Hoàn thiện đồ án quy hoạch làng cổ Đường Lâm: Không có nhà 2 tầng trong lõi di sản

Giữ nguyên vùng bảo tồn
Hoàn thiện đồ án quy hoạch làng cổ Đường Lâm: Không có nhà 2 tầng trong lõi di sản

Nhằm thống nhất phương án Quy hoạch bảo tồn tôn tạo phát huy giá trị di tích làng cổ Đường Lâm, các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực bảo tồn, đại diện đơn vị quản lý như Sở VH-TT-DL Hà Nội, Sở QH-KT, Sở Xây dựng, UBND thị xã Sơn Tây đã một lần nữa cùng ngồi lại phân tích, mổ xẻ những khó khăn, vướng mắc để tìm ra hướng giải quyết hợp lý đối với di sản đặc biệt này.

Những ngôi nhà xây bằng vật liệu truyền thống làm tăng giá trị của làng cổ Đường Lâm.

Những ngôi nhà xây bằng vật liệu truyền thống làm tăng giá trị của làng cổ Đường Lâm.

Giữ nguyên vùng bảo tồn

Theo nội dung dự thảo Đồ án quy hoạch xây dựng làng cổ Đường Lâm do Viện Bảo tồn di tích xây dựng, ranh giới bảo tồn vẫn tiếp tục được giữ nguyên với 5 thôn Mông Phụ, Đông Sàng, Đoài Giáp, Cam Lâm, Cam Thịnh. Trọng tâm bảo tồn di tích là thôn Mông Phụ với cấu trúc đường làng ngõ xóm. Di sản này được soi chiếu với các giá trị: quần thể kiến trúc, các công trình văn hóa dân gian (đình chùa miếu cổng làng), các công trình công cộng, không gian cảnh quan truyền thống, giá trị sinh thái nhân văn và giá trị phi vật thể…

Trong những cuộc họp đã được tổ chức trước đây đã từng có ý kiến cho rằng, đối với những ngôi nhà cấp 4, trong khu vực 1 có thể cho xây 2 tầng với vật liệu và kiến trúc phù hợp cảnh quan thì dự thảo quy hoạch lần này khẳng định: chỉ cho phép xây nhà 1 tầng, bảo tồn triệt để không gian cổ. Các ngôi nhà được nghiên cứu và phân ra làm 4 loại tùy theo giá trị niên đại và kiến trúc.

Theo Viện Bảo tồn di tích, việc phân loại giúp các nhà bảo tồn có chính sách ứng xử khác nhau. Các chuyên gia về bảo tồn cho rằng, nếu bảo tồn được nguyên vẹn cả 5 thôn sẽ rất có lợi khi Đường Lâm ra tranh cử di sản thế giới. Tuy nhiên, vào thời điểm hiện tại, chúng ta chưa có đủ khả năng. Ở vùng bảo tồn cấp 2, quy hoạch bảo tồn Đường Lâm có vẻ như nới rộng các cơ chế về xây dựng hơn một chút. Cho phép xây dựng 2 tầng, kiến trúc truyền thống là mái ngói, khuyến khích trồng cây xanh phía trước công trình, không sơn màu sặc sỡ, không để bình inox trên mái.

Những nhà xây 2 tầng phải có khoảng lùi với các ngôi nhà được xếp hạng ở đường liên thôn và liên xã từ 8 - 15m, trong ngõ sâu tối thiểu là 3m. Xây 2 tầng không được chia nhỏ đất, trên hạ tầng, khống chế chiều cao 2 tầng là 10,2m. Những nhà đã xây 3 tầng (trước thời điểm công nhận di sản năm 2005) sẽ kiến nghị thấp xuống với tối đa 2 tầng.

Nhận xét về dự thảo quy hoạch, GS Phan Huy Lê nhấn mạnh, đứng về phương diện bảo tồn cần nghiêm chỉnh thực hiện Luật Di sản nên khu vực 1 phải bảo tồn, không có lý do gì cho xây nhà 2 tầng. Nếu cấp phép một lần thì chỉ vài tháng là xóa sổ di sản khu vực này. Ai chủ trương xây dựng nhà 2 tầng khu vực 1 là phạm luật. GS-TS Trần Lâm Biền tán đồng với góp ý của một giáo sư người Nhật Bản đã từng gắn bó với Đường Lâm trong những ngày đầu. Vị giáo sư này cho rằng: Khi đã nới lỏng luật pháp một lần sẽ rơi vào tình trạng không thể cứu vãn. Đây là điều đi ngược quyết định di sản quốc gia.

Ông Trần Đình Thành, Phó Trưởng phòng Quản lý di tích Cục Di sản, cũng đồng tình với việc khu vực bảo vệ 1 - vùng lõi di sản sẽ không xây nhà 2 tầng vì ở trong thôn Mông Phụ, ngoài giá trị nhà cổ còn có giá trị cảnh quan.

Phải nghe tiếng nói của dân

Theo PGS-TS Đặng Văn Bài, hiện tại ở Việt Nam có khoảng 90.000 ngôi làng thuần nông, trong đó chỉ có 2 làng được công nhận di sản là Phước Tích (Huế) và Đường Lâm (Hà Nội). “Chúng ta chưa giải thích và có những việc làm cụ thể để dân hưởng và nắm được quyền lợi ấy. Trong khi đó, lợi ích chỉ rơi vào một số ít nhà trong làng, việc so bì là chuyện đương nhiên”, PGS-TS Đặng Văn Bài thẳng thắn. Vì thế mục tiêu trước hết phải cải thiện chất lượng sống, điều kiện ăn ở, việc làm. Tạo sự bình đẳng cho người dân tham gia. Việc bảo tồn di sản Đường Lâm chính là đầu tư cho ngành công nghiệp không khói nên sẽ đem lại nhiều lợi nhuận như đã từng mang lại nguồn thu lớn tại vịnh Hạ Long hay cố đô Huế.

PGS-TS Đặng Văn Bài tin tưởng, nếu tiếp cận đúng hướng, Đường Lâm sẽ là một mô hình hoàn hảo như Hội An. Bên cạnh việc yêu cầu giữ nguyên gốc một cách tối đa, cần có các mẫu nhà cho người dân chọn lựa, việc chọn theo mẫu này sẽ bớt phiền hà cho dân khi xin thỏa thuận từ Cục Di sản trong xây dựng nhà ở.

Là một trong những người tâm huyết với Đường Lâm, GS Phan Huy Lê cho rằng, nếu chỉ bàn về xây dựng ở Đường Lâm thì không giải quyết được tận gốc vấn đề bởi lẽ xung đột ở đây không phải do mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển mà do chính nhà quản lý chưa nhận thức được giá trị cũng như cách thức phải bảo tồn di sản như thế nào. “Việc chúng ta bảo tồn tốt di sản không chỉ có ý nghĩa lớn cho cuộc sống, nó còn là nguồn tài nguyên mang lại lợi ích kinh tế. Phát triển tốt sẽ đưa lại bảo tồn tốt. Chúng ta đừng trốn tránh trách nhiệm cho rằng bảo tồn và phát triển có xung đột”, GS Phan Huy Lê nói.

Theo GS Phan Huy Lê, ngoài quy hoạch, chúng ta phạm vào sai lầm lớn là chưa thẩm định và hiểu biết sâu sắc về quyền lợi cộng đồng. Vì họ sống cùng với di sản, góp phần bảo tồn di sản. Sự bùng nổ của Đường Lâm là do chúng ta chưa giải quyết thỏa đáng quyền lợi của cộng đồng. Trong mọi vấn đề không có cách nào tốt hơn là tuyên truyền, lắng nghe tiếng nói của dân.

MAI AN

Tin cùng chuyên mục