Muốn biết World Cup 2014 có ảnh hưởng đến bóng đá Việt Nam đến mức độ nào, cứ xem các tờ báo thể thao sẽ rõ, chưa đến 10% nội dung dành cho bóng đá trong nước.
Vì thế, không biết các nhà quản lý bóng đá Việt có xem nhẹ “virus” World Cup không mà các giải nội địa vẫn lên lịch đá ngay trong thời điểm sôi động nhất của bóng đá thế giới 4 năm mới có một lần. Chỉ nội chuyện đó thôi cũng thấy cái việc học hỏi những tinh hoa thế giới từ World Cup có khoảng cách rất xa giữa nói và làm.
Khi việc xem World Cup đã đi vào máu của người hâm mộ bóng đá Việt Nam thì các nhà quản lý không thể thờ ơ xem World Cup là cái gì đó rất xa, không thể tiếp cận được. Bài học về công nghệ kiếm tiền chẳng hạn. World Cup 2014 diễn ra vào thời điểm từ nửa đêm về sáng, rất nghiệt ngã với dân ghiền bóng đá Việt Nam.
Tại Brazil, các đội toàn phải đá vào đầu giờ chiều trong cái nóng kinh người vùng nhiệt đới Nam Mỹ, chủ yếu là để phục vụ việc bán bản quyền truyền hình tại châu Âu vốn chiếm đến 1/4 tổng doanh thu đem lại cho FIFA đến 4 tỷ USD. Trong khi đó tại Việt Nam, người ta bố trí lịch thi đấu 2 trận “chung kết sớm” của V-League vào thời điểm diễn ra World Cup, lại rơi vào các ngày giữa tuần, nên dường như chẳng mấy ai quan tâm đến sân đừng nói là mở ti vi lên xem.
Hay như chuyện FIFA kiếm được rất nhiều tiền từ World Cup, nhưng họ đã phải chi 1/5 số tiền đó để bù đắp cho sự cống hiến của các cầu thủ và triển khai một chiến dịch truyền thông có quy mô nhất thế giới.
Từ những “cuộc chiến” quảng cáo trên mạng xã hội đến những ứng dụng chi tiết nhất trên điện thoại di động đều được FIFA chăm chuốt kỹ lưỡng, phục vụ dân ghiền bóng đá. Đấy là nguyên tắc: muốn kiếm được nhiều tiền thì phải biết cách đầu tư, đầu tư càng lớn thì tiền sẽ đến nhiều hơn.
Trong khi đó, hơn một thập niên phát triển bóng đá chuyên nghiệp, đến nay bóng đá Việt Nam vẫn cứ quanh quẩn bài toán “con gà và quả trứng”. Không có nhà tài trợ nào chịu đầu tư cho V-League khi hình ảnh của giải đấu này ngày càng xuống cấp do bạo lực, tiêu cực và sự thiếu thốn của công nghệ tiếp thị hình ảnh. Hơn 90% các trận đấu tại V-League được truyền hình trực tiếp, nhưng các nhà tổ chức khoán trắng cho nhà đài theo kiểu “có phát sóng là tốt rồi”.
Bóng đá Việt Nam chưa biết bao giờ mới được góp mặt tại một kỳ World Cup. Đấy là chuyện của thời gian và cả một quá trình cố gắng, khao khát chứ không thể muốn là được. Tuy nhiên, World Cup không hề xa với Việt Nam ở nhiều lĩnh vực khác như mối quan tâm của người hâm mộ, kinh nghiệm từ công nghệ tổ chức và kinh doanh, sự phát triển của chiến thuật bóng đá, bài học từ những quốc gia nhỏ bé nhưng vẫn thi đấu sòng phẳng với những tinh hoa của bóng đá thế giới...
Trong thế giới của quá trình toàn cầu hóa ngày một sôi động hiện nay, bóng đá Việt Nam cũng không thể tự tách riêng mà không bị ảnh hưởng bởi “virus World Cup” lên đời sống bóng đá nội địa. Vậy nên, thay vì xem World Cup là cái gì đó xa vời, có lẽ cần bắt đầu học hỏi ngay từ những chi tiết nhỏ nhất và cũng nên bắt tay vào làm bóng đá trẻ để mơ đến ngày được góp mặt vào sự kiện thể thao quan trọng này.
VIỆT QUANG