Học phí và phí

Đề án tăng học phí, chủ yếu ở bậc học ĐH-CĐ, mà Bộ GD-ĐT đang trình Chính phủ phê duyệt – cũng giống như khi nhìn nhận sự khác biệt giàu – nghèo tồn tại trong cơ chế thị trường – cần được đánh giá hết sức thấu đáo, dưới nhiều góc cạnh để giải quyết một cách hợp tình, hợp lý, hợp thời điểm.

Theo đúng lẽ tự nhiên, hai đối tượng chính tham gia quá trình “trồng người” là người “trồng” và người được “trồng” đều có cái lý khi phải “tăng” hay “giảm” túi tiền của mình, song tất cả đều thống nhất ngân sách nhà nước không đủ sức bao cấp, cần sự góp sức chung của toàn xã hội để vực dậy nền giáo dục còn ngổn ngang những vấn đề. Và cái cốt lõi là hiệu quả và chất lượng đào tạo cần được đặt lên hàng đầu khi chúng ta bắt tay thực hiện xã hội hóa giáo dục.

Điều đáng nói đầu tiên là ở hệ ĐH, mức học phí trong suốt cả chục năm vẫn đóng khung cứng ngắc – trung bình 180.000 đồng/tháng – bất chấp sự biến động của nền kinh tế cũng như nhu cầu nguồn nhân lực tăng cao cả về số lượng lẫn chất lượng. Trước khi xảy ra cơn “bão giá” và lạm phát 2 con số những tháng đầu năm, chúng ta cũng đã định áp dụng ngay từ đầu năm học một cơ chế học phí mới để đảm bảo chi thường xuyên cho các cơ sở giáo dục, song vì mục tiêu bình ổn nền kinh tế, thời điểm “áp” giá phải lùi lại, để cân nhắc chuyện tăng là phải tăng nhưng tăng từ từ hay tăng vọt gấp đôi mức cũ?

Và liệu sức dân có chịu được áp lực của gánh nặng tài chính khi túi tiền thì hữu hạn còn giá cả thì vô hạn? Bởi vì có nói gì thì nói, người dân vẫn phải bóp bụng chi riêng khoản tiền học thường xuyên của con em mình cỡ 40% tổng thu nhập (theo một báo cáo chính thức), tức là cao gấp đôi con số thống kê ở các nước phát triển. Như thế bài toán cân bằng chi tiêu, đảm bảo thu đúng, thu đủ cũng như các chế độ miễn giảm học phí đối với các hộ nghèo và cận nghèo cần có lời giải tối ưu để không sinh viên nào phải thất học.

Nhưng thật đáng tiếc, trong khi chúng ta đang phải tính toán từng đồng xu đóng góp của người dân cho sự nghiệp giáo dục thì hàng loạt cơ sở trong ngành vốn được coi là “phi lợi nhuận” nhất, đặc biệt ở khối ngoài công lập, lại xé rào đưa ra những mức giá theo học – phải nói thẳng – hết sức phi lý: Trường được gắn mác “đẳng cấp quốc tế” có giá bèo nhất cũng cỡ 2.000 USD/năm, trường tầm tầm thì cũng phải tăng ít nhất 1 triệu đồng so với năm học trước.

Người ta viện dẫn đủ lý do từ khách quan nhất là “mặt bằng giá hàng hóa – dịch vụ tăng” đến giá thuê mặt bằng “ngang với giá thuê văn phòng loại A”, rồi lại phải hoạt động theo cơ chế của “Luật Doanh nghiệp” và phải “thuê thầy” về dạy vì có trường số tiến sĩ đăng ký dạy là 20 song “thực dạy” chỉ có duy nhất… 1 tiến sĩ! Và điều đáng nói là học phí tăng trong khi cơ sở vật chất vẫn y nguyên như khi chưa tăng phí học.

Một con số thống kê cho thấy ở một số trường dân lập, sau khi cân đối thu chi, số dư còn lại đầu tư cho phòng thí nghiệm chỉ chiếm 1%, thậm chí có trường teo lại chỉ còn 0,6%. Đầu tư cỡ vậy thì làm sao có thể đặt vấn đề về chất lượng “tiền nào của nấy”? Rõ ràng, sự minh bạch về tài chính và thực lực của mỗi trường đang là vấn đề đặt ra hết sức nghiêm túc, cần sự giám sát, thanh kiểm tra chặt chẽ từ cơ quan chủ quản là Bộ GD-ĐT.

Ở tầm vĩ mô, khi đặt vấn đề sản phẩm giáo dục chưa đạt yêu cầu xã hội, nhiều người cho rằng “nó thế” là bởi thiếu tiền, thiếu cái “đầu tiên” thì làm sao có cái “đầu ra” cho ra hồn? Giải thích vậy cũng chỉ đúng phần nào, vì tiền cho giáo dục đâu có thiếu: Từ năm 1998 đến năm 2007, đầu tư của nhà nước cho giáo dục tăng 6 lần, từ 11.754 tỷ đồng lên 67.000 tỷ đồng và dự kiến năm 2008 là 72.000 tỷ đồng.

Thực chất vấn đề ở chỗ tiền nhiều mà chia ra nhiều hạng mục, hay nói cách khác – cách thời thượng hiện giờ – là đầu tư dàn trải – thì tất nhiên là tiền thiếu. Chẳng hạn trong vài năm qua, số trường ĐH-CĐ (lập mới và nâng cấp) bằng cả nửa thế kỷ cộng lại (hiện là gần 300 trường), mà điều đáng nói là ở những cơ sở này cái gì cũng “giảm” từ cơ sở vật chất đến đội ngũ giảng viên cơ hữu… và chỉ có cái “tăng” duy nhất là học phí. Nghĩa là từ học phí đến phí chỉ cách nhau gang tấc.

Tăng học phí ở hệ ĐH-CĐ là chuyện bắt buộc phải làm nếu chúng ta muốn có một nền giáo dục sánh ngang với các nước khu vực và thế giới, song đó cũng chỉ là một kênh trong nhiều kênh thu hút đầu tư. Và cái cần “tăng” nhất hiện giờ là “tăng” chất xã hội hóa để mọi doanh nghiệp, mọi cá nhân được chia sẻ và gánh vác sự nghiệp đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Mà cái đó hoàn toàn trong tầm tay, như chuyện một đại gia có thể bỏ ra 15 triệu USD để tổ chức thi hoa hậu hoàn vũ – bằng đúng số tiền đủ để xây dựng một ĐH quốc tế – thì cớ gì chúng ta không thể vận động đại gia đó nhìn nhận lại rằng cái đẹp trí tuệ mới là đẹp mãi mãi…

Bích An

Tin cùng chuyên mục