Ngày 23-1, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ đã tổ chức tọa đàm trực tuyến với sự tham gia của ông Nguyễn Văn Phúc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Phó Trưởng ban Biên tập dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992; ông Hoàng Thế Liên, Thứ trưởng Bộ Tư pháp - Tổ trưởng Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo Tổng kết thi hành Hiến pháp 1992; ông Phạm Quốc Anh, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam nhằm cung cấp thông tin để các tầng lớp nhân dân tham gia đóng góp ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
Thực hiện kiểm soát quyền lực
Đề cập những nội dung sẽ tập trung sửa đổi Hiến pháp lần này, ông Hoàng Thế Liên, Thứ trưởng Bộ Tư pháp, cho biết, tất cả các bản Hiến pháp của Việt Nam đều quy định tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân, đây là nguyên tắc lớn. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng hơn là xác định hình thức để nhân dân thực hiện quyền lực đó. Hiến pháp 1992 quy định nhân dân thực hiện thông qua Quốc hội và HĐND, tức là thông qua cơ chế dân chủ đại diện, việc tổng kết thi hành Hiến pháp cho thấy quy định như thế là không đủ.
Do đó điều 6 dự thảo bổ sung đầy đủ hơn, một là khẳng định nhân dân thực hiện quyền lực thông qua dân chủ đại diện và dân chủ trực tiếp với nhiều hình thức mới, hai là không chỉ thông qua cơ quan quyền lực mà các cơ quan nhà nước khác cũng chịu trách nhiệm cho nhân dân thực hiện quyền lực. Đó là một sự thay đổi tương đối lớn.
Bên cạnh đó, dự thảo khẳng định Nhà nước ta là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công phối hợp và kiểm soát quyền lực. Điểm mới ở đây là kiểm soát quyền lực, toàn bộ dự thảo Hiến pháp tập trung thể hiện nội dung kiểm soát quyền lực.
Thứ nhất là xác định thẩm quyền từng cơ quan trong bộ máy, quy định mối quan hệ rõ ràng hơn giữa các cơ quan. Thứ hai, đề cao quyền dân chủ trực tiếp của nhân dân, quy định quyền lập hội để nhân dân tham gia kiểm soát quyền lực nhà nước; điều 9 tiếp tục khẳng định nguyên tắc đại đoàn kết, giao cho MTTQ chức năng giám sát và phản biện xã hội với các cơ quan nhà nước. Thứ ba, chúng ta thiết lập một số thiết chế hiến định độc lập, thực hiện kiểm soát quyền lực như Hội đồng Hiến pháp là cơ quan chuyên môn của Quốc hội. Chúng ta khẳng định Quốc hội là cơ quan lập pháp, Chính phủ thực hiện quyền hành pháp, Tòa án thực hiện quyền tư pháp, đó là cơ sở hiến định để thực hiện phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực.
Không né tránh vấn đề quyền con người
Dưới góc độ giới luật gia, ông Phạm Quốc Anh, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam, cho rằng một trong những điểm mới của dự thảo sửa đổi Hiến pháp lần này ông ấn tượng nhất là vị trí vai trò của Mặt trận Tổ quốc trong giám sát và phản biện được nâng cao, ngay cả trong điều lệ của Mặt trận cũng chưa nêu rõ. “Đây thực sự là chuyển biến căn bản, Nhà nước rất coi trọng vị trí của Mặt trận trong giám sát phản biện xã hội. Ngoài ra, quyền con người trong dự thảo lần này đã nói rõ hơn quyền sống, bảo hộ tính mạng, sức khỏe, quyền được hiến mô, tạng, hiến xác. đây là điểm mới, phù hợp với thông lệ quốc tế. Về quyền công dân, ngoài quyền tự do cư trú, đi lại, tự do tín ngưỡng còn có quyền lập hội, quyền biểu tình... Đây là những vấn đề mới, bước đầu đã được chúng ta triển khai và khi sửa đổi Hiến pháp thì sẽ có cơ sở triển khai mạnh mẽ hơn”, ông Phạm Quốc Anh phân tích.
Còn theo ông Hoàng Thế Liên, trước đây, về vấn đề quyền con người chúng ta cho là nhạy cảm và né tránh. “Nhưng nay thấy đây là giá trị phổ biến của nhân loại, do đó, lần này chúng ta quy định quyền con người cũng không xa lạ, lấy từ những quyền trong công ước quốc tế mà chúng ta tham gia, như công ước về chính trị dân sự năm 1966 và công ước về quyền kinh tế văn hóa xã hội”, ông Liên cho biết. Về quyền công dân, ông Liên cho rằng, trước đây chúng ta ghi nhận quyền công dân có ghi thêm công dân thực hiện quyền theo pháp luật, nhưng với hệ thống chính quyền của chúng ta hiện nay thì mỗi cấp đều có thể ban hành quy phạm pháp luật, vì vậy gây nguy cơ hạn chế việc thực hiện quyền công dân. Lần này dự thảo sửa đổi quy định quyền con người, quyền công dân được đảm bảo bằng luật của Quốc hội quy định.
Theo các công ước chúng ta tham gia phải bảo đảm được thực thi bằng luật, chúng ta cũng quy định những quyền này chỉ bị hạn chế thực thi trong một số trường hợp nhất định liên quan đến an ninh quốc phòng, đạo đức xã hội, sức khỏe cộng đồng. Đấy là nhận thức mới trong cơ chế bảo đảm thực hiện quyền con người của chúng ta.
| |
Phan Thảo