
Đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của TPHCM nhằm đảm bảo tốc độ tăng trưởng GDP đạt 12,7% trong năm 2008. Để làm được việc này, TPHCM vừa giao cho Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TPHCM (ITPC) triển khai hàng loạt đề án liên quan đến việc hỗ trợ doanh nghiệp (DN) đẩy mạnh năng lực cạnh tranh xuất khẩu. PV Báo SGGP đã phỏng vấn ông Trương Trọng Nghĩa (ảnh), Giám đốc ITPC, xoay quanh nội dung các dự án này.
* PV: Thưa ông, ngày 12-5 vừa qua ITPC đã báo cáo UBND TPHCM về việc lập đề án hỗ trợ xây dựng “Thương hiệu Việt hợp chuẩn quốc tế” giai đoạn 2008-2010. Mục đích của đề án này là gì?

* Ông TRƯƠNG TRỌNG NGHĨA: Vừa qua, UBND TPHCM đã chính thức phê duyệt chương trình chuyển dịch cơ cấu hàng xuất khẩu trên địa bàn TP giai đoạn 2008 - 2010, tầm nhìn đến năm 2020. Đề án hỗ trợ DN chỉ là 1 trong 16 chương trình nhánh của chương trình chuyển dịch cơ cấu hàng xuất khẩu.
Mục đích của đề án là giúp các DN đẩy mạnh sản phẩm mang thương hiệu của mình ra thị trường thế giới, đồng thời rút ngắn khoảng cách về chất lượng giữa thương hiệu quốc tế với thương hiệu Việt, đảm bảo việc tuân thủ các tiêu chuẩn kỹ thuật do thị trường xuất khẩu đưa ra.
Có 3 chương trình được triển khai đồng bộ trong dự án, là: hỗ trợ thương hiệu VN đạt hợp chuẩn quốc tế; đào tạo cán bộ makerting xuất khẩu; hỗ trợ DN xâm nhập thị trường và xuất khẩu trọn gói. 3 chương trình tạo thành một chương trình tổng thể hợp chuẩn khắc phục được nhược điểm là nhiều sản phẩm VN đã được tiêu thụ ở nước ngoài nhưng dưới tên gọi của “người khác”.
* Trước khi lập đề án, ITPC có khảo sát thực trạng DNVN cũng như thương hiệu Việt chưa?
* Chúng tôi có nghiên cứu và tổng hợp tình hình chung các vấn đề về hàng xuất khẩu VN. Chẳng hạn, tại sao chúng ta xuất khẩu nhiều hàng sơ chế, trong khi các đối tác mua rồi đem về tinh chế, làm cho nó hợp chuẩn quốc tế, gắn thương hiệu của họ vào,... Đây chính là giá trị gia tăng rất lớn nhưng DNVN vẫn không làm được. TPHCM hiện có hàng trăm ngàn công ty nhưng nếu nói về thương hiệu thì chúng ta chưa có thương hiệu. Hiện mới chỉ có khoảng 5.000 công ty được cấp các giấy chứng nhận hợp chuẩn trong nước và quốc tế; khoảng 450 sản phẩm có giấy chứng nhận sản phẩm của 150 DN. Con số này cực kỳ thấp!
* Kinh phí của đề án này là bao nhiêu? ITPC có đặt mục tiêu đến năm 2010 có bao nhiêu DN sẽ được cấp giấy chứng nhận không?
* ITPC đang đề xuất với UBND TP kinh phí cho đề án là 1,2 tỷ đồng. Trước mắt đề án sẽ kéo dài đến năm 2010. Chúng tôi không đặt mục tiêu cụ thể cho đề án này là bao nhiêu. Tôi muốn qua bước 1 (cung cấp thông tin) sẽ lôi cuốn các DN vào và để các DN tự phát biểu nhu cầu của mình, từ đó sẽ tiến hành các bước quan trọng hơn.
* Theo ông, bây giờ mới lập đề án hỗ trợ DN xây dựng thương hiệu, liệu có chậm quá không?

Sản xuất chỉ xuất khẩu ở Công ty liên doanh Coats Phong Phú. Ảnh: ĐỨC THÀNH
* Không phải đến bây giờ chúng ta mới xây dựng các chương trình hỗ trợ DN mà từ trước đây chúng ta đã có chương trình hỗ trợ xây dựng các sản phẩm chủ lực; xây dựng các tiêu chuẩn kỹ thuật… nhưng hầu hết đều bị gián đoạn vì nhiều lý do. Chương trình này chúng tôi khởi động trở lại khi VN đã gia nhập WTO nên các quy chuẩn rất rõ ràng, công khai, minh bạch; các thế mạnh và yếu của DNVN đã bước đầu bộc lộ nên theo tôi, đây là thời điểm thích hợp.
* Ngoài chương trình này, ITPC còn triển khai dự án nào để hỗ trợ DN xuất khẩu?
* Song song với dự án này, chúng tôi đang thực hiện một dự án hợp tác với CBI (Tổ chức xúc tiến thương mại và đầu tư Hà Lan), đó là xây dựng cổng thông tin về thị trường, về khách hàng qua internet. Dự án này có tên MIS (hệ thống thông tin thị trường) nhằm giúp các DN có điều kiện tìm hiểu về thị trường thế giới chứ không riêng Hà Lan. Trước mắt, chúng tôi đang xây dựng cổng thị trường EU, đồng thời tập hợp các thị trường xuất khẩu chủ lực khác của VN như Mỹ, Nhật, Trung Quốc hoặc ASEAN,…
* Cơ sở dữ liệu của hệ thống thông tin này là từ đâu?
* Từ các điều tra của ITPC và từ CBI. Đây là một hỗ trợ rất lớn vì CBI đang có bản quyền về các dữ liệu toàn cảnh thị trường thế giới. Nhưng để chuyển giao cho ITPC, CBI ra điều kiện là phục vụ miễn phí DN chứ không nhằm mục đích kinh doanh! Kinh phí chung cho hệ thống là hơn 10 tỷ đồng, trong đó 60% là do Hà Lan tài trợ. Hệ thống có 3 cấu phần: nhu cầu thị trường, từng sản phẩm; nhu cầu nhà nhập khẩu và xúc tiến đầu tư (phục vụ cho nhà đầu tư nước ngoài). Hệ thống này có 2 thứ tiếng Việt và Anh. Chúng tôi đang cố gắng triển khai để có thể ra mắt vào tháng 9-2008 sắp tới.
* Hệ thống này, liệu có thay thế được thông tin thị trường từ các thương vụ VN ở nước ngoài không thưa ông? Tiêu chính của MIS là gì?
* Mỗi công cụ có một chức năng riêng. MIS sẽ đảm bảo việc cung cấp thông tin một cách kịp thời, chính xác nhất từ thị trường thế giới theo đúng tiêu chí phải tươi, mới như sữa tươi!
* Với những dự án ông vừa đề cập, có thể thấy TPHCM đang triển khai đồng bộ các dự án để hỗ trợ DN xuất khẩu?
* Đúng như vậy. Riêng hệ thống MIS có thể nói là khá đồ sộ và sử dụng công nghệ cao. Tôi đang lo với những dự án này sẽ quá sức của ITPC vì phải có nhân lực và kinh phí. Nếu không có sự góp sức của UBND TP thì sẽ khó có thể triển khai được vì như tôi đã nói, yêu cầu của các chuyên gia CBI thì những thông tin đưa lên MIS phải tươi, mới.
HẢI HÀ