236 bạn trẻ vừa được Thành đoàn TNCS TPHCM tuyên dương danh hiệu “Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác” năm 2016 là những điển hình thanh niên sống tốt, sáng tạo trong lao động. Họ đã và đang góp phần không nhỏ vào việc xây dựng TPHCM có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình. Để khắc tên mình vào bảng vàng thành tích trên, họ đã học Bác từ những điều nhỏ nhất…
Bài học chống lãng phí
|
17 giờ chiều, tại nhiều phòng làm việc của Trung tâm Bảo trợ Dạy nghề và tạo việc làm cho người tàn tật TPHCM (Sở Lao động - Thương binh - Xã hội TP) chuông đồng hồ bắt đầu reo, nhiều nhân viên làm việc ra về. Riêng Lê Thị Thanh Vân (31 tuổi, Trưởng phòng Tổ chức - Hành chính) vẫn nán lại cơ quan, dạo một vòng quanh các phòng, kiểm tra kỹ lại việc tắt đèn, tắt quạt, khóa nước của nhân viên, học viên. “Sao chị lại làm thay công việc của bảo vệ?”, tôi hỏi. Vân cười tươi và nói: “Nếu việc mình làm thay cho bảo vệ mà đem lại hiệu quả hơn cho cơ quan, giúp được nhiều người thay đổi nhận thức, bỏ được điểm chưa tốt thì vẫn không thừa”, Vân nói. Và nhiều năm qua, Vân đã làm như vậy.
Để thực hành tiết kiệm, thay đổi thói quen xấu - lãng phí của một số nhân viên, học viên ở trung tâm trong việc sử dụng điện, nước, ngoài tham mưu cho lãnh đạo trung tâm tuyên truyền đến các phòng ban, hàng ngày vào giờ giải lao và cuối giờ làm, Vân vẫn đến các nhà vệ sinh, phòng làm việc để khóa nước, tắt quạt khi ai đó quên. Khi phát hiện trực tiếp người sử dụng nước nhưng bỏ ra ngoài không khóa nước, Vân nhẹ nhàng góp ý, nhắc nhở. “Ban đầu, nhiều người tỏ vẻ khó chịu khi thấy mình làm việc này. Tuy nhiên, khi nghe mình phân tích, góp ý thiện chí, họ dần hiểu ra, thông cảm và thực hiện rất nghiêm túc”, Vân chia sẻ. Với công trình này, từ năm 2014 đến nay, Vân đã giúp đơn vị tiết giảm được chi phí hàng trăm triệu đồng. Và ý nghĩa hơn, nhiều người có tính lãng phí trước đây, nay đã cải thiện.
Vân còn được biết đến là người sống tương thân tương ái. Hai năm qua, bằng các mối quan hệ, Vân đã vận động đồng nghiệp, người thân, bạn bè quyên góp gần 900 triệu đồng. Từ nguồn ủng hộ này, Vân đã giúp hàng trăm trẻ em khó khăn được cắp sách đến trường, hàng chục mảnh đời cơ cực vượt khó, vươn lên trong cuộc sống. Chia sẻ về những việc mình làm, Vân nói: “Trong cuộc sống, tôi luôn tự nhủ rằng, mình phải cố gắng sống tốt, không chỉ sống cho riêng mình, mà phải sống cho mọi người (người thân, gia đình và xã hội). Để được vậy, hàng ngày tôi vẫn không ngừng học và làm theo Bác từ những việc nhỏ nhất: biết yêu đồng loại, sống giản dị, không lãng phí…”.
Công nghệ hóa công việc
Làm việc trong ngành y tế dự phòng, Nguyễn Văn Diện - Phó Bí thư Chi Đoàn Trung tâm Y tế dự phòng quận 10, luôn ý thức rằng, chăm sóc tốt sức khỏe cho bé không chỉ là trách nhiệm của phụ huynh, gia đình bé mà còn của cả những cán bộ như mình. Thấy nhiều bé lớn lên bị bệnh, chậm phát triển do không được chích ngừa, uống vaccine đầy đủ, Diện lấy làm day dứt. “Qua tìm hiểu, tôi được biết nguyên nhân bé không được chích ngừa các loại bệnh và uống vaccine đầy đủ là do cha mẹ - người thân của bé không nắm rõ lịch. Bên cạnh đó việc tuyên truyền của địa phương cũng không rộng rãi. Để khắc phục tồn tại này, tôi tìm tòi trên mạng và phát hiện phần mềm SMS gửi tin nhắn từ máy tính có thể hóa giải điều mình day dứt”, Diện nói.
Để thông báo lịch tiêm ngừa, uống vaccine đến phụ huynh bằng phần mềm SMS máy tính, đầu tiên Diện kêu gọi đoàn viên, thanh niên trong đơn vị phối hợp với các phường, khu phố trên địa bàn quận 10 thường xuyên cập nhật danh sách trẻ mới sinh trên địa bàn (cả trẻ ở tạm trú), độ tuổi của bé, họ tên - địa chỉ nhà, số điện thoại của cha mẹ bé. Sau đó lưu trữ trong máy tính, con số này thường xuyên được cập nhật. “Khi gần đến ngày tiêm phòng, uống vaccine, Đoàn thanh niên của trung tâm sử dụng phần mềm SMS máy tính gửi tin nhắn thông báo ngày, giờ, loại thuốc ngừa cần tiêm của bé đến số điện thoại từng phụ huynh. Với cách làm này, hiện nay gần như tất cả trẻ ở quận 10 (cả con em người dân ở trọ) đều được tiêm phòng, uống vaccine đầy đủ. Không chỉ vậy, phần mềm SMS từ máy tính còn được trung tâm sử dụng vào nhiều mục đích khác như: mời - thông báo cho các cơ sở kinh doanh thực phẩm xác nhận kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm, giáo dục sức khỏe…”.
Chia sẻ về phần việc sáng tạo của mình, Diện nói: “Quá trình áp dụng phần mềm có nhiều khó khăn, việc phối hợp địa phương để cập nhật thông tin tên tuổi của bé - phụ huynh mất nhiều thời gian. Tuy nhiên, bằng sự nhẫn nại và tình thương yêu trẻ - thế hệ tương lai của đất nước, tôi tiên phong rồi vận động anh em quyết tâm làm. Và kết quả đã thành công”.
Với những phần việc, công trình sáng tạo mang đầy ý nghĩa nhân văn của Diện, Vân và 234 bạn trẻ được tuyên dương “Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác” năm 2016, họ đã và đang góp phần không nhỏ vào việc xây dựng TPHCM có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình.
PHẠM MINH