Thai phụ tất nhiên cần được cung ứng dưỡng chất nhiều hơn bình thường vì người sắp làm mẹ phải nuôi thêm một (có khi nhiều) miệng ăn theo! Cả hai vì thế có khuynh hướng càng lúc càng ăn mạnh trong khoảng thời gian ngắn ngủi 9 tháng 10 ngày! Sinh tố, khoáng tố, chất đạm…, chất nào thai phụ cũng cần trong lúc mang nặng.
Điều này quan trọng không chỉ vì ý nghĩa dinh dưỡng. Theo báo cáo của Hiệp hội Sản phụ khoa ở Munich, CHLB Đức, thiếu một số sinh tố hay khoáng tố nào đó trong lúc còn trong bụng mẹ là nguyên nhân khiến trẻ dễ vướng một số bệnh nghiêm trọng về sau, khi trẻ trưởng thành!
Theo bác sĩ Armin Malter, tác giả của công trình nghiên cứu kéo dài gần hai chục năm, thí dụ điển hình chính là khuynh hướng mắc một số bệnh có liên quan đến chức năng của hệ miễn nhiễm như tiểu đường hay rối loạn chức năng tuyến giáp nếu người mẹ thiếu sinh tố D trong lúc mang bầu. Malter dựa vào đó đã khuyến khích người bệnh nên ăn nhiều cá biển bên cạnh thói quen uống ly sữa, ăn quả trứng mỗi ngày. Thai phụ ở nước mình không phải ai cũng dung nạp được sữa vì 1/3 người Á Đông do yếu tố cơ địa nên không thể tiêu hóa đường lactose trong sữa. Cũng không cần phải ra đến biển vì đã có sẵn một loại cá nước ngọt chứa nhiều sinh tố D và dầu béo 3-Omega. Đó là cá basa!
Theo các nhà nghiên cứu ở Munich, nhiều bệnh biến dưỡng có cơ hội phát triển khi trẻ đã trưởng thành nếu người mẹ đồng thời thiếu cả khoáng tố Mg. Bên cạnh vai trò quan trọng cho hoạt động của thần kinh và cơ khớp, Manhê là nhân tố quan trọng để tuyến nội tiết trong cơ thể thai nhi có thể phát triển bình thường. Thai phụ vì thế nên có thịt gia cầm, sữa, chuối… thường xuyên trên bàn ăn. Gặp thời buổi H5N1 cứ đáo đi đáo lại thế này thì lời khuyên vừa rồi e có phần nào thiếu thực tế. Không sao, ở xứ mình còn có món khác vừa chứa nhiều Mg lại vừa an toàn. Đó là cá thu!
Cũng theo Malter, việc sử dụng sinh tố D và manhê từ thực phẩm bao giờ cũng an toàn hơn dùng thuốc, vì lượng sinh tố D cũng như manhê trong dược phẩm nếu quá cao là nguyên nhân dẫn đến rối loạn tiêu hóa như buồn nôn, ói mửa, hay dị ứng ngoài da, thậm chí rối loạn nhịp tim. Điều này hoàn toàn bất lợi cho thai phụ vì người mang thai vốn đã nhạy cảm với đường tiêu hóa, lại thêm không thể dùng thuốc chống co thắt, chống ngứa, chậm nhịp tim... khi đang mang bầu!
Cho dù phương tiện chẩn đoán và điều trị ngày càng tinh vi, tiểu đường, thiểu năng tuyến giáp, thấp khớp… chắc chắn không là bệnh dễ chữa. Để trẻ sau này mắc bệnh như thế chỉ vì cơ thể người mẹ không đủ sinh tố D trong lúc mang thai là điều thật đáng tiếc, nhất là khi ở nước mình không hề thiếu phương tiện để bổ sung sinh tố này. Không có gì khó nếu biết cách nhờ hai chị, chị Hai (cá thu) và chị Ba (cá ba sa), tiếp tay để mẹ con đều khỏe!
Bác sĩ LƯƠNG LỄ HOÀNG