Hoàn thành dự án bảo tồn khẩn cấp 500 mộc bản triều Nguyễn

Chiều 25-5, Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước , Bộ Nội vụ tổ chức Lễ công bố khánh thành Dự án “Bảo tồn khẩn cấp Mộc bản Triều Nguyễn - Di sản Tư liệu thế giới” hiện đang được bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia Việt Nam IV tại Đà Lạt, Lâm Đồng .

Khánh thành Dự án “Bảo tồn khẩn cấp Mộc bản Triều Nguyễn - Di sản Tư liệu thế giới”. Video: ĐOÀN KIÊN

Dự án do Quỹ Bảo tồn Văn hóa của Đại sứ quán Hoa Kỳ (AFCP) tài trợ với kinh phí hơn 88.000 USD.

Bắt đầu từ tháng 8-2020, nhóm kỹ thuật thuộc dự án đã tiến hành khảo sát, xác định, đánh giá mức độ hư hỏng (nấm mốc, mối mọt) và tiến hành xử lý khẩn cấp 500 tấm Mộc bản triều Nguyễn lưu trữ tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV.

Mộc bản Triều Nguyễn đang lưu giữ tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia Việt Nam IV

Mộc bản Triều Nguyễn đang lưu giữ tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia Việt Nam IV

Trong số này, có 114 mộc bản hư hỏng nặng và 386 mộc bản hư hỏng trung bình. Các chuyên gia đã sử dụng phương pháp phủ màng bảo vệ đã được nghiên cứu và sử dụng ở nhiều nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp,…

Các chữ sắc nét, không có hiện tượng nhòe chữ trên mộc bản sau khi được xử lý

Các chữ sắc nét, không có hiện tượng nhòe chữ trên mộc bản sau khi được xử lý

Kết quả cho thấy các chữ sắc nét, không có hiện tượng nhòe chữ, mộc bản được bảo tồn, góp phần khôi phục những thông tin còn thiếu để bổ sung vào cơ sở dữ liệu Mộc bản triều Nguyễn phục vụ khai thác, sử dụng vào các mục đích khác nhau của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Marc E. Knapper (trái) tại buổi lễ công bố

Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Marc E. Knapper (trái) tại buổi lễ công bố

Qua phân loại, số mộc bản cần phục hồi, gia cố do bị nứt nhiều là 2.355 tấm; mộc bản suy thoái do mối mọt, nấm mục là 2.418 tấm; có 108 mộc bản không xác định được nội dung do nấm, mối mọt.

Mộc bản Triều Nguyễn đang lưu giữ tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia Việt Nam IV gồm 34.555 mộc bản khắc chữ Hán. Nội dung của Mộc bản Triều Nguyễn phong phú, đa dạng, phản ánh mọi mặt của xã hội Việt Nam thời Nguyễn; được khắc trên gỗ và được sử dụng để in sách ở Việt Nam trong suốt thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20.

Tin cùng chuyên mục