Cùng với việc công bố chỉ tiêu tuyển sinh, hầu hết các trường đại học đã công bố mức học phí năm học tới. Mỗi trường một kiểu, phía Bắc tuy học phí không tăng nhiều nhưng mỗi trường một giá, trong khi đó phía Nam các trường đồng loạt tăng. Trong bối cảnh biến động giá cả hiện nay, học phí ảnh hướng không nhỏ tới quyết định chọn ngành, chọn nghề của thí sinh.
Học phí cao ở hệ đào tạo theo nhu cầu
Có thể nhận thấy, thí sinh theo học chương trình đào tạo theo chất lượng cao hay học theo diện ngoài ngân sách nhà nước sẽ phải “gánh” một khoản học phí cao hơn đáng kể so với mức học phí tại các trường công lập. Năm học tới, khoa Quốc tế - ĐH Quốc gia Hà Nội công bố học phí tính theo USD/EUR. Cụ thể, chương trình do ĐHQG Hà Nội cấp bằng, như kinh doanh quốc tế, học phí lên tới 1.800 USD/năm; kế toán, phân tích và kiểm toán là 1.300 USD/năm.
Chương trình do ĐH nước ngoài cấp bằng của trường còn có mức thu cao hơn. Trong đó, ngành kế toán: 2.800 USD/năm; khoa học quản lý: 2.800 USD/năm; bác sĩ nha khoa: 3.300 EUR/năm; kinh tế - quản lý: 1.800 EUR/năm; kinh tế - tài chính, trung y - dược, giao thông: 800 USD/năm. Với chương trình dự bị ĐH, mức học phí trường thu 1.000 USD/học kỳ (tiếng Anh); tiếng Nga: 500 USD/học kỳ; tiếng Pháp: 550 EUR/học kỳ; tiếng Trung Quốc: 400 USD/học kỳ.
Theo thông báo của ĐH Hoa Sen, nếu sinh viên chọn chương trình học bằng tiếng Anh sẽ phải chịu mức học phí 3,3 triệu đồng/tháng; chọn chương trình chính quy hợp tác quốc tế (ĐH Lyon 1, ĐH Paris Est, Viện Mod’Art), học phí 3,3 - 5,2 triệu đồng/tháng. Trong khi chương trình giảng dạy bằng tiếng Việt tại Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn thu 41,8 triệu đồng/năm thì học phí của chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh của trường lên gần 120 triệu đồng/năm.
Cũng theo công bố của nhiều trường, với những thí sinh theo học diện ngoài ngân sách có thể phải chịu mức học phí gấp 5 đến 10 lần so với học phí chính quy.
Cao thấp tùy ngành học
Ngoài xu thế tăng học phí, một điều dễ nhận thấy là cùng một trường, mức học phí cũng cao thấp khác nhau tùy theo ngành học. Trường ĐH Thăng Long chia làm 2 mức học phí khác nhau với mức chênh lệch 500.000 đồng/năm. Cụ thể, các ngành kế toán, tài chính - ngân hàng, quản trị kinh doanh, quản lý bệnh viện, y tế công cộng, công tác xã hội, Việt Nam học: 16 triệu đồng/năm. Các ngành toán ứng dụng, khoa học máy tính, truyền thông và mạng máy tính, hệ thống thông tin quản lý, ngôn ngữ Anh, ngôn ngữ Nhật Bản; ngôn ngữ Trung Quốc, điều dưỡng: 16,5 triệu đồng/năm.
Tại ĐH Dân lập Đông Đô, các ngành 101, 102, 103, 104, 701, 704 có mức học phí 720.000 đồng/tháng; các ngành còn lại 700.000 đồng/tháng.
Mức học phí thể hiện rõ sự chênh lệch giữa các ngành phải kể đến ĐH dân lập Văn Lang. Trường này có những ngành mức học phí là 8 triệu đồng/năm, nhưng có những ngành lên tới 14 triệu đồng/năm. Riêng ngành công nghệ thông tin đào tạo theo chương trình Carnegie Mellon University (Mỹ) dự kiến tăng lên 20 - 22 triệu đồng/năm. ĐH Đại Nam, thu học phí cao hơn ở các ngành tài chính ngân hàng: 1,18 triệu đồng/tháng; ngành kế toán, quản trị kinh doanh: 1,08 triệu đồng/tháng. Các ngành còn lại: 980.000đồng/tháng. Học phí hệ CĐ của trường là 800.000 đồng/tháng.
ĐH Công nghệ Sài Gòn cũng thu học phí tùy theo khối ngành. Học phí ĐH khối ngành kỹ thuật (trừ ngành công nghệ thực phẩm) là 4,7 triệu đồng/học kỳ. Học phí ngành công nghệ thực phẩm 5,9 triệu đồng/học kỳ. Khối ngành quản trị kinh doanh là 4,6 triệu đồng/học kỳ. Khối ngành mỹ thuật công nghiệp 5,9 triệu đồng/học kỳ. ĐH Quốc tế Bắc Hà cũng quy định mức học phí các ngành kinh tế: 15 triệu đồng/năm; các ngành kỹ thuật: 16 triệu đồng/năm; học phí cao đẳng ngành kinh tế: 8 triệu đồng/năm; các ngành kỹ thuật: 9 triệu đồng/năm...
Việc thu học phí với mức cao thấp tùy ngành học được đánh giá phù hợp với thực tế vì mỗi ngành có một yêu cầu đào tạo khác nhau. Nhưng với mức học phí các trường ngoài công lập đưa ra cho thấy gánh nặng học phí sẽ “cản” đường không ít thí sinh có hoàn cảnh khó khăn ở nông thôn.
Theo ghi nhận, hầu hết các trường ĐH phía Nam đều công bố tăng học phí năm học 2011, trong khi đó, nhiều trường phía Bắc lại giảm học phí so với năm trước. Một số trường thực hiện chính sách không tăng học phí mà thậm chí còn giảm cho người học như Trường ĐH Công nghệ và Quản lý Hữu Nghị: 850.000 đồng/sinh viên/tháng trong năm học tới, trong khi đó năm 2010 là 1,1 triệu đồng/tháng. Một số trường không tăng học phí, như: ĐH Chu Văn An, ĐH Công nghệ Đông Á, ĐH Công nghệ Vạn Xuân, ĐH Dân lập Hải Phòng, ĐH Hoa Hà Tiên, ĐH Nguyễn Trãi, ĐH Đông Á...
Một số trường ĐH ngoài việc công bố mức học phí cũng công bố thêm các chính sách hấp dẫn để cạnh tranh, thu hút học sinh. Đơn cử ĐH Dân lập Hải Phòng đưa ra học phí năm học 2011-2012 là 790.000 đồng/tháng, nhưng học sinh đạt khá và giỏi ở THPT có NV1 thi vào trường đạt điểm thi tuyển sinh từ 21 hoặc 24 trở lên sẽ được hưởng học bổng tương đương với 80% hoặc 100% học phí của trường trong suốt 4 năm.
Lâm Nguyên