phản cảm của giới trẻ ngày nay. Bao ý tưởng mình cất công xây dựng đều bị gạt bỏ, bởi nó không đủ “hot”, không thể kéo follow trên fanpage của lớp. Ừ, với xã hội hiện nay, muốn nổi tiếng nhanh thì phải chấp nhận đi ngược dòng, nhưng liệu có đáng?”. 

Chủ đề ý nghĩa, tại sao không?


Dĩ nhiên, không phải tất cả những bộ ảnh kỷ yếu mà giới trẻ chụp đều phản cảm, cũng có không ít ý tưởng chụp ảnh thực sự đã chạm đến trái tim người xem.

Để một lần được trải nghiệm khi mặc chiếc áo cũ sờn, đi đôi dép tổ ong mòn hết đế, nhiều bạn đã chọn chụp ảnh kỷ yếu với bối cảnh thời bao cấp. Chính câu chuyện “Ba Đồn - Những phiên chợ quê” của nhóm học sinh ở tỉnh Quảng Bình; “Phú Thọ 1969 hồi đó” của nhóm học sinh ở tỉnh Phú Thọ”; “Học trò ngày ấy” của nhóm học sinh tại Hà Nội, khi tái hiện những học sinh Trường Bưởi ngày xưa…

Mới đây nhất, giữa tâm bão về những bộ ảnh kỷ yếu phản cảm, bộ ảnh với tên gọi “Bước đi của thời gian” tái hiện lịch sử Việt Nam qua các giai đoạn của nhóm học sinh chuyên Sử ở tỉnh Hải Dương đã thực sự khiến người xem xúc động. Ngoài yếu tố đẹp từ trang phục đến thông điệp của những bức ảnh, đây còn là cách để nói lên niềm đam mê với môn Sử, tình yêu với lịch sử nước nhà. “Nhìn bộ ảnh của các bạn, tôi thấy cuốn hút đến lạ. Đâu cần phải những động tác nhí nhố, những hình ảnh phản cảm, tôi tin rằng bức ảnh sẽ là kỷ niệm không bao giờ quên, là niềm tự hào của các bạn trong suốt những năm sau này”, Dương Mai Linh (TPHCM) bình luận như vậy khi xem bộ ảnh.

Chụp ảnh kỷ yếu là nhu cầu đáng trân trọng của giới trẻ. Nhưng vì các bạn trẻ đang ở độ tuổi thích khẳng định, vì vậy nhiều bạn có xu hướng thực hiện những suy nghĩ táo bạo. Đó cũng là cách để các bạn chứng tỏ mình đã lớn, biết tiếp cận những luồng văn hóa mới, cởi mở hơn, phóng khoáng hơn. Hình ảnh là để lưu giữ làm kỷ niệm, không chỉ bản thân mình xem mà có thể gia đình, người yêu, bạn đời, thậm chí là người thân sau này xem. Hãy thử suy nghĩ, nếu những người thân ấy nhìn thấy hình ảnh phản cảm của vợ/chồng, của cha/mẹ hay ông/bà mình thuở thiếu thời thì sẽ nghĩ thế nào về nhân cách của mình? Đó là chưa kể hình ảnh được đưa lên mạng, phát tán khắp nơi và sẽ trở thành con dao 2 lưỡi sau này. Bởi vậy, hãy cân nhắc khi lên ý tưởng cho ảnh kỷ yếu sao cho đó là những kỷ niệm đẹp, là khoảnh khắc dễ thương của tuổi học trò.

Tin cùng chuyên mục