Học ôn cuối cấp - Sức ép quá lớn

Học ôn cuối cấp - Sức ép quá lớn

Mặc dù chưa công bố các môn thi tốt nghiệp nhưng thời điểm này, các trường THPT đều trong tư thế ôn tập nước rút với một cuộc chạy đua để đi tới đích: Đạt tỷ lệ đậu tốt nghiệp và đại học cao. Chính vì vậy mà ngày mới của một học sinh lớp 12 đều học và học, thời gian ngủ chỉ được 5 - 6 giờ/ngày… khiến mỗi ngày đến trường của các em trở thành một cực hình.

Học sinh lớp 12 Trường THPT An Lạc quận Bình Tân trong giờ học nhóm môn Hóa. Ảnh: MAI HẢI
Học sinh lớp 12 Trường THPT An Lạc quận Bình Tân trong giờ học nhóm môn Hóa. Ảnh: MAI HẢI

Chạy sô ôn thi
 
“Cả tuần nhiều khi nói chuyện với con chỉ được vài ba câu. 5 giờ sáng con tôi đã phải dậy để đến trường, 23 giờ đêm mới về đến nhà. Thấy con học mà tôi nóng cả ruột. Ngày xưa học có cực như bây giờ đâu?”. Chị Thủy, phụ huynh một học sinh Trường THPT Nguyễn Khuyến than thở. Nhà chị ở quận 3, Trường Nguyễn Khuyến ở đường Cộng Hòa quận Tân Bình. Con chị hàng ngày phải đi xe đạp đến trường vì cả hai vợ chồng đều đi làm xa nên không thể đưa đón con.

Ngay từ đầu năm lớp 12 con chị Thủy phải dậy từ 4 giờ sáng học bài ở nhà, 5 giờ lọc cọc đạp xe đến trường kịp giờ dò bài lúc 6 giờ 20, buổi trưa ăn cơm ở trường, sau đó ở lại học buổi chiều và ôn bài đến 22 giờ 30 mới được về nhà.

Để đảm bảo tỷ lệ tốt nghiệp, đậu đại học, cao đẳng ngay từ đầu năm học, không chỉ có Trường Nguyễn Khuyến mà hầu hết các trường phổ thông ngoài công lập đã đua nhau tăng cường phụ đạo cho học sinh.

Tại Trường THPT dân lập Lương Thế Vinh, học sinh học 2 buổi/ngày với thời khóa biểu rải đều cho 6 môn thi (trong đó có 3 môn được dự đoán có khả năng sẽ thi tốt nghiệp). Nhà trường tiến hành dạy học đại trà tất cả học sinh từ thứ hai đến thứ sáu. Riêng học sinh yếu sẽ có thời khóa biểu thêm vào các ngày thứ bảy và chủ nhật.
 
Tại Trường THPT Trương Vĩnh Ký, học sinh lớp 12 phải học từ 6 giờ 30 sáng đến 8 giờ tối. Buổi sáng, học sinh có mặt tại trường lúc 6 giờ 30 để dò bài, sau đó bắt đầu học đến 11giờ trưa. Buổi chiều, học các môn tăng tiết gồm Toán, Lý, Hóa, Anh đến 16 giờ. Từ 16 giờ - 20 giờ là chương trình “phụ đạo tăng cường” để luyện thi vào đại học.

Trao đổi với chúng tôi, ông Huỳnh Hoa, hiệu phó nhà trường, cho biết: “Tạm thời trường chỉ tăng tiết 4 môn Toán, Lý, Hóa, Anh, sau khi biết môn thi tốt nghiệp sẽ tăng tiết thêm các môn còn lại. Năm ngoái, trường chỉ đậu tốt nghiệp 99,9%, vì có một em thi rớt, năm nay trường đưa chỉ tiêu phải cố gắng để 100% em thi đậu. Ngoài ra, mục tiêu của trường không chỉ là đậu tốt nghiệp, mà còn phải giúp các em đậu ĐH, CĐ, nên buổi tối, chúng tôi mở thêm các lớp để các em ôn tập”.
 
Thời gian học của học sinh dường như đã kín lịch ở trường nhưng thời điểm này, mục tiêu đặt ra của các em và cả gia đình là phải thi đậu đại học nên không ít học sinh đi học mà không khác gì ca sĩ chạy sô, từ học tăng tiết đến phụ đạo ôn thi tốt nghiệp; học ở trường, học thêm ở nhà thầy cô hoặc các trung tâm luyện thi, ngoài giờ.

Tránh áp lực học thi bằng cải cách thi cử

Ở các trường, tùy trình độ “đầu vào” và mà mỗi trường chọn cách thức ôn tập cho học sinh khác nhau, miễn sao đạt được kết quả cao hơn hoặc bằng năm trước, chứ quyết không để “trượt hạng”.

Các trường dân lập có thương hiệu đầu ra “đẹp” quyết bảo vệ tỷ lệ và hướng đến luyện thi ĐH, CĐ nên thi nhau tăng tiết, phụ đạo đến tối mịt. Nhiều trường còn bắt đầu năm học từ tháng 6 như Trường THPT Nguyễn Thái Bình, tháng 7 như Trường THPT Ngô Thời Nhiệm…

Riêng các trường THPT công lập cũng như ngồi trên đống lửa nên bắt đầu kế hoạch để ôn thi từ khá sớm. Từ đầu học kỳ 2, nhiều trường đã tiến hành phân loại học sinh và có chế độ ôn tập riêng.

Đơn cử tại Trường THPT Trần Khai Nguyên, Nguyễn Hiền... buổi chiều hoặc đầu giờ học buổi sáng, các giáo viên sẽ tiến hành dò bài cho những học sinh yếu kém. Thế nhưng thực tế, hều hết các em học sinh vẫn phải “gánh” khối lượng bài vở vượt quá sức mình.
 
Ông Nguyễn Hoài Chương, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM, cho biết: “Từ đầu năm học, ngành giáo dục luôn nhắc nhở các trường không được ép học sinh học quá nhiều. Với chương trình học và cách thi cử như hiện nay, khó tránh khỏi việc phải bồi dưỡng, phụ đạo cho HS.

Tuy nhiên, các thầy cô giáo phải sắp xếp thời gian phù hợp, vừa sức các em để đem lại hiệu quả lâu dài. Bên cạnh thời gian học, phải dành thời gian cho các em được vui chơi giải trí để đảm bảo sức khỏe. Về lâu dài, cần phải cải tổ chương trình và phương thức thi cử mới giải quyết được áp lực học thi như hiện nay”

LÊ LINH - ANH KHOA

Tin cùng chuyên mục