Hiện thực hóa giấc mơ

Đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam đang ở rất gần giấc mơ tham dự World Cup 2015 sau khi đã có chiến thắng ở ngày ra quân. Tuy nhiên, càng đến gần thì lại thấy giấc mơ World Cup ở rất xa so với trình độ của bóng đá nữ Việt Nam hiện nay. Ngay cả khi chúng ta giành vé đến Canada vào năm sau thì đó cũng chỉ là một cuộc dạo chơi không hơn không kém khi trên thực tế, khoảng cách giữa Việt Nam và tốp 5 châu Á vẫn vô cùng lớn, nói gì đến việc so sánh ở tầm vóc thế giới.

Đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam đang ở rất gần giấc mơ tham dự World Cup 2015 sau khi đã có chiến thắng ở ngày ra quân. Tuy nhiên, càng đến gần thì lại thấy giấc mơ World Cup ở rất xa so với trình độ của bóng đá nữ Việt Nam hiện nay. Ngay cả khi chúng ta giành vé đến Canada vào năm sau thì đó cũng chỉ là một cuộc dạo chơi không hơn không kém khi trên thực tế, khoảng cách giữa Việt Nam và tốp 5 châu Á vẫn vô cùng lớn, nói gì đến việc so sánh ở tầm vóc thế giới.

Để thực hiện “giấc mơ World Cup”, có thể nói chưa bao giờ bóng đá nữ lại nhận được sự quan tâm lớn đến như vậy. Hơn chục tỷ đồng được chi cho 2 tháng tập huấn tại nước ngoài, rồi đội tuyển nữ nhận được 2 hợp đồng tài trợ hàng chục tỷ đồng. Các tuyển thủ nữ của Việt Nam ít nhiều cũng tạm quên được nỗi cám cảnh nhiều năm qua khi so sánh với bóng đá nam.

Nhưng trên thực tế, số tiền ấy chỉ đến trong dịp đặc biệt này, chưa có gì bảo đảm sẽ được duy trì lâu dài. Nói đâu xa, giải vô địch quốc gia diễn ra hồi đầu năm không vận động được tài trợ, phải nhờ đến “người nhà” là Công ty Thái Sơn Bắc với số tiền thưởng vô cùng ít ỏi. Tổ chức giải là để tìm kiếm nhân tố mới cho đội tuyển, nhưng chỉ bổ sung thêm được 1 cầu thủ. Nói như vậy để thấy, dù có thể giành vé đến World Cup thì điều đó cũng chẳng thay đổi được thực trạng đáng buồn của bóng đá nữ Việt Nam.

Thực tế, dù liên tục tham gia Asian Cup, có không ít thành công nhất là trên đấu trường Đông Nam Á, nhưng LĐBĐ Việt Nam (VFF) vẫn chưa hề có một chiến lược căn cơ nào cho bóng đá nữ. Năm nào giải vô địch quốc gia cũng thiếu tiền tổ chức, vận động mãi cũng chỉ có 6 đội tham gia. Trong khi đó, Thái Lan đã đưa được 3 cầu thủ sang Nhật Bản thi đấu và tìm cách đưa cầu thù trẻ sang Nhật Bản để đào tạo, đồng thời dành một khoản ngân sách lớn cho giải vô địch quốc gia hiện đang tồn tại 2 hạng đấu với gần 20 CLB. Một điều đáng nói là dù cũng có cơ hội như Việt Nam để hoàn thành giấc mơ World Cup, nhưng Thái Lan lại không dồn toàn lực để thực hiện điều này như cách Việt Nam đang làm. Ưu tiên của họ vẫn là hệ thống thi đấu nội địa, nơi tạo ra nền tảng cho đội tuyển quốc gia.

Vậy nên, dù có đoạt vé dự World Cup đi nữa, đấy cũng chỉ là một niềm vui ngắn ngủi. Số tiền rất lớn mà bóng đá nữ đang có cũng chỉ ngắn hạn dành cho cấp độ đội tuyển chứ không ưu tiên cho sự phát triển của bóng đá nữ nói chung. Thực tế là hiện nay chất lượng cầu thủ của đội tuyển kém hơn nhiều so với “thế hệ vàng” 10 năm trước do “đầu vào” thiếu hụt tài năng. Mấy năm cũng chỉ từng ấy khuôn mặt, thậm chí có cả tuyển thủ lập gia đình, có con rồi vẫn được mời vào đội tuyển.

VFF có phần bám vào những thành tích của đội tuyển nữ, theo kiểu có lúa trời thì cứ gặt chứ chưa thấy một chiến lược dài hơi nào. Vì thế, dù tuyển nữ Việt Nam có thành công ở Asian Cup lần này và được dự World Cup hay không thì nhiệm kỳ 7 của VFF vẫn phải đưa ra bản kế hoạch phát triển bóng đá nữ mang tính căn cơ và khoa học để có cơ sở hiện thực hóa giấc mơ World Cup, dựa trên sự hưng phấn và những quan tâm mà xã hội đã dành cho ở thời điểm này.

VIỆT QUANG

Tin cùng chuyên mục