Hiểm họa vẫn rình rập

Sau vụ cháy nghiêm trọng xảy ra tại cây xăng số 2B Trần Hưng Đạo (Hà Nội) vào đầu tháng 6-2013, giờ đây không mấy ai nhắc đến nữa và vụ việc sớm đi vào quên lãng. Nhưng mấy ngày gần đây, lực lượng chức năng của TPHCM đi kiểm tra các cây xăng trên địa bàn TP đã phát hiện nhiều lỗi vi phạm và đưa ra cảnh báo nguy cơ cháy nổ vẫn rình rập tại nhiều cây xăng.

Những năm qua, cùng với tốc độ gia tăng các phương tiện xe máy, xe hơi thì nhu cầu về xăng dầu cũng tăng theo. Xăng dầu là mặt hàng thiết yếu, kinh doanh khá có lãi, thậm chí có thời điểm rất có lãi. Có cầu ắt có cung, thế là hàng trăm cây xăng nằm ở sát khu dân cư đông đúc ở TPHCM đua nhau mọc lên, đáp ứng sự tiện lợi của người dân. Nhưng sự thuận tiện đó vô tình biến các cây xăng, nhất là những cây xăng không bảo đảm tiêu chuẩn an toàn, trở thành những hiểm họa đe dọa tính mạng người dân bất cứ lúc nào. Sự ra đời hàng loạt các cây xăng, kèm theo sự buông lỏng quản lý và phương tiện thô sơ về phòng cháy, chữa cháy (PCCC) đã cho thấy những bất cập trong quản lý cũng như những hạn chế, yếu kém về năng lực PCCC.

Chỉ nói riêng khoảng cách cây xăng với nhà dân, bất cứ ai cũng dễ dàng nhìn thấy, nhiều cây xăng không bảo đảm đúng quy định phải cách khu vực tụ tập đông người tối thiểu 100m. Do lịch sử để lại, một số cây xăng có trước năm 1975 và nhiều cây xăng xây mới sau này, lúc đầu bảo đảm đúng quy định khoảng cách, nhưng do quá trình đô thị hóa nhanh nên khoảng cách nhà dân và cây xăng bị thu hẹp dần. Trong khi đó, việc di dời cây xăng không dễ dàng gì, nhất là tìm được những vị trí vừa bảo đảm tiêu chuẩn an toàn PCCC vừa thuận tiện cho người mua xăng. Từ năm 2006 đến nay, UBND TPHCM đã ban hành nhiều văn bản để quy hoạch, sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới… các cửa hàng xăng dầu theo đúng những tiêu chuẩn, quy chuẩn quy định, đồng thời chi hàng trăm tỷ đồng để trang bị các phương tiện, thiết bị PCCC hiện đại.

Dù vậy, nguy cơ cháy nổ xăng dầu vẫn ở mức báo động cao trong khi phương tiện PCCC ở nhiều nơi lại vừa thiếu vừa yếu, ý thức người dân còn thấp. Những lỗi vi phạm chủ yếu ở các cây xăng là lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng, các thiết bị tiêu thụ điện không an toàn; dụng cụ, trang bị chữa cháy tại chỗ thiếu và không thường xuyên bảo dưỡng; việc quản lý nguồn nhiệt lỏng lẻo; bố trí cho nhân viên ăn ở, nấu nướng ở khu vực kinh doanh; nhiều cửa hàng vừa bán xăng vừa tiếp xăng, dầu vào bồn chứa… Thêm vào đó, người dân cũng chưa ý thức hết hiểm họa do chính mình gây ra. Chúng ta không ít lần bắt gặp người đứng cạnh cây xăng gọi điện thoại di động, không tắt máy xe đang bơm xăng, hút thuốc lá gần cây xăng… Mặc dù đã có quy định xử phạt theo Nghị định 52 (năm 2012) của Chính phủ, như “phạt 2 - 5 triệu đồng nếu gọi điện thoại di động, dùng các thiết bị điện tử gần cây xăng”, nhưng đến nay, hầu hết mới dừng lại ở việc nhắc nhở là chính.

Để chấn chỉnh và phòng ngừa hiểm họa cháy nổ ở các cây xăng, các ngành chức năng tập trung rà soát quy hoạch mạng lưới cây xăng trên địa bàn để đánh giá thực trạng hoạt động các cây xăng, nhất là về mặt bằng, vị trí, mốc lộ giới; kiên quyết thu hồi giấy chứng nhận kinh doanh đối với cửa hàng vi phạm nghiêm trọng; loại bỏ những cây xăng nằm ngoài quy hoạch; chủ động kiểm soát và phối hợp lực lượng địa phương xử lý cây xăng vi phạm; di dời cây xăng không an toàn PCCC… Theo các chuyên gia, với công nghệ PCCC ngày càng hiện đại như hiện nay, nếu trang bị đầy đủ máy móc, thiết bị PCCC, các cây xăng vẫn có thể tồn tại trong nội đô một cách an toàn. Vấn đề là các cây xăng cần tuân thủ nghiêm ngặt các quy định PCCC, cơ quan quản lý tăng cường kiểm tra giám sát và hơn hết mỗi người dân phải có ý thức hơn về PCCC mỗi khi ra trạm đổ xăng xe.

TUẤN SƠN

Tin cùng chuyên mục