Hoàn chỉnh nhanh hạ tầng giao thông liên vùng

Các dự án đường vành đai trên địa bàn TPHCM được thực hiện với tiến độ rất chậm. Dự án đường Vành đai 2 dài hơn 64km, đến nay vẫn còn 3 đoạn dài tổng cộng 10km chưa được đầu tư do vướng mắc trong việc giải phóng mặt bằng và di dời hạ tầng kỹ thuật.

Hiện diện tích mặt bằng bàn giao chỉ đạt chừng 50%, trong khi nhiều khu vực đã bàn giao mặt bằng lại không liên thông. Dự án đường Vành đai 3 (đi qua Long An, TPHCM, Bình Dương và Đồng Nai, với tổng chiều dài 97km), đến nay mới chỉ đầu tư đưa vào khai thác đoạn Mỹ Phước - Bình Chuẩn, dài 16km thuộc tỉnh Bình Dương.

Dự án đường Vành đai 4 (đi qua Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, TPHCM và Long An, dài 198km) dự kiến xây dựng trong 3 năm, bắt đầu từ quý 1-2017, nhưng đến nay vẫn đang trong giai đoạn đền bù giải phóng mặt bằng.

Sự khởi động chậm trễ của các tuyến vành đai nói trên đã ảnh hưởng đến nhiều công trình hạ tầng khác. Đơn cử như tại quận Bình Tân, các công trình chống ngập, đường trên cao, đường kết nối… không thể triển khai hoặc chưa thể hoàn thành vì vướng các quy hoạch về đường vành đai.

Với sự phát triển quá nhanh của các phương tiện giao thông, nhưng nhiều năm qua, hạ tầng giao thông ở TPHCM lại không có sự phát triển tương xứng. Tình trạng ùn tắc, kẹt xe ngày càng tăng đến mức trầm trọng.

Việc xây dựng hoàn chỉnh các tuyến đường vành đai là rất cần thiết, giao thông TPHCM sẽ kết nối với các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu, tạo thành vành đai khép kín từ phía ngoài. Từ đây sẽ kéo giảm lượng lớn phương tiện không cần thiết phải đi xuyên qua TPHCM, góp phần giảm áp lực giao thông cho TP.

Trước tình trạng trên, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể vừa yêu cầu các đơn vị trực thuộc, phối hợp với đơn vị thực hiện dự án xây dựng báo cáo chi tiết việc cân đối nguồn vốn giải phóng mặt bằng của các địa phương liên quan để trình Chính phủ xem xét, chỉ đạo thúc đẩy tiến độ giải phóng mặt bằng dự án đường Vành đai 3.

Riêng đường Vành đai 4, Bộ GTVT sẽ làm việc với lãnh đạo TPHCM và tỉnh Long An để lấy ý kiến, gửi văn bản đề xuất Chính phủ chấp thuận giao tỉnh Long An thực hiện đầu tư đoạn Bến Lức - Hiệp Phước.

Đây là những dự án cần nguồn vốn lớn, do đó cũng nên kêu gọi các nhà đầu tư có tiềm lực, tránh để thời gian kéo dài, vì càng chậm thì vốn đầu tư càng tăng.

Sau khi dự án hoàn thành, giá trị đất được nâng cao, các nhà đầu tư bất động sản sẽ được hưởng lợi, do vậy, các dự án giao thông lớn cần kêu gọi sự đầu tư của nhà đầu tư bất động sản.

Trên thực tế, các tuyến đường vành đai 2, 3, 4 nếu được đẩy nhanh tiến độ thi công thì càng có lợi cho TPHCM, giảm thiểu được nhiều chi phí phát sinh và chia sẻ áp lực giao thông cho khu vực nội thành, tạo bộ mặt mới hơn cho đầu tàu kinh tế của cả nước.

Tin cùng chuyên mục