Hoạt động giám sát của Quốc hội đi vào lĩnh vực người dân bức xúc

“Thủ tục hành chính trong nhiều lĩnh vực dù đã được cải cách rút ngắn hơn nhưng thực tế vẫn còn quá rườm rà. Địa phương dù rất muốn đơn giản hóa thủ tục để giảm bớt nhiêu khê cho người dân nhưng cũng đành bó tay vì thẩm quyền giải quyết, điều chỉnh các văn bản quy phạm pháp luật lại thuộc Trung ương”- Chủ tịch HĐND TPHCM Phạm Phương Thảo đã phát biểu như vậy tại buổi làm việc với Đoàn khảo sát về Đề án Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội do bà Lê Thị Thu Ba, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội làm trưởng đoàn vào sáng 17-3.    

Tăng số lượng, không tăng chất lượng

Nhiều tồn tại, hạn chế trong hoạt động giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội tại TPHCM đã được ông Trần Du Lịch, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM làm “nóng” lại tại hội nghị. Đó là, số cuộc giám sát tại cơ sở thời gian qua tuy có tăng lên nhưng nhìn chung vẫn chưa sâu; một số cuộc giám sát chỉ nghe đơn vị báo cáo và chưa làm rõ từng vấn đề.

Đặc biệt, nhiều vấn đề khi khảo sát thực tế lại không sáng sủa như các cơ quan chức năng báo cáo như: tình hình thất nghiệp và giải quyết việc làm trong năm 2009, tình trạng san lấp kênh rạch. Đặc biệt, việc giám sát văn bản quy phạm pháp luật nhìn chung chưa thực hiện được. “Nhiều kiến nghị sau giám sát chưa được cơ quan hữu quan có văn bản trả lời chính thức”, ông Trần Du Lịch nhấn mạnh.

Nhìn ở góc độ quản lý, điều hành, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Thu Hà, thẳng thắn: Chương trình hoạt động giám sát của các ủy ban của Quốc hội chưa hợp lý, nhiều nội dung có liên quan nhưng thiếu phối hợp giữa các đoàn giám sát, giữa công tác giám sát của các cơ quan Trung ương với giám sát của HĐND địa phương dẫn đến tình trạng chồng chéo trong hoạt động kiểm tra, giám sát giữa các cơ quan.

Bà Nguyễn Thị Thu Hà dẫn chứng, chỉ trong năm 2008, UBND TPHCM đã tiếp và làm việc với 56 đoàn giám sát của Quốc hội, các ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND TPHCM. Cũng trong năm 2008, xuất hiện trường hợp một đối tượng giám sát nhưng được thực hiện nhiều lần. Bằng chứng, việc giám sát thực hiện Nghị quyết 16 về thí điểm tổ chức quản lý dạy nghề và giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện ma túy (5 cuộc, trong đó có 2 cuộc cùng 1 cơ quan giám sát thực hiện và 3 cuộc do 3 cơ quan khác).

Phương pháp giám sát mang tính truyền thống vì chủ yếu nghe báo cáo và kiến nghị của các cơ quan quản lý nhà nước, các địa phương có liên quan, dẫn đến tính trạng giám sát một chiều, ít tranh luận. “Mỗi khi có đoàn kiểm tra, giám sát, UBND TPHCM phải dành nhiều thời gian để chuẩn bị nên phần nào đã ảnh hưởng đến công tác điều hành các hoạt động kinh tế- xã hội chung của TP”, bà Hà nói.

Từ thực tế này, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Thu Hà kiến nghị: “Rất cần tăng cường công tác phối hợp giám sát giữa các đoàn giám sát để khắc phục tình trạng một đối tượng bị giám giám sát nhiều lần”.

Giảm từ 33 xuống 8: dân vẫn khổ!

Ở một góc nhìn khác, Chủ tịch HĐND TPHCM Phạm Phương Thảo cho rằng, hoạt động giám sát của Quốc hội phải nâng cao chất lượng hơn nữa mới có thể đáp ứng được yêu cầu thực tiễn. Nhiệm vụ đoàn giám sát của Quốc hội phải phát hiện ra những vấn đề xung đột của các quy định để kiến nghị điều chỉnh, sửa đổi. Vấn đề gây bức xúc hàng đầu của người dân là thủ tục hành chính ở nhiều lĩnh vực còn rườm rà. Riêng thủ tục liên quan đến nhà, đất dù từ 33 bước đã được rút xuống còn 8 bước, song thực tế thủ tục cấp sổ hồng, sổ đỏ còn quá nhiêu khê, dân còn kêu rất nhiều.

“Để giảm bớt khổ sở cho dân khi làm loại thủ tục này, TP rất muốn tự chủ động tháo gỡ những vướng mắc, nhưng “bó tay” vì đây là trách nhiệm của Trung ương”, Chủ tịch HĐNDTP Phạm Phương Thảo bức xúc. Từ đó, bà kiến nghị qua thực tiễn các cuộc giám sát tại TPHCM, các đoàn giám sát cần kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành liên quan nhanh chóng tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn phát sinh từ cuộc sống, nhằm đáp ứng nhu cầu của nhân dân.

Ngoài ra, Đoàn đại biểu Quốc hội TP kiến nghị tăng số lượng đại biểu Quốc hội chuyên trách để nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội trên các lĩnh vực, trong đó có hoạt động giám sát; sớm có quy chế riêng về chất vấn và trả lời chất vấn để khắc phục tình trạng các cơ quan trả lời chất vấn lòng vòng, né tránh, trả lời chậm so với quy định…

Đặc biệt, TPHCM đề nghị sửa đổi, bổ sung Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội theo hướng quy định việc bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn cần được tổ chức thường xuyên, định kỳ hàng năm, do Ủy ban Thường vụ Quốc hội phát phiếu lấy ý kiến đại biểu Quốc hội.

VÂN ANH

Tin cùng chuyên mục