Nội dung là “Chấm dứt ký hợp đồng lao động làm công tác chuyên môn nghiệp vụ trong cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp đã sử dụng hết biên chế sự nghiệp được giao”. Nhiều nghệ sĩ cho rằng, cần có cơ chế đặc thù đối với các đơn vị nhà hát, hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp.
Cần nói thêm, trong năm 2018, HBSO dù gặp nhiều khó khăn trong công tác tổ chức biểu diễn, nhưng đã đạt được các kết quả đáng khen ngợi. Nhiều suất diễn vũ kịch “cháy” vé; tài năng của nghệ sĩ được nhìn nhận bằng những tràng pháo tay kéo dài của khán giả qua từng suất diễn. Sức cuốn hút của HBSO đối với khán giả TPHCM và du khách quốc tế đã khẳng định được giá trị của các nghệ sĩ 3 đoàn: giao hưởng, nhạc kịch và vũ kịch. Để có được đội ngũ này, từ hơn 10 năm trước, nhà hát đã từng bước thực hiện dự án đầu tư, đào tạo, kêu gọi nhân tài đầu quân vào nhà hát.
Thế nhưng, biên chế thực tiễn của nhà hát đến thời điểm này chỉ có 75 người. Nhiều năm qua, nhà hát phải tự gói ghém trong việc thu - chi để có thể giữ chân một đội quân làm nghề hùng hậu gồm 140 người. Chưa kể vài chục nghệ sĩ, nhạc sĩ là giảng viên, sinh viên Nhạc viện TPHCM, Trường Múa TPHCM… thường xuyên được nhà hát mời về hợp tác biểu diễn trong các chương trình lớn. Như vậy, nếu thực hiện đúng theo công văn chỉ đạo, nhà hát sẽ phải “sa thải” gần 70 nghệ sĩ, diễn viên ngoài biên chế, hiện đang được nhà hát ký hợp đồng dài hạn, ngắn hạn. Trong đó có cả những nghệ sĩ đã có thâm niên 20 năm gắn bó và đóng góp tích cực cho hoạt động chuyên môn.
Thời điểm này, nhà hát đã lên kế hoạch cho hoạt động năm 2019 với những thay đổi tươi mới: Phối hợp với Nhà hát thành phố tổ chức biểu diễn nghệ thuật vào các ngày cuối tuần (thay vì diễn các ngày định kỳ 9, 19, 29 hàng tháng; Liên hoan “Giai điệu mùa thu” diễn ra với điểm nhấn là sự tham gia biểu diễn của NSND Đặng Thái Sơn và các nghệ sĩ ở Bỉ, Mỹ…; xây dựng và trình diễn vở nhạc kịch Dế mèn phiêu lưu ký, vở múa Mùa xuân thiêng liêng…
Nhưng, một khi “sa thải” gần 70 nghệ sĩ, diễn viên ngoài biên chế theo đúng quy định, chắc chắn nhà hát không thể nào duy trì công tác biểu diễn. Chia sẻ với Báo SGGP, NSƯT Trần Vương Thạch, Giám đốc HBSO, trăn trở: “Chúng tôi cần diễn viên, định biên lại không đủ, sử dụng tổng số 140 người mà định biên chỉ có 75 người. Theo đề án vị trí việc làm mà nhà hát đã xây dựng, nhân sự sẽ lên đến 280 người để chuẩn bị tiếp nhận nhà hát mới sẽ xây dựng trong tương lai. Như vậy, số lượng 140 người hiện vẫn là con số khiêm tốn. Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam hiện có 108 biên chế, Nhà hát Nhạc - Vũ kịch Việt Nam có 110 biên chế. HBSO có cả 3 loại hình nghệ thuật lại chỉ có 75 biên chế, là quá thiếu”.
Trước khó khăn này, cách đây 10 ngày, HBSO đã có công văn gửi Sở VH-TT TPHCM, đưa ra các đề xuất như: tăng định biên (năm 2019 tăng 100 biên chế, sau đó có lộ trình tiếp theo…); sáp nhập HBSO với Trung tâm Tổ chức và biểu diễn TPHCM để có phương hướng, giải pháp giải quyết thực trạng khó khăn của nhà hát hiện nay.
Vấn đề nỗi khổ về biên chế sự nghiệp không chỉ thấy ở HBSO, mà còn ở Nhà hát Nghệ thuật hát bội, Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam, Nhà hát Kịch TPHCM… Việc các đơn vị nghệ thuật bị bó buộc về định biên biên chế, khiến nhiều đơn vị khó xoay xở nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu hoạt động chuyên môn. Ý kiến cần thiết phải có cơ chế đặc thù cho hoạt động tổ chức biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp tại TPHCM của các nghệ sĩ rất cần được xem xét.