Sacombank

Hỗ trợ nông dân và doanh nghiệp mía đường

Hỗ trợ nông dân và doanh nghiệp mía đường

“Sacombank sẽ hỗ trợ doanh nghiệp mía đường trong quá trình cổ phần hóa!” Ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) đã khẳng định như vậy tại hội thảo tư vấn về quản trị chiến lược trong tiến trình cổ phần hóa cho hơn 20 nhà máy đường từ miền Trung trở vào.

  • Xây dựng phương án cổ phần hóa

Cổ phần hóa doanh nghiệp mía đường không nằm ngoài mục tiêu nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, góp phần huy động vốn trong dân vào quá trình sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên có một thực tế là cổ phần hóa diễn ra chậm và còn khép kín trong nội bộ doanh nghiệp mía đường, dẫn đến hạn chế thu hút nhà đầu tư tiềm năng về vốn, công nghệ và trình độ.

Hỗ trợ nông dân và doanh nghiệp mía đường ảnh 1

Samcombank cho doanh nghiệp mía đường vay để cổ phần hóa.

Phần lớn những doanh nghiệp thành công sau khi cổ phần hóa đều có tỷ lệ vốn nhà nước nắm giữ thấp (khoảng 18% như Công ty Đường Lam Sơn); trong khi các doanh nghiệp chưa thành công nhà nước vẫn còn nắm giữ 50% vốn cổ phần. Những doanh nghiệp đã cổ phần hóa không thành công vì chưa xây dựng được phương án phù hợp về chiến lược sở hữu, dẫn đến xung đột quyền lợi và trách nhiệm giữa các cổ đông.

Theo ông Đặng Văn Thành, thường sau cổ phần hóa, các doanh nghiệp mía đường luôn đối mặt với các thách thức như các cơ quan quản lý vẫn xem các doanh nghiệp mía đường như những doanh nghiệp nhà nước, người lao động vẫn có thói quen làm việc thụ động và ban điều hành luôn chịu áp lực về cổ tức.

Ông Đặng Văn Thành cho biết Sacombank sẵn sàng là nhà tư vấn cho doanh nghiệp trong quá trình cổ phần hóa và tư vấn về quản trị sau cổ phần hóa. Với chiến lược được xây dựng bài bản sẽ giúp doanh nghiệp mở rộng thị phần và tăng khả năng cạnh tranh, tăng hiệu quả hoạt động kinh doanh và đầu tư vào lĩnh vực mới.

Sacombank còn cho cán bộ, công nhân viên vay để tham gia mua cổ phần, đồng thời ngân hàng cũng góp vốn mua cổ phần của doanh nghiệp. Thời gian qua Sacombank đã đầu tư vốn vào các doanh nghiệp mía đường như Công ty Đường Lam Sơn (11%), Công ty Đường Biên Hòa (11%)… và thực tế từ sự hỗ trợ của Sacombank các doanh nghiệp này rất thành công sau khi cổ phần hóa.

  • Cầu nối cho doanh nghiệp và người dân

Làm sao cho nông dân có lời, nhà máy có lãi, đường không nhập lậu đang là bài toán cho ngành đường nước ta hiện nay. Theo ông Nguyễn Ngọc Thành, Giám đốc Công ty Mía đường Tây Ninh, ngành mía đường đang gặp nhiều khó khăn do chưa được quy hoạch vùng nguyên liệu, người dân trồng mía lại không bán cho nhà máy mà lại bán qua “cò mía” gây khuynh đảo giá nguyên liệu mía.

Tình trạng nhiều nhà máy chạy không quá 20% công suất, không có kho trung chuyển và thiếu vốn đã làm cho doanh nghiệp mía đường ngày càng khó tiếp cận vốn ngân hàng. Giải bài toán này, ông Đặng Văn Thành cho biết Sacombank dự kiến sẽ đầu khoảng 300 tỷ đồng cho ngành mía đường trong thời gian tới và thực hiện bao thanh toán cho các đại lý nhằm giảm thiểu rủi ro cho doanh nghiệp. Nếu đúng thời hạn đại lý không thanh toán, ngân hàng sẽ trả cho doanh nghiệp.

Đặc biệt Sacombank sẽ tài trợ vốn cho nông dân trồng mía thông qua nhà máy bằng cách hỗ trợ vốn để ứng dụng giống mới, công nghệ mới, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất…

Để làm được điều này ngân hàng sẽ kết hợp với doanh nghiệp và địa phương thành lập hệ thống khuyến nông, tuyển lựa giống tốt và thành lập công ty cho thuê mua tài chính nhằm cho thuê máy móc thiết bị trong thời gian tới. Ngoài ra để tránh rủi ro về giá cả, doanh nghiệp mía đường nên hợp tác với công ty bảo hiểm trong việc bảo hiểm về giá của nguyên liệu cũng như sản phẩm hàng hóa. 

TRÚC – NGHI

Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, đến nay mới chỉ có 3 công ty (4 nhà máy đường) được cổ phần hóa; 3 công ty có quyết định cho phá sản (Quảng Bình, Quảng Nam, Bình Thuận); 3 nhà máy giải thể; 8 nhà máy không đủ điều kiện chuyển đổi cổ phần hóa được đề nghị bán 7; nhà máy đang làm thủ tục cổ phần hóa.

Tin cùng chuyên mục