Hoàn thiện cơ chế kiểm soát giá, bao giờ?

Cứ vào dịp lễ, tết, các bà nội trợ nói riêng và người tiêu dùng nói chung lại đối diện với việc giá cả tăng vô tội vạ. Để người tiêu dùng “thoải mái” móc hầu bao, những người kinh doanh đưa ra đủ mọi lý do. Nào là, trong lúc mọi người vui chơi, người kinh doanh, người làm dịch vụ phải “đổ mồ hôi, sôi nước mắt”, phải lấy đêm làm ngày; các nhà xe thì đưa ra lý do chiều rỗng (chiều ít khách) để “xin” phụ thu…

Nhìn ở góc độ kinh tế, tất cả những vấn đề đó đều được cơ chế thị trường điều tiết. Nếu người kinh doanh, người làm dịch vụ “quá tay” thì lập tức thị trường sẽ điều chỉnh. Những lập luận trên, hoàn toàn có lý, có cơ sở khoa học, nếu như chúng ta có cơ chế kiểm soát hoàn chỉnh. Rất tiếc trên thực tế, đây lại là “yếu huyệt” của chúng ta.

Hậu quả là những ngày lễ, dù kéo dài, người dân vẫn ngại đi du lịch bởi nỗi lo bị “chặt chém” – căn bệnh nan y của du lịch Việt Nam. Ngay việc đến các điểm vui chơi, giải trí cũng bị hạn chế, bởi giá gởi xe thì tăng gấp đôi, gấp ba; ly nước, cái bánh… đều tăng vọt. Người chịu thiệt hại nhất vẫn là người nghèo, thu nhập thấp. Tết, lễ với người nghèo, đôi khi nặng nề là vì vậy.

Để hạn chế tình trạng này, góp phần bình ổn thị trường, TPHCM đã có những giải pháp tích cực. Những năm gần đây, lễ tết không còn là nỗi lo của người tiêu dùng TPHCM nếu đi vào mua sắm ở các siêu thị. Tết vừa rồi, khi có thêm sự tham gia của một số doanh nghiệp lớn thì lập tức giá cả được bình ổn không chỉ ở siêu thị mà đã lan ra các chợ, nhất là đối với những mặt hàng thiết yếu.

Gương mặt những bà mẹ, người chị trong các hộ nghèo đã tươi tỉnh hơn khi giỏ đi chợ đã không quá nhẹ tênh. Chủ trương kích cầu tiêu dùng đã thêm vào giỏ của họ lạng thịt, gram cá, bó rau nhờ các chương trình khuyến mãi… Dù ít, thì tất cả những động thái đó cũng làm cho cuộc sống người dân nhẹ nhõm phần nào trong lúc kinh tế khó khăn, thất nghiệp có nguy cơ gia tăng.

Tuy vậy, không phải không có những người kinh doanh thiếu lương tâm, thiếu trách nhiệm xã hội. Bất chấp những nỗ lực của Nhà nước, của cộng đồng trong việc giảm bớt khó khăn cho người dân, họ chực chờ để kiếm lợi bất chính. Xăng tăng giá dù chỉ vài trăm đồng cũng là lý do; rồi lương tối thiểu tăng, nước tăng, điện tăng… dù đôi khi không liên quan gì đến “đầu vào, đầu ra” cũng trở thành lý do… Trong tình hình đó, ngoài kêu gọi lương tâm của người kinh doanh thì xử lý thích đáng những người “té nước theo mưa” là việc các cơ quan chức năng phải thực hiện nghiêm túc, có trách nhiệm hơn nữa. Quan trọng nhất là cơ chế kiểm soát giá cả phải nhanh chóng được hoàn thiện.

Trước mắt, các cấp, các ngành cần thực hiện nghiêm chỉ đạo mới đây của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường kiểm soát thị trường, trong đó tập trung vào việc kiểm tra, kiểm soát việc tuân thủ các quy định về niêm yết giá và bán theo giá niêm yết; ngăn chặn việc đầu cơ găm hàng, tăng giá trái quy định; kịp thời phát hiện và có biện pháp xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật. Thực ra, đây là việc làm thường xuyên của các cấp, các ngành có liên quan. Chỉ có điều, không phải lúc nào cũng đạt được hiệu quả như mong muốn.  

LÊ NHẬT HUY

Tin cùng chuyên mục